Chuyên gia về sự chết

Anh suy tư rất nhiều về cách làm thế nào để tạo ra những giây phút cuối đời thật nho nhã, trang nghiêm cho các bệnh nhân của mình.

“[Vào cuối đời], bạn có thể để cho rất nhiều nguyên tắc thống trị đời sống hằng ngày của mình bay vèo ra cửa sổ. Bởi bạn nhận ra rằng chúng ta đang loanh quanh trong những hệ thống trong xã hội, và phần lớn những gì ngốn hầu hết thời gian trong ngày của chúng ta lại không phải là trật tự tự nhiên nào đó. Chúng ta ai cũng đang điều hướng cái kiến trúc thượng tầng nào đó mà con người chúng ta tạo ra.

Bj Miller

BJ Miller (TW: @ZENHOSPICE, ZENHOSPICE.ORG) là bác sĩ chuyên về chăm sóc giảm nhẹ tại Đại học California tại San Francisco và là nhà tư vấn cho Zen Hospice Project (Dự Án Nhà An Dưỡng Cuối Đời Thiền Quán) ở San Francisco. Anh suy tư rất nhiều về cách làm thế nào để tạo ra những giây phút cuối đời thật nho nhã, trang nghiêm cho các bệnh nhân của mình.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Neuroscience News.

Ảnh minh họa. Nguồn: Neuroscience News.

Anh là một chuyên gia về sự chết. Thông qua công việc, anh học hỏi cách làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của chính mình, thường bằng những thay đổi rất nhỏ. Anh đã hướng dẫn hoặc tham gia giúp đỡ khoảng 1.000 sự ra đi, và rút ra được những kiểu mẫu để từ đó tất cả chúng ta có thể học hỏi. BJ cũng bị cụt hai chân và một tay do một tai nạn liên quan đến điện khi đang là sinh viên đại học. Bài nói chuyện của anh tại TED vào năm 2015, “What Really Matters at the End of Life” (“Điều Thực Sự Quan Trọng vào Cuối Cuộc Đời”), nằm trong 15 bài nói chuyện được xem nhiều nhất trên TED năm 2015.

“Đừng tin vào mọi điều bạn nghĩ”

Là câu trả lời của BJ cho câu hỏi “anh sẽ viết gì lên một tấm bảng quảng cáo ngoài trời?” Anh không chắc chắn về nguồn gốc của câu đó nhưng cho rằng nó đến từ một băng dán khẩu hiệu đằng sau xe (bumper sticker). Vào cuối chương giới thiệu này về anh, ta sẽ thấy BJ yêu thích phong cách phi lý này ra sao.

Ngắm trăng sao như một liệu pháp chữa trị

“Khi bạn đang vật vã với gần như tất cả mọi thứ, hãy ngước nhìn bầu trời. Hãy cứ trầm tư với bầu trời đêm trong một phút và nhận ra rằng tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một hành tinh vào cùng một thời điểm. Có thể nói, hành tinh của chúng ta là hành tinh duy nhất có sự sống giống như chúng ta đang sống so với các hành tinh lân cận.

Sau đó khi bắt đầu chăm chú vào các vì sao, bạn nhận ra tia sáng đang chạm vào mắt mình là tia sáng cổ xưa, [một vài] ngôi sao bạn đang ngắm nhìn, chúng đã không còn tồn tại vào thời điểm tia sáng của chúng đến được với bạn. Chỉ suy ngẫm về những-dữ-kiện-trần-trụi của vũ trụ cũng đủ khiến tôi rùng mình, choáng ngợp, hãi hùng, và dường như đặt tất cả những âu lo tinh thần của tôi vào chỗ thích hợp dành cho chúng. Có nhiều người - khi bạn đang đứng tại mép chân trời của mình, nơi cửa tử, bạn có thể đồng điệu hơn rất nhiều với vũ trụ”.

TF: Ngạc nhiên thay, Ed Cook (trang 618) cũng thực hiện việc tương tự, và tôi đã bắt đầu thực hiện “liệu pháp chữa trị cùng những vì sao” hằng đêm khi tôi có thể. Không cần quá nhiều nỗ lực mà lại vô cùng hiệu quả.

Thích thú với tính khả tử

Sau đây là câu trả lời của BJ cho câu hỏi “Món mua sắm đáng giá 100 đôla hoặc ít hơn có ảnh hưởng tích cực nhất đến cuộc đời của anh trong ký ức gần đây là gì?”

“Có lẽ tôi sẽ cho đó là chai rượu vang pinot noir xinh đẹp mua từ Joseph Swan trên Quận Hạt Sonoma. Nó giống như một tác phẩm nghệ thuật của Andy Goldsworthy, hay bất kỳ ai thích thú với bất cứ thứ gì phù du. Nét quyến rũ ở chai rượu vang, tạo tác thủ công, biết bao lao động dồn vào nó... thực sự thích thú với thực tế rằng nó khả tử và biến mất, tôi thấy điều đó vô cùng hữu ích. Tôi đã đi xa nhiều dặm nhờ một chai rượu đẹp, không chỉ vì mùi vị và cảm giác phấn chấn, mà còn vì tính biểu tượng của việc thích thú về một điều sẽ mất đi”.

Timothy Ferriss/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gia-ve-su-chet-post1529859.html