Chuyên gia: VN-Index bứt phá phần lớn ở nhóm ngân hàng và bất động sản, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng

Thị trường Việt Nam đã hồi phục tích cực sau cú sốc về chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ, tuy nhiên phần lớn sự hồi phục đó đến từ VN30, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhận định về triển vọng vĩ mô và diễn biến thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), cho rằng việc giữ nguyên lãi suất cơ bản ở vùng 4,25–4,50% tại cuộc họp ngày 7/5/2025, thay vì hạ như kỳ vọng trước đó cho thấy Fed tỏ ra khá thận trọng trước sự bất định của các chính sách thuế quan và lo ngại rằng lạm phát có thể sẽ tăng và thị trường lao động vẫn mạnh.

Thực tế, lạm phát Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, xuống chỉ còn 2,3% nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhất trí rằng lạm phát Mỹ có thể tăng lại từ tháng 5 do áp lực từ thuế quan.

Trong khi đó, thị trường lao động vẫn khá vững vàng với số lượng việc làm mới tăng thêm 177.000 trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4,1%. Dù vậy, hoạt động sản xuất của Mỹ có dấu hiệu suy yếu do các nhà sản xuất lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến cho thị trường lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai gần. Bên cạnh đó, quyết định giữ nguyên lãi suất sẽ cho Fed dư địa để phản ứng trước những biến động khó lường và hạn chế tác động tiêu cực đến từ những chính sách bảo hộ của chính quyền ông Donald Trump.

Chính sách thuế quan đột ngột của Chính phủ Mỹ gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư, làm dòng tiền này một phần vẫn chảy ra khỏi thị trường Mỹ. Những yếu tố trên cùng với các yếu tố rủi ro địa chính trị đã làm dòng tiền chảy về các tài sản có độ an toàn cao để phòng tránh rủi ro như: vàng, JPY, EUR...

Cùng diễn biến tích cực của thị trường chung, nhà đầu tư ngoại đã bất ngờ quay trở lại liên tiếp mua ròng mạnh trong các phiên giao dịch của tuần đầu tháng 5, với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.210 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2025, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã xấp xỉ 42.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 1,6 tỉ USD.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Mặc dù dòng vốn ngoại đang trong xu hướng rút ròng kéo dài, nhưng hiện nay nhiều yếu tố mới đang dần định hình và được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Trước hết, nội lực kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục là nền tảng quan trọng. GDP Quý 1/2025 tăng trưởng mạnh mẽ 6,93%, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Dù mức thuế quan Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất, nhưng các tổ chức kinh tế vẫn dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,5%-7% trong năm 2025. Mức tăng trưởng dự báo này dù có thấp hơn mục tiêu của Quốc hội nhưng vẫn là mức cao so với khu vực và thế giới.

Các yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu đến từ nội lực, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã luôn thực hiện tốt vai trò của mình trong những năm gần đây để ổn định lạm phát, tỷ giá. Bên cạnh đó, đầu tư công và sự phục hồi của ngành bất động sản cũng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay khi căng thẳng thương mại leo thang.

Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin mới KRX đã chính thức vận hành kể từ ngày 5/5/2025. Đây được kỳ vọng là đòn bẩy kỹ thuật lớn giúp thị trường Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giao dịch. Qua đó, triển vọng nâng hạng thị trường đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

PSI dự báo rằng Việt Nam nhiều khả năng sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thu hút khoảng 6 tỷ USD dòng vốn thụ động từ các quỹ ETF và nhà đầu tư theo dõi chỉ số.

Thị trường Việt Nam đã hồi phục tích cực sau cú sốc về chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ, tuy nhiên phần lớn sự hồi phục đó đến từ VN30, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng.

Dù phản ứng tích cực trước mắt, vẫn cần quản trị danh mục thận trọng trong bối cảnh dòng vốn ngoại chưa rõ xu hướng. Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những biến động mạnh khi rủi ro tác động từ các chính sách thuế quan vẫn còn rất khó đoán định cả về quy mô, thời gian và mức độ lan tỏa.

Tuy dòng tiền có xu hướng quay lại thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây dù mức độ phân hóa ngày càng gia tăng, tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư vẫn đang được duy trì mạnh mẽ khiến cho chỉ số thị trường khó có thể duy trì đà tăng mạnh trong giai đoạn hiện tại.

"Tôi kỳ vọng các yếu tố tích cực đến từ vĩ mô cùng các chính sách cải cách hạ tầng, cơ hội nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ sở vững chắc hơn để kỳ vọng bước vào một “kỷ nguyên vươn mình”. Khi đó dòng tiền trong thị trường sẽ là dòng vốn có tính chiến lược và bền vững hơn", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-vn-index-but-pha-phan-lon-o-nhom-ngan-hang-va-bat-dong-san-nha-dau-tu-van-can-than-trong.htm