Chuyên gia y tế Nguyễn Huy Nga: Dịch Covid-19 không thể bùng phát trở lại

Theo chuyên gia y tế Nguyễn Huy Nga, số lượng người tiêm vắc xin ở nước ta đã rất lớn, ở những khu đô thị, nơi tập trung đông dân tỉ lệ phủ vắc xin rất cao nên dịch không thể bùng phát trở lại.

Thời gian trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng giảm về số người mắc và các ca tử vong. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, công tác chống dịch đến nay vẫn được các cơ quan chức năng thực hiện sát sao, thậm chí nghiêm ngặt.

Bình luận về tình hình dịch bệnh hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định, đỉnh dịch đã đạt từ giữa tháng chín, hiện nay dịch đang đi xuống.

Nguy cơ dịch bùng phát trở lại không còn (ảnh Quang Hùng).

Đánh giá về nguy cơ dịch bệnh tới đây, chuyên gia này cho rằng khả năng dịch bùng phát trở lại như đã từng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là không còn.

Bởi, hiện nay số người tiêm vắc xin đã rất lớn. Những nơi đông dân cư, những khu công nghiệp đã được phủ vắc xin. Chính vì thế, dịch không thể bùng phát trở lại một cách dữ dội.

Đa số những người chưa tiêm chủng vắc xin COVID-19 hiện đang sống ở nông thôn. Đây là những khu vực ít có nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

Vì ở đó dân cư thưa, không gian rộng rãi, có ánh nắng và gió thoáng. Người dân cũng ít hội họp, tụ tập đông người. Để phòng dịch người dân nên tuân thủ 5k là có thể kiểm soát được dịch. Tới đây, khi có thêm vắc xin cần đẩy mạnh tiêm mở rộng nữa là an toàn.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Nga, việc người dân từ thành phố về quê trong những ngày qua, cần tuân thủ quy định cách ly, theo dõi thì nguy cơ lây lan dịch cũng sẽ không cao.

“Với tình hình dịch hiện nay thì cần thiết sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Bây giờ không nên “ngăn sông cấm chợ nữa”, mà nên sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường như cho phép chợ hoạt động, giao thông đi lại giữa các tỉnh, nhà máy xí nghiệp hoạt động trở lại” – ông Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Vấn đề hiện nay theo vị chuyên gia này là cần sớm ổn định đời sống của người dân đặc biệt những người yếu thế. Trong y tế, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để điều trị nếu xuất hiện các trường hợp bệnh nhân nặng.

“Hiện nay, nếu có dịch thì chỉ ở một vài điểm nhỏ. Người dân khi có dấu hiệu nhiễm bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế kiểm tra để phát hiện, điều trị sớm.

Nhìn chung, tình hình dịch hiện nay không có quá đáng ngại, lúc này có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường” – ông Nguyễn Huy Nga nhận định.

Được biết, hiện nay tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 49.254.925 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.448.527 liều, tiêm mũi 2 là 12.806.398 liều.

Lãnh đạo của Bộ Y tế cũng đã xác định, "không thể nào theo đuổi chính sách Zero COVID-19" và đặc biệt trong điều kiện của biến chủng Delta.

Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế tách đôi để sẵn sàng đối phó, thích ứng với biến chủng Delta, một bên tập trung khám chữa bệnh thông thường, một bên là chống dịch COVID-19.

Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế chủ động chống dịch, tránh để bị động, chuẩn bị sẵn về oxy y tế để tránh đứt gãy công tác khám chữa bệnh.

Thông tin từ Bộ Y tế còn cho biết, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 5.147 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 826.837 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.399 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 822.238 ca, trong đó có 753.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.

Có 9 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP. Hồ Chí Minh (405.184), Bình Dương (219.652), Đồng Nai (53.140), Long An (33.099), Tiền Giang (14.359).

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-y-te-nguyen-huy-nga-dich-covid-19-khong-the-bung-phat-tro-lai-post160427.html