Chuyện giảm nghèo ở Bắc Hà

Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn xác định phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện Bắc Hà đã tranh thủ tối đa các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ đó, công cuộc giảm nghèo ở huyện vùng cao này đang thu về những "mùa quả ngọt" khi là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai.

Nâng tầm giá trị nông sản địa phương

UBND huyện Bắc Hà cho biết liên tiếp trong 3 năm (2022 – 2023 - 2024), tỷ lệ giảm nghèo của huyện luôn nằm trong nhóm giảm cao nhất của tỉnh. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh và vượt mục tiêu đề ra, bình quân hàng năm đạt trên 8,43%; trong đó, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 9,7%/năm.

Đặc biệt, năm 2023, huyện giảm được 1.268 hộ nghèo, đạt 9,16% và là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh. Thu nhập bình quân người dân trên địa bàn đạt 45,38 triệu đồng/năm. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Hà thực hiện mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn trong thời gian tới.

Huyện Bắc Hà có khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, được trồng tại các xã vùng cao Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền, nơi có đồng bào Mông, Tày, Nùng sinh sống.

Huyện Bắc Hà có khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, được trồng tại các xã vùng cao Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền, nơi có đồng bào Mông, Tày, Nùng sinh sống.

Huyện Bắc Hà đặt mục tiêu năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 17,42%, giảm bình quân hơn 8,5%/năm.

Để đạt mục tiêu này, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, nhiều HTX đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng thành công một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

UBND huyện Bắc Hà cho biết toàn huyện có khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, được trồng tại các xã vùng cao Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền, nơi có đồng bào Mông, Tày, Nùng sinh sống. Cây chè được bà con dân tộc nơi đây gìn giữ như báu vật khi lá chè bán được giá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Đặc biệt, mấy năm gần đây, những vườn, đồi chè Shan tuyết cổ thụ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá miền “Cao nguyên trắng” Bắc Hà thơ mộng. Bên cạnh đó toàn huyện còn có gần 700 ha chè Shan tuyết hữu cơ tập trung chủ yếu ở các xã Bản Liền, tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố...

"Để có được thành quả như ngày hôm nay, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm", lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà cho hay.

Người trồng chè yên tâm vì có HTX

Chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà vốn nổi tiếng lâu nay, nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa có sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn..., thị trường tiêu thụ, giá bán thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế hạn chế... Với mong muốn tiếp tục giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, quảng bá đặc sản, thương hiệu, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, một số HTX đã mạnh dạn xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: HTX Quang Tom, HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà…

HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà (xã Bản Liền) có chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ. Hiện, HTX đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau, giá dao động từ 600 – 700 nghìn đồng/kg, loại đắt nhất là chè sen lên tới 5 triệu đồng/kg. 95% sản lượng chè của HTX được xuất khẩu đến thị trường 40 nước, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Với giá bán 100- 120 USD/kg, 5 năm qua, HTX đã giúp hàng trăm hộ dân người Tày, Mông có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Trong 3 năm qua, sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10 -15%/năm.

Ông Lâm A Tương, người dân tộc Tày ở huyện Bắc Hà, thành viên liên kết của HTX chia sẻ, là người dân tộc thiểu số nên thu nhập của gia đình ông chủ yếu đều từ làm nông. Trước đây chưa có HTX thu mua chè, người dân bán búp lá chè tươi chỉ được 4-5 nghìn đồng/kg, nay HTX thu mua được tới 18 – 20 nghìn đồng/kg nên bà con phấn khởi trồng.

Theo ông Tương, với khoảng 4 ha cây chè, trồng gần 100 gốc, vào vụ, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 20 – 30 cân búp chè tươi. Công chăm sóc không mấy vất vả, khí hậu lại hợp nên chè cho năng suất cao.

Từ ngày là thành viên HTX, ông đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, chè sạch đúng tiêu chuẩn, không sử dụng hóa chất. Vụ này, ước tính gia đình ông thu về 30 – 40 triệu đồng. “HTX đã giữ đúng cam kết thu mua giá cao, ổn định suốt 4 năm qua, ai nấy đều tin tưởng HTX và cải tạo, chăm sóc cây chè Shan hữu cơ”, ông Tương cho hay.

HTX Quang Tom đầu tư các loại máy móc để phục vụ quá trình chế biến, sản xuất chè thành phẩm: máy sao, máy sấy, máy vò,….

HTX Quang Tom đầu tư các loại máy móc để phục vụ quá trình chế biến, sản xuất chè thành phẩm: máy sao, máy sấy, máy vò,….

Tại HTX Quang Tom (xã Tà Chải), lãnh đạo HTX chia sẻ: “Chúng tôi thấy rằng, những cây chè ở đây rất có giá trị mà chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm OCOP để giúp bảo tồn phát huy giá trị của sản phẩm chè Shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao”.

HTX đã liên kết với các hộ dân có chè Shan tuyết trên địa bàn, nhất là ở vùng chè Shan tuyết cổ thụ xã Tả Củ Tỷ để thu mua chè tươi, rồi hướng dẫn bà con chăm sóc thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”: không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Trong quá trình sản xuất luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái.

HTX hiện đã xây dựng thành công và được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là Hồng Trà, bạch Trà, chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Lào Cai ưa chuộng.

Mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, HTX trở thành đầu tàu liên kết khi đứng ra thu mua các sản phẩm của bà con trong vùng, đưa nông sản địa phương tới nhiều thị trường tiêu thụ mới, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên HTX và người dân.

"HTX Quang Tom đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương, đồng thời thể hiện rõ tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của người dân miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp", lãnh đạo địa phương đánh giá.

Nâng cao vai trò của KTTT, HTX

Có thể thấy, khu vực KTTT, HTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều, khi các thành viên tham gia sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế cho chính bản thân mình. Theo đó, cần tháo gỡ những nút thắt để các tổ hợp tác, HTX tiếp tục phát huy vai trò 'bà đỡ' cho người dân phát triển kinh tế.

Xác định KTTT, HTX có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển. Tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các HTX chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ vốn cho các HTX phát triển sản xuất.

Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng các HTX cũng ngày càng nâng cao, có trên 72% HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX năm 2024 ước đạt 918 triệu đồng/năm (tăng 2,8% so với năm 2023); thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt 48 triệu đồng/năm (tăng 2,1% so với năm 2023).

Số thành viên của các HTX là 7.568 (tăng 2,7%), tổng số lao động thường xuyên trong các HTX ước khoảng 8.529 người (tăng 4% so với năm 2023). Toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 tổ hợp tác, với 36.385 người. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác 198 triệu đồng/năm (tăng 3,1%), lãi bình quân ước đạt 28 triệu đồng/năm (tăng 1,8% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, số lượng HTX còn ít, quy mô nhỏ. Nhằm giải quyết những khó khăn để các tổ hợp tác, HTX thành “bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế cần có hỗ trợ cụ thể.

Chẳng hạn, về vốn, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thời điểm hiện nay, nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng khá tốt, vì thế nên chỉ đạo cho một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Về chính sách tiêu thụ sản phẩm cho HTX và tổ hợp tác vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần có hoạch định chương trình lớn, ở tầm quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/chuyen-giam-ngheo-o-bac-ha-1105900.html