Chuyện giảm nghèo từ những mô hình sinh kế của HTX ở Bình Phước
Bình Phước, một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ với đa dạng các dân tộc sinh sống, đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững và bao trùm, đặc biệt là đối với các cộng đồng yếu thế và đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát huy vai trò của HTX trở nên vô cùng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong những năm qua, Bình Phước đã triển khai nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo và đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Trong bối cảnh đó, mô hình HTX đã và đang đóng một vai trò nhất định, thể hiện qua.
Lực kéo giảm nghèo từ HTX
Tính đến cuối năm 2024, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh là 337 HTX, trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm khoảng 80%. Các HTX nông nghiệp đã tập trung vào sản xuất và phát triển các sản phẩm chủ lực như điều, cao su, hồ tiêu, từ đó đã giúp các thành viên, trong đó có nhiều hộ nghèo và cận nghèo, liên kết sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Một số HTX đã xây dựng được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường ổn định hơn. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Điều Hữu cơ Trảng Cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Nguyên Khang Garden (huyện Đồng Phú)…

HTX nông nghiệp số ở Bình Phước giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập.
Đơn cử như HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) đã có doanh thu khoảng 4,6 tỷ đồng/năm nhờ sản xuất tiêu hữu cơ xuất khẩu. Thu nhập bình quân người lao động trong HTX từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang có 5 sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sản phẩm OCOP 3 sao.
Còn HTX Cây ăn trái Bàu Nghé (huyện Phú Riềng) đã chuyên trồng và kinh doanh các loại trái cây chủ lực của vùng như bưởi da xanh, sầu riêng,... theo hướng hàng hóa. Sản lượng trái cây của HTX khá lớn, đạt khoảng 6.000 tấn/năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Do đó, mô hình này đang giúp các thành viên tăng thu nhập nhờ sản xuất tập trung, quy mô lớn và tiếp cận thị trường quốc tế.
Những mô hình HTX này không chỉ giúp các thành viên trực tiếp tăng thu nhập mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các HTX, Liên hiệp HTX để phát triển kinh tế bền vững. Sự liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường ổn định là những yếu tố then chốt giúp các HTX này thành công và đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân Bình Phước.
Tiềm năng phát triển HTX trong giảm nghèo còn lớn
Để có những mô hình hoạt động như trên thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam, cụ thể là Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) đã kết nối với Liên minh HTX tỉnh thực hiện tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX trong chuyển đổi số, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh cũng phối kết hợp với các ban ngành trong việc hỗ trợ HTX phát triển sản xuất và thị trường thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối giao thương giữa các HTX Bình Phước với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ quảng bá sản phẩm.
Mặc dù đã có những đóng góp và hỗ trợ nhất định nhưng vai trò của HTX trong công cuộc giảm nghèo tại Bình Phước vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Điều này được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đánh giá là do số lượng và quy mô HTX còn hạn chế. So với tiềm năng kinh tế của tỉnh, số lượng HTX hoạt động hiệu quả, có tác động rõ rệt đến giảm nghèo vẫn chưa nhiều.

HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đầu tư mạnh vào sản xuất tiêu hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Nhiều HTX còn thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động có trình độ chuyên môn cao, khả năng tiếp cận thị trường và xây dựng chiến lược phát triển bền vững còn hạn chế. Như tại HTX hạt điều Hoàng Anh Bình Phước gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên, người lao động có kỹ năng chế biến điều chất lượng cao và vận hành các thiết bị hiện đại. Điều này ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và nguồn thu của thành viên.
Một số HTX, đặc biệt là các HTX có thành viên là hộ nghèo và dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đi liền với đó, sự liên kết giữa các HTX với nhau, cũng như giữa HTX với các doanh nghiệp, nhà khoa học, và các tổ chức khác còn hạn chế. Điều này làm giảm khả năng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận thông tin thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chẳng hạn như các HTX, tổ hợp tác trồng cao su ở tỉnh Bình Phước hiện nay chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc thu mua và chế biến mủ cao su. Vấn đề này khiến họ khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn có quy trình sản xuất và tiêu thụ đồng bộ.
Không dừng lại ở đó, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX, nhưng việc triển khai ở cấp địa phương đôi khi còn chậm trễ và chưa thực sự hiệu quả. Các thủ tục hành chính phức tạp và việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ còn nhiều khó khăn.
Hiện, một số tổ hợp tác, HTX muốn tiếp cận các chương trình hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, các thủ tục đăng ký phức tạp và thời gian xét duyệt kéo dài đã khiến HTX bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng.
Những khó khăn này thường tồn tại đan xen và tác động lẫn nhau, tạo ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển của các HTX ở Bình Phước.
Phát huy vai trò của HTX trong giảm nghèo
Để HTX thực sự trở thành một “đòn bẩy” mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo bền vững tại Bình Phước, giới chuyên gia cho rằng cần xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù hỗ trợ HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và có thành viên là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về vốn, đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại.
Trong đó, cần bố trí nguồn lực tài chính hợp lý cho các chương trình hỗ trợ phát triển HTX gắn với mục tiêu giảm nghèo. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng cần chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên HTX bằng việc tổ chức thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tham gia sản xuất cho cán bộ, thành viên HTX .
Trong đó, cần ưu tiên, khuyến khích các HTX áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, minh bạch hóa hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện Bình Phước đã có HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và thu nhập cho thành viên, người dân là HTX công nghệ số Bình Phước. Chính vì vậy, cần nhân rộng mô hình này để nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.
Đi liền với đó là cần hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối với các kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Việc khuyến khích thành lập HTX, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và trong cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ làm lực đẩy quan trọng để giúp người dân giảm nghèo, kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Bình Phước có nhiều thế mạnh để giúp người dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cây nông nghiệp, công nghiệp. Do đó, cần chú trọng phát triển những HTX chuyên canh các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng hữu cơ, bền vững, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.
Hay việc thành lập và phát triển các HTX dịch vụ hỗ trợ sinh kế thông qua việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đa dạng cho người nghèo như tín dụng vi mô, dạy nghề, tư vấn pháp lý, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, giúp họ có điều kiện cải thiện sinh kế một cách thiết thực.
Ngoài ra, tỉnh cũng có thể phát triển các HTX cộng đồng, tập trung vào khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa địa phương, tạo ra thu nhập cho người dân và bảo tồn các giá trị truyền thống.