Chuyển giao công nghệ Nhật, Việt: Thách thức lớn nhất là mục tiêu và khát vọng
Đây là nhấn mạnh được chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam-Nhật Bản năm 2019 về 'Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản-Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ', sáng 22/11 tại Hà Nội.
Sự kiện thường niên lần thứ 5 do Quỹ Quốc tế Toshiba, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Chính sách công (Đại học Tokyo) phối hợp tổ chức được kỳ vọng sẽ đưa ra các đề xuất hướng đi mới thúc đẩy chuyển giai công nghệ Nhật Bản-Việt Nam một cách thực chất hơn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS. Toshiro NISHIZAWA, Trường Chính sách công, Đại học Tokyo chia sẻ: “Chúng ta ngày quan tâm kiến thức công nghệ. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến quan ngại về việc doanh nghiệp Nhật Bản không hăm hở chuyển giao công nghệ và đây cũng là lý do cho chủ đề của cuộc thảo luận hôm nay. Chúng ta cùng thảo luận để hướng tới hoạt động chuyển giao tốt hơn, đặc biệt trước bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề dân tộc chủ nghĩa đang diễn ra”.
Các ý kiến tại Diễn đàn khẳng định hợp tác Nhật Bản – Việt Nam đã và đang trở thành hình mẫu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu chính sách. Đó là hợp tác toàn diện và rất sâu sắc. Nhật Bản đang trở thành quốc gia đứng thứ nhất cho du học sinh Việt Nam tới học tập.
Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại dịch vụ giữa hai nước còn chưa thực sự phát triển và hiện chưa có con số thống kê thật tốt. Nhật Bản rất quan tâm triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, tuy nhiên, ngoại trừ các dự án ODA, việc triển khai này còn rất khó khăn trong khi tiềm năng thì rất nhiều. Có doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản mở trụ sở tại Việt Nam 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể triển khai dự án nào. Thậm chí, đối với các dự án ODA, vấn đề giải ngân của Việt Nam cũng đang rất chậm.
“Xét về vấn đề chuyển giao công nghệ, thách thức lớn nhất là mục tiêu và khát vọng hướng tới tương lai của chính hai nước Việt, Nhật”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định.
Nhật Bản đang hướng tới cải thiện khả năng cạnh tranh cao, đầu đàn sáng tạo; đảm bảo tăng trưởng và tạo dựng xã hội 5.0. Cùng với đó là việc tăng cường vai trò an ninh khu vực với chính sách ngoại giao tích cực cùng liên minh an ninh truyền thống.
Còn với Việt Nam, Việt Nam đang hướng tới “Thịnh vượng kinh tế - Hài hòa xã hội – Tương lai bền vững” và đột phá phát triển để bắt kịp, tiến cùng thời đại. Từ nay đến năm 2035, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và tăng trưởng trung bình tối thiểu ở mức 7,5% (vào năm 2030) dựa vào tăng năng suất và sáng tạo.
Những khác biệt này đòi hỏi khuôn khổ hợp tác phải toàn diện sâu sắc hơn. Hai nước cần tăng cường vai trò gắn với khu vực và toàn cầu; tăng hiệu lực hợp tác phù hợp với cam kết quốc tế, phải gắn với vấn đề thị trường và xu thế trên nguyên tắc lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau cũng như đảm bảo tính sáng tạo, lan tỏa.
Hai bên không chỉ xem xét hợp tác trên 6 lĩnh vực chung (quản lý rủi ro, đột phá khuyến khích công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sáng tạo, kết hợp ODA với khung khổ PPP trong phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và một số vườn ươm công nghệ/startups, hoàn thiện thể chế) mà phải nhìn rõ hơn lợi thế của mỗi nước trong các ngành công nghiệp cụ thể và các lĩnh vực, thị trường cụ thể.
Nếu không, hoạt động hợp tác sẽ thành đi chậm và chiến lược dài hạn sẽ mất đi ý nghĩa. Thực tế cho thấy, đối với doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hiện nay, chiến lược dài hạn có thể chỉ được xác định trong vòng 3 năm và thậm chí, chiến lược theo lối cuốn chiếu rất nhanh để thích ứng với tình hình.
Chia sẻ tại Diễn đàn, các chuyên gia Nhật Bản cũng thừa nhận Nhật Bản không còn mạnh mẽ như trước đó. Nhật Bản đang đứng trước nhiều thách thức và cần phối hợp với Việt Nam năng động.
Phía Nhật Bản cũng cho rằng: Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, yếu tố nâng cao năng lực sáng tạo của con người là rất quan trọng. Chuyển giao không có nghĩa là chỉ đón nhận từ một phía nào. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra cái riêng cho mình để chia sẻ với Nhật Bản. Nền tảng 4.0 rất quan trọng nhưng nếu Việt Nam không chú trọng tới khung thể chế nguồn lực thì sẽ rất khó khăn để phát triển. Đơn cử trên lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), nếu Việt Nam không có khuôn khổ phù hợp sẽ khó tránh được “tai nạn”.
Đánh giá cao khát vọng vươn lên của Việt Nam, chuyên gia Nhật Bản cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA, đơn cử như đối với dự án cao tốc Hà Nội - Vientiane và hành lang kết nối Hà Nội-Bangkok. Điều quan trọng là Việt Nam phải đánh giá được tác động về mặt kinh tế từ các dự án này.
Lĩnh vực công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng có cơ hội hợp tác với Nhật Bản trên lĩnh vực chuyển giao công nghệ nếu Việt Nam giải quyết được bài toán về khung hợp tác, chuyên gia Nhật Bản cho biết.