Chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia Dự án Chăn hênh

Từ tháng 7 đến nay, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức triển khai Dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới (SAPLING)", gọi tắt là Dự án Chăn hênh

Dự án Chăn hênh được triển khai trong 2 năm (2023 và 2024) tại huyện huyện Mai Sơn và huyện Phù Yên, với tổng vốn gần 76,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mai Sơn trừ các xã Phiêng Pằn, Chiềng Nơi, Tà Hộc; huyện Phù Yên trừ các xã Mường Bang, Mường Lang, Mường Thải, Tân Lang, Mường Do, Mường Cơi, Suối Bau, Sập Xa, Đá Đỏ, Suối Tọ, Kim Bon, Bắc Phong.

Tập huấn về an toàn sinh học và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi cho các hộ tham gia Dự án tại huyện Mai Sơn.

Tập huấn về an toàn sinh học và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi cho các hộ tham gia Dự án tại huyện Mai Sơn.

Dự án gồm 5 hợp phần: Công nghệ và thực hành tăng năng suất bền vững; tăng đa dạng dinh dưỡng qua thực phẩm nguồn gốc động vật; năng suất chăn nuôi bền vững cho bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; chuỗi giá trị chăn nuôi và cạnh tranh; quyết định dựa trên bằng chứng, nhân rộng mô hình.

Dự án hướng đến 3 chuỗi giá trị (lợn, bò, gà), giúp các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nắm bắt được sự tăng trưởng của thị trường; trang bị những kiến thức, kỹ năng cho các hộ chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người chăn nuôi tham gia vào các chuỗi giá trị để đạt được lợi ích tăng năng suất bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần cải thiện sinh kế cho bà con nông dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về an toàn sinh học và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, bò; kỹ thuật chế biến thức ăn chăn nuôi, cách xây dựng hợp đồng hợp tác, lập kế hoạch sử dụng vốn trong sản xuất và kinh doanh cho gần 300 lượt nông dân các xã Chiềng Chung, Chiềng Lương, Hát Lót, Mường Bon, huyện Mai Sơn; khảo sát, điều tra đánh giá thể trạng đàn bò giống địa phương để đề xuất can thiệp cải tạo giống bò; tham quan mô hình trình diễn trồng cỏ chăn nuôi...

Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc; sản khoa trâu, bò, lợn cho cán bộ thú y xã, bản; nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương tham gia dự án. Xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm về các nội dung của Dự án để người chăn nuôi có nhiều điểm tham quan học tập và so sánh. Đồng thời, cung cấp một số giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, khả năng tiếp nhận thị trường, quản lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chuỗi chăn nuôi, hỗ trợ người dân địa phương chuyển đổi ngành chăn nuôi...

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/chuyen-giao-ky-thuat-cho-cac-ho-tham-gia-du-an-chan-henh-Ba8GZ8OSg.html