Chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận)
Ngày 14/10, tại tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Bệnh viện Đa khoa An Phước.
Đây là phương pháp điều trị mới cho người mắc bệnh tim và mạch máu, các bệnh lý gây tổn thương tim và mạch máu ngay tại tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, từ năm 2020 đến tháng 6/2023, bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp trên địa bàn tỉnh phải chuyển tuyến 63%, tử vong 13%; bệnh lý đột quỵ não cấp phải chuyển tuyến 38%, tử vong 5%. Do đó, việc triển khai thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới liên quan đến chẩn đoán và can thiệp mạch là hết sức cần thiết đối với nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo Bệnh viện Đa khoa An Phước, để góp sức mình vào công tác khám chữa bệnh bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp, bệnh lý mạch máu cho người bệnh, Bệnh viện đã gửi các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đào tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy về lĩnh vực tim mạch can thiệp, chụp mạch máu chẩn đoán, đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện An Phước có nguyện vọng được triển khai kỹ thuật cao, chuyên sâu về can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời, chụp mạch số hóa xóa nền cho người dân trong tỉnh Bình Thuận.
Với việc chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa An Phước tại Bình Thuận sẽ cấp cứu, khám bệnh, chẩn đoán điều trị và phòng bệnh cho người bệnh tim mạch; tiếp cận, đánh giá, phân loại ban đầu với người bệnh đột quỵ; kết hợp với các chuyên khoa trong bệnh viện để điều trị các bệnh lý có căn nguyên tim và mạch máu, các bệnh lý tổn thương tim và tổn thương mạch máu.
Theo Bệnh viện Đa khoa An Phước, với chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp, bệnh viện đã thành lập Đơn nguyên can thiệp mạch trực thuộc Khoa Nội tim mạch sẽ khẳng định được vị trí, thế mạnh mũi nhọn về phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện. Đơn nguyên can thiệp mạch của bệnh viện hoạt động sẽ góp phần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa tim mạch và lĩnh vực khác liên quan của Bệnh viện, từ đó góp phần phát triển nhân lực ngành tim mạch nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng; đồng thời tạo điều kiện cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao chuyên ngành can thiệp mạch ngay tại tỉnh.
Việc thành lập Đơn nguyên can thiệp mạch còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lĩnh vực y tế, đáp ứng tốt mục tiêu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, kịp thời và hiệu quả nhất cho người bệnh trong tỉnh và các khu vực lân cận, góp phần tích cực giảm thiểu tử vong.
Bên cạnh đó, chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh, giảm chi phí điều trị, chi phí đi lại và chi phí khác do không phải chuyển tuyến người bệnh đi tuyến trên, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, gia đình người bệnh và cho toàn xã hội. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, gia tăng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, từ đó tăng nguồn thu, tăng tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho bệnh viện.