Chuyển giao nhiều mô hình sản xuất phù hợp vùng đất khô hạn

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân ứng dụng sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, phù hợp vùng đất khô hạn nhiều xã khu vực duyên hải tỉnh Lâm Đồng mới.

Cây nho giống mới phù hợp vùng đất xã Tuy Phong.

Cây nho giống mới phù hợp vùng đất xã Tuy Phong.

TS. Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chia sẻ tại hội thảo các giải pháp đột phá ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất: “Thông qua nguồn vốn sự nghiệp khoa học của Trung ương và tỉnh, Viện đã nghiên cứu, chuyển giao hàng loạt giống cây trồng mới (nho, táo, mãng cầu, nha đam...), phù hợp vùng đất khô hạn duyên hải Bình Thuận, nay là Lâm Đồng. Các giống cây trồng mới được Viện hướng dẫn các hộ tham gia mô hình canh tác hữu cơ, ứng dụng nhà màng, tưới tiết kiệm, giúp tăng năng suất, giảm chi phí; liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ; nâng cao giá trị nông sản. Như giống táo TN05 đã được chấp nhận đơn xin cấp bằng bảo hộ, ngành chức năng công nhận vườn đầu dòng; chuyển giao trồng 20 ha tại các xã: Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Liên Hương, Bắc Bình. Việc trồng giống táo này theo mô hình liên kết chuỗi giữa 3 bên: nhà khoa học (Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) – nhà nông (các hộ tham gia mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ) – doanh nghiệp (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản Thái Thuận ở Khánh Hòa)”.

Tương tự, với giống nho tươi NH01-152 được công bố lưu hành, cấp bằng bảo hộ, ngành chức năng công nhận vườn đầu dòng; giống đang trồng chiếm trên 50% diện tích các xã trồng nho như Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Liên Hương. Các giống nho ăn tươi (không hạt) NH04-102 trồng trên 5 ha; nho ăn tươi NH01-205 trồng 2 ha, giống nho lưỡng dụng NH01-26 trồng hơn 1 ha; giống táo TN01 trồng 20 ha, cũng như giống mãng cầu, ổi Đài Loan, mít đều phù hợp khu vực Nam Trung bộ thuộc tỉnh Lâm Đồng mới. Với các mô hình chuyển giao, Viện sẽ hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; phối hợp ngành chức năng cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc; ký kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Người nông dân tham gia mô hình cam kết thực hiện đúng các quy trình, yêu cầu kỹ thuật, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, theo dõi nhật ký đồng ruộng đúng quy định.

Cũng thông qua chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, các hộ trồng táo trên diện tích 150 ha các xã Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Liên Hương đều áp dụng bao lưới, các biện pháp bổ sung phòng trừ ruồi vàng hại táo, theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả. Việc ứng dụng này đã kiểm soát được ruồi đục quả gây hại trên cây táo, hiệu quả phòng trừ cao trên 96%; giảm trên 20 lần phun thuốc hóa học/năm trong khi vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế lên hơn 20 lần so sản xuất bình thường.

Trong khuôn khổ hội thảo các giải pháp đột phá ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ Công ty CP Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB (xã Hàm Thuận) đã ký kết hợp tác với Sàn thương mại điện tử Felix (TP.HCM) trong ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, thu mua sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh; mở hướng ra cho các mô hình sản xuất sạch. Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở KH & CN Lâm Đồng cho biết: “Các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất, phù hợp vùng đất khô hạn duyên hải tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả nhất định. Việc triển khai mô hình liên kết chuỗi cây trồng giống mới trên vùng đất này sẽ phát huy thế mạnh các xã sáp nhập của tỉnh”.

Thái Khoa

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chuyen-giao-nhieu-mo-hinh-san-xuat-phu-hop-vung-dat-kho-han-380886.html