Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế dần các loại cây truyền thống giá trị kinh tế thấp bằng những giống cây có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất chuyên canh đã từng bước hình thành, một số diện tích đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả rõ rệt và nguồn thu ổn định cho người dân.

Ông Cà Văn Hoài (ở giữa), người dân bản Co Đứa, xã Chiềng Sinh chăm sóc vườn cây mắc ca.

Ông Cà Văn Hoài (ở giữa), người dân bản Co Đứa, xã Chiềng Sinh chăm sóc vườn cây mắc ca.

Giai đoạn 2022 - 2025, trong khi tỉnh phải điều chỉnh giảm quy mô các dự án trồng mắc ca và nhiều địa phương gặp khó khăn trong quản lý vườn cây hiện có thì các xã: Tuần Giáo, Quài Tở, Mường Mùn, Pú Nhung và Chiềng Sinh lại tiên phong phát triển vùng mắc ca mới với diện tích hơn 7.000ha. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là niềm tin, sự đồng thuận của người dân, đến nay toàn bộ diện tích cây mắc ca đang sinh trưởng tốt, một số diện tích đã cho quả bói. Các địa phương này đã xác định mắc ca là cây trồng chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp.

Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các xã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. UBND các xã đã xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại tại 100% bản có dự kiến trồng mắc ca. Tại các buổi gặp gỡ, lãnh đạo xã thông tin rõ về định hướng phát triển cây mắc ca, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Song song với hoạt động đối thoại, các xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng và các tổ hợp tác tại bản, nhóm dân cư. Thông qua sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ mắc ca được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, chủ trương chuyển đổi cây trồng đã được người dân tích cực hưởng ứng và tự nguyện đăng ký tham gia.

Ông Cà Văn Hoài, người dân bản Co Đứa, xã Chiềng Sinh chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2023 tôi đăng ký chuyển đổi sang trồng 1ha mắc ca. Năm 2024 - 2025, mỗi năm trồng thêm 1ha. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, hiện toàn bộ diện tích đều phát triển tốt”.

Với cách làm bài bản, đồng bộ và hiệu quả, diện tích mắc ca tại các xã: Tuần Giáo, Quài Tở, Mường Mùn, Pú Nhung và Chiềng Sinh tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 trồng mới 150ha; năm 2023 gần 1.700ha; năm 2024 là 3.300ha và năm 2025 trồng mới trên 2.168ha. Tính đến nay, tổng diện tích mắc ca tại các xã trên đã vượt 8.000ha, tạo thành vùng sản xuất tập trung mắc ca lớn nhất tỉnh.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng truyền thống như: Ngô, lúa nương, sắn ngày càng suy giảm, từ năm 2024 xã Pu Nhi đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai mô hình điểm trồng cà phê. Đồng thời, xã sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để chuyển đổi diện tích nương kém hiệu quả sang trồng cây cà phê.

Để việc triển khai diễn ra thuận lợi và hiệu quả, UBND xã Pu Nhi đã tổ chức đoàn công tác gồm cán bộ và người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại những vùng trồng cà phê trọng điểm như xã Mường Ảng, Quài Tở. Xã thành lập các tổ công tác đến các thôn, bản tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác lúa nương kém năng suất sang trồng cà phê. Đến nay toàn xã đã hình thành được gần 50ha cà phê, tạo bước khởi đầu đầy triển vọng trong hành trình xây dựng vùng chuyên canh cây trồng mới.

Ông Mùa Chí Dính, bản Tìa Ló, xã Pu Nhi chia sẻ: “Năm 2024, khi xã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai mô hình điểm trồng cà phê, tôi đã đăng ký tham gia và chuyển gần 1ha đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng cà phê. Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, vườn cà phê phát triển xanh tốt. Thời gian tới tôi dự định sẽ mở rộng diện tích trên những nương đất bạc màu”.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ là quyết tâm từ cấp ủy, chính quyền mà cần cả tinh thần chủ động, đổi mới tư duy sản xuất của chính người dân. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng nhiều hộ mạnh dạn từ bỏ cây ngô, lúa nương kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, cà phê, mắc ca.

Năm 2023, ông Vừ A Của, bản Huổi Lanh, xã Mường Toong đã tiên phong chuyển đổi 1ha đất nương sang trồng quế. Những ngày đầu không tránh khỏi khó khăn nhưng ông luôn nhận được sự đồng hành sát sao từ cán bộ khuyến nông xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, trong thời gian cây quế chưa khép tán, ông được tư vấn trồng xen ngô để tận dụng diện tích và tăng thu nhập.

“Hiện nay, vườn quế đã phát triển xanh tốt. Năm 2025, thấy xã triển khai dự án trồng cà phê, tôi tiếp tục chuyển đổi thêm 0,5ha nương sang trồng cà phê” - ông Của cho biết.

Ngoài ra, ông Của còn tích cực vận động bà con trong bản cùng chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó, chỉ trong hai năm 2024 - 2025, bản Huổi Lanh đã có trên 13ha quế, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Sau nhiều năm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, toàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp thay thế dần diện tích cây trồng truyền thống (ngô, sắn, lúa nương). Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 5.022ha cao su đang khai thác, sản lượng mủ ước đạt 5.482,92 tấn/năm; 628,98ha chè cho sản lượng 198 tấn chè búp tươi; 4.540,75ha cà phê với sản lượng cà phê nhân khoảng 5.713,71 tấn; diện tích mắc ca đạt 10.731,08ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.416,51 tấn quả tươi.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/day-manh-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep