Chuyển giao thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Sau thời gian dài đàm phán với nhiều nỗ lực từ các bên liên quan, rạng sáng ngày 18/11, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã chính thức về tới Việt Nam sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

Trước đó vào chiều ngày 16/11, lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam đã diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO.

Cận cảnh ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Cận cảnh ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là kết quả sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022; thỏa thuận chuyển giao cho Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Một năm qua cũng là một năm cam go, nhưng đó chỉ là một chặng đường rất ngắn trong cả hành trình mà chiếc ấn đã đi qua, bởi vì ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một tài sản quốc gia của Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Ấn vàng hôm nay trở về với đất nước của nó, với cội nguồn của nó là một hành trình dài nhưng cũng là một đoạn kết tuyệt đẹp, phần nào là sự trọn vẹn mà chúng ta đều mong muốn".

Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh làm đại diện thực hiện các thủ tục tài chính với Pháp (hãng Millon) về quyền lợi các bên liên quan sở hữu Ấn vàng theo pháp luật của Pháp. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Để có cơ sở tham mưu, Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho phép Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng tham gia và hỗ trợ thực hiện các cam kết tiếp nhận, chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam. Ngày 12/11/2022, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận Về việc đàm phán mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho nhà Nước với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.

Bên cạnh đó, chia sẻ thêm về sự phối hợp của các cơ quan Pháp, ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng việc chuyển giao ấn vàng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngày 31/10/2022 đáng lẽ là ngày mà ấn vàng sẽ được đưa ra đấu giá, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp ở thời điểm đó đã nhận được thông tin thông báo từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Bộ này đã kịp thời chuyển thông tin này đến các cơ quan ban ngành của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đã làm việc một cách khẩn trương để đưa ra được một giải pháp đi tới kết quả là ngày hôm nay, sự hồi hương của ấn vàng Việt Nam.

Buổi lễ chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, buổi lễ cũng là kết quả của tình đoàn kết giữa hai quốc gia, sự đồng lòng của các cá nhân và tổ chức, các cơ quan ban ngành giữa Việt Nam và Pháp. Sau bao trắc trở, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được "hồi hương" thành công về Việt Nam vào sáng ngày 18/11.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu tượng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 08/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là quốc trưởng, sau đó ấn vàng được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chuyen-giao-thanh-cong-an-vang-hoang-de-chi-bao-204061.htm