Chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp cho nông dân
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại. Qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân.
Nhờ đẩy mạnh công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp đã giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp điều kiện của thành phố.
Hiệu quả từ ứng dụng khoa học vào sản xuất
Từ việc tham gia các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình nuôi trồng thủy sản, ông Đặng Văn Út, ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá dứa, cá chim vây vàng, cá chốt trên diện tích 24.000 m2. Trong quá trình nuôi, nhờ áp dụng kiến thức từ các buổi tập huấn, kinh nghiệm từ những chuyến tham quan thực tế nên quá trình thả giống cho đến thời gian thu hoạch là 15 tháng, cá luôn phát triển, không xảy ra dịch bệnh.
Kết quả thu hoạch mỗi vụ hơn 34 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, công lao động mỗi vụ thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng. Từ mô hình này, ông Út đã tạo việc làm cho 5 đến 10 lao động với thu nhập bình quân là 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Út liên kết chợ đầu mối Bình Điền và các thương lái hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; ký kết với đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung cấp trực tiếp thức ăn chăn nuôi cho nông dân nuôi cá, giúp giảm chi phí đầu vào.
Đồng thời, ông phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm ngay tại mô hình nuôi thủy sản của mình cho nhiều lượt hộ nông dân tham gia. Để giúp đỡ các hộ nông dân khó khăn, ông Út đã hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình nông dân nghèo, cận nghèo thiếu vốn sản xuất xây dựng phương án vay vốn (Quỹ vì người nghèo) không lãi, hướng dẫn mô hình sản xuất, từ đó đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với mô hình nuôi bò thịt và nuôi chim yến, bà Hoàng Thị Hưng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh thu được lợi nhuận gần 830 triệu đồng mỗi năm. Đạt được kết quả này, bà Hưng đã ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi mà bà học hỏi được qua những chuyến tham quan các mô hình điểm, các lớp tập huấn về nông nghiệp.
Để tạo ra giống bò thịt năng suất cao, bà vừa sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò đực Brahman đỏ thuần chủng, vừa sử dụng bò đực Brahman đỏ để phối giống trực tiếp cho đàn bò của mình. Với kỹ thuật này, đàn bò con sinh ra có khối lượng cơ thể lớn hơn, sinh trưởng nhanh hơn, năng suất sinh sản, chất lượng đàn bò cao hơn từ 15-20% so với bò địa phương. Vào những ngày thời tiết vượt ngưỡng 38oC đến 40oC, bà còn kết hợp vận hành hệ thống phun nước làm mát mái để giảm độ nóng trên đàn bò, nhờ đó, sức tăng trưởng của đàn bò thịt vẫn được giữ ổn định.
Xây dựng mô hình nông nghiệp chuyển giao cho nông dân
Công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm công lao động, đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Quan trọng hơn, từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật này, nông dân đã phát huy vai trò làm chủ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, từ năm 2018-2023, đơn vị này đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hơn 200 tài liệu, mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ để tạo lập cơ sở dữ liệu phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham khảo, nghiên cứu, triển khai ứng dụng. Chuyển giao hơn 150 lượt công nghệ mới, tiên tiến để tái cơ cấu, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho gần 4.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên cơ sở để giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chưa tạo sức mạnh lan tỏa và thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không chuyên nghiệp.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất (quy trình kỹ thuật mới, các chế phẩm sinh học mới) thường phải tuân thủ theo quy trình từng bước, hiệu quả đem lại chậm hơn, nông dân chưa thấy được hiệu quả tức thời, cho nên gây khó khăn trong công tác chuyển giao, khuyến khích họ ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, thủ tục hỗ trợ chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp cho nông dân còn khá phức tạp, một số mô hình đòi hỏi vốn đối ứng ban đầu lớn, do đó, người dân chưa mạnh dạn trong phối hợp chuyển giao.
Để đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, theo các nhà chuyên môn, các ban, ngành cần tăng cường việc ứng dụng khoa học-công nghệ cho nông dân bằng cách xây dựng chương trình và nội dung học tập phù hợp trình độ của nông dân, sát thực tế phát triển nông nghiệp và nông thôn trong từng giai đoạn; trang bị cho nông dân trực tiếp sản xuất các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ quản lý và kỹ thuật viên cơ sở. Ngoài ra, cần đơn giản thủ tục hỗ trợ mô hình cho nông dân, có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nhằm giảm bớt vốn đối ứng ban đầu để họ mạnh dạn trong phối hợp chuyển giao...