Chuyện giữ Cây di sản

Anh Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) phấn khởi nói, từ ngày thôn có 2 cây nghiến cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam, khách du lịch đến đây ngày một nhiều. Đặc biệt hơn, hành trình giữ những cây nghiến cổ thụ tại Bản Bung là hành trình dài, từ thời xa xưa, đời cha nối tiếp đời con...

Những thế hệ chung tay giữ gìn Cây di sản tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).

Những thế hệ chung tay giữ gìn Cây di sản tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).

Cha truyền con nối

Anh Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung năm nay đã ngoài 50 tuổi. Gia đình anh cả 2 thế hệ đều làm trưởng thôn và bí thư Chi bộ, từ thời ông cụ thân sinh rồi đến anh cũng kinh qua Trưởng thôn và giờ là bí thư Chi bộ. Anh hồ hởi, người dân thôn Bản Bung ai cũng yêu rừng, coi các cây cổ thụ như một phần cuộc sống của mình. Thoạt nghe nói chuyện, ít ai biết anh Hải đã từng có thời gian là tay buôn gỗ cự phách.

Câu chuyện dần cởi mở, anh Hải chia sẻ, do nằm giữa vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, đất canh tác ít, khi cập kê tuổi thanh niên, anh cũng bắt đầu theo nghề tìm trầm rồi gắn bó với nghề buôn gỗ. Anh bảo, ngày đó được lắm, có của ăn của để, nhưng dần dà cứ cảm thấy có lỗi khi đốn hạ những cây cổ thụ, anh quyết tâm bỏ nghề.

Năm 2007, anh trở về quê hương và đến năm 2008 được bầu làm Trưởng thôn khi chưa tròn 25 tuổi. Ngày đó thôn Bản Bung là thôn nghèo nhất của xã Thanh Tương, đường sá đi lại khó khăn, cái đói lúc giáp hạt luôn trực chờ người dân, cánh rừng bạt ngàn nhiều gỗ quý là nguồn lợi khổng lồ khiến nhiều đối tượng khai thác trái phép vô cùng thèm khát.

Kiểm lâm viên Lục Văn Thiên, đã 22 năm gắn bó với rừng ở Bản Bung.

Kiểm lâm viên Lục Văn Thiên, đã 22 năm gắn bó với rừng ở Bản Bung.

Anh Hải kể, anh là người bị dụ dỗ, mua chuộc nhiều nhất thôn khi đó. Do địa lý nằm cạnh các xã lân cận của huyện Chiêm Hóa và các xã của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nên giữ rừng khó gấp bội phần. Mỗi ngày đều có vài ba đối tượng mang thức ăn, rượu đến nhà, họ còn đề xuất chỉ cần làm “hoa tiêu” báo cán bộ và mở đường sẽ có công từ 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi ngày. Anh tự nhận, nhiều lúc cũng xiêu lòng nhưng nghĩ đến tương lai con cháu và tình yêu lớn với rừng nên càng quyết tâm giữ, rủ rê mãi không được, “lâm tặc” còn đặt cho biệt danh “Hải cứng đầu”.

Cầm bức ảnh gia đình trên tay, anh Hải chỉ, đây là em nuôi của gia đình anh. Năm 2012 khi bắt đầu xuất hiện cưa máy, các đối tượng khai thác gỗ trái phép đều nhắm tới Bản Bung để khai thác nghiến, đinh và các loại gỗ quý cổ thụ. Lúc này anh Bàn Văn Kía là thanh niên khá bất trị trong thôn đã được các đối tượng móc nối để khai thác gỗ trái phép.

Anh Hải khuyên anh Kía nhiều lần không có kết quả, nghĩ mãi anh mới bàn với bố đẻ, lúc này là người có uy tín nhất của thôn Bản Bung nhận anh Kía làm con nuôi, vì việc này mà anh Kía cảm kích vô cùng và từ bỏ hoàn toàn việc khai thác gỗ, trở thành người giữ rừng uy tín. Nhớ kỷ niệm về cây nghiến cổ thụ tại khu rừng Nàng Phia Đén, mới đây được công nhận Cây di sản Việt Nam, anh nói, nếu như ngày đó không có sự vào cuộc kịp thời của lực lượng kiểm lâm và gia đình anh chắc đã bị đốn hạ.

Chung tay giữ rừng

Căn nhà ông Nông Văn Thiên, nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung nằm tít ở cuối thôn. Lọt thỏm giữa những cây chò cổ thụ cao chót vót. Ở cái độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông Thiên trông thật rắn rỏi, dáng người quắc thước, mái tóc hoa râm đậm chất nông chi điền vùng cao.

Già làng Nông Văn Thiên, người có công đầu trong hỗ trợ kiểm lâm giữ rừng.

Già làng Nông Văn Thiên, người có công đầu trong hỗ trợ kiểm lâm giữ rừng.

Trong căn nhà đơn sơ, ông Thiên hào sảng nói, ngày xưa Bản Bung nghèo lắm, không đường, không điện, chỉ có con đường mòn độc đạo từ dưới trung tâm xã lên thôn và phải đi bộ mất gần nửa ngày. Nhớ mãi thời kỳ đầu những năm 2000, trong thôn xuất hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép, lúc này một số kiểm lâm viên được điều từ dưới chốt kiểm lâm Nà Lộc, cách đây 6 km lên để giữ rừng. Ngày đó, người dân trong thôn không ai thiện cảm với cán bộ, họ xì xào nhiều lắm, những hôm trái gió, trở trời anh em đều phải dựng lán trại để ngủ ngoài rừng.

Bỏ qua định kiến của dân bản, ông Thiên luôn là cánh tay phải trong tuyên truyền giữ rừng giúp đỡ cho lực lượng kiểm lâm. Ông chia sẻ, do giúp cán bộ nên dân họ tránh ông, cứ thấy cán bộ đến tuyên truyền là đóng cửa không tiếp. Lúc đó ông gần như bị cô lập giữa bản Tày quê hương.

Anh Lục Văn Thiên, Hạt kiểm lâm huyện Na Hang được gọi là “ma xó” bởi anh có 22 năm gắn bó với rừng ở Bản Bung. Anh tinh thông từng lối đi, mỏm đá, từng cây cổ thụ trong rừng. Anh nhớ lại, ngày đó không có sự giúp đỡ của ông Nông Văn Thiên thì anh em chắc không giữ được rừng, bởi công việc tuần rừng phải đi nhiều ngày mới hết địa bàn, khi trở về hết gạo, hết thức ăn, chỉ có ông Thiên “già” là luôn cởi mở giúp đỡ. Nhớ mãi thời kỳ năm 2012 đến năm 2015, cả Bản Bung lúc này như một lò lửa, các đối tượng chỉ trực chờ sơ hở là đốn hạ cây gỗ quý, ngần ấy thời gian, cán bộ thôn và kiểm lâm nhiều đêm thức trắng, căng mắt để giữ rừng.

Thôn Bản Bung hiện có 49 hộ dân sinh sống. Bí thư Chi bộ Triệu Thế Hải kể, từ ngày 2 cây nghiến trên 1.000 năm tuổi tại thôn được công nhận là Cây di sản Việt Nam, khách du lịch đến đây ngày càng đông hơn, ai cũng trầm trồ, thán phục với cảnh quan núi rừng nơi đây. Anh Hải bật mí với chúng tôi, ở thôn hiện có vài trăm cây nghiến cổ thụ, có nhiều cây có đường kính đều thuộc hàng “siêu khủng” nhưng nằm ở tận rừng sâu, đi lại khó khăn, ấy vậy nhưng bao năm nay không ai xâm phạm, cây vẫn tươi tốt sừng sững với đất trời.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khi lên thăm rừng nghiến cổ thụ ở Bản Bung đã phải thốt lên, hiếm có nơi nào ở Việt Nam có quần thể nghiến cổ thụ nhiều và đẹp như nơi đây. Chắc chắn với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bản Bung sẽ sớm trở thành xứ sở du lịch với loại hình khám phá thiên nhiên, nét đặc sắc về du lịch mà ít nơi nào có được.

Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chuyen-giu-cay-di-san-194449.html