Chuyện giữ nghề ở Thiết Úng
Làng nghề Thiết Úng ở xã Vân Hà (huyện Ðông Anh, Hà Nội) nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống. Các nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài với những sản phẩm tinh xảo, độc đáo để tạo vị thế cho làng nghề cũng như tìm hướng phát triển trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Làng nghề Thiết Úng không xác định được tổ nghề cũng như thời điểm nghề chạm khắc gỗ truyền thống xuất hiện nơi đây. Tuy nhiên, một số đình, chùa trong vùng vẫn lưu giữ những bức chạm khắc có tuổi đời hàng trăm năm. Các nghệ nhân cao tuổi của làng đã cất công tìm hiểu qua nhiều sử sách và xác định từ thời nhà Nguyễn, người làng Thiết Úng đã tham gia xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm. Không ít nghệ nhân của làng được triều đình ban sắc phong, từ đó các nơi biết đến và từng bước tạo dựng được một thương hiệu làng nghề chạm khắc. Hiện tại, du khách thập phương và những người yêu thích những tác phẩm chạm khắc gỗ thủ công vẫn thường xuyên tìm đến làng nghề Thiết Úng. Ðồ gỗ mỹ nghệ ở đây có bản sắc riêng biệt, khó nhầm lẫn với các vùng nghề khác. Mỗi tác phẩm đều thể hiện rõ nét sự công phu, tỉ mẩn của những đôi bàn tay khéo léo, mềm mại. Theo nghệ nhân Ðỗ Văn Cường, muốn có tác phẩm điêu khắc gỗ thật sự đẹp thì phải tỉ mỉ, chỉn chu ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Gỗ phải có thớ dẻo, mịn, ít cong vênh. Sau khi chọn được gỗ, nghệ nhân phải định hình sản phẩm chế tác, và đục, khảm một cách khéo léo để khai thác hiệu quả nhất từng đường vân, thớ gỗ. Ðể tạo được thần thái cho tranh, tượng, người thợ phải xác định chỗ nào thì gấp khúc, chỗ nào vát tròn, chỗ nào thêm họa tiết, phân bố hài hòa từng nhát đục. Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, một nghệ nhân cao tuổi ở Thiết Úng cho biết, để trở thành người thợ lành nghề, tạo ra được những sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng là cả quá trình học hỏi, rèn luyện vất vả. Không ít người phải mất hàng chục năm vừa làm nghề, vừa mày mò nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm mới có thể điêu khắc gỗ thành thạo. Mỗi sản phẩm ra đời đều là một tác phẩm nghệ thuật thật sự cho nên người thợ phải là người có năng khiếu. May mắn là những đứa trẻ ở làng sinh ra đã được thừa hưởng đôi mắt, đôi bàn tay từ cha ông, vì thế nếu có sự đam mê, tâm huyết thì việc học nghề sẽ nhanh hơn, tạo được những tác phẩm tinh xảo.
Theo nghệ nhân Ðỗ Văn Hiệp, hiện nay, làng nghề thủ công Thiết Úng vẫn có chỗ đứng trên thị trường, bởi sản phẩm thể hiện được sự tinh xảo. Trong khi đó, các sản phẩm chế tác bằng máy móc công nghiệp thì chỉ sản xuất theo kiểu rập khuôn, không tạo được sự độc đáo. Tuy nhiên, lợi thế của sản phẩm bằng máy là giá thành rẻ hơn, sản xuất được nhanh, nhiều hơn cho nên tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng. Chính vì thế, nhiều người, nhất là thế hệ trẻ đã chọn con đường làm giàu nhanh bằng việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Ðiều này khiến Thiết Úng gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị làng nghề.
Ðể giữ gìn và phát triển làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, đầu tiên là phải quan tâm, đào tạo thế hệ trẻ. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, ông và những nghệ nhân có tay nghề cao trong làng thường xuyên đầu tư công sức, tâm huyết để dạy nghề cho lớp kế cận. Hiện nay, nhiều người trẻ ở Thiết Úng đã có ý thức trong việc giữ gìn nghề truyền thống, chuyên tâm học nghề. Các lớp nghệ nhân trong làng cũng đã đào tạo được những nghệ nhân trẻ vừa có tâm huyết vừa có tay nghề cao. Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ theo nghề chưa lâu, chưa đạt đến trình độ cao nhưng đã sớm lựa chọn con đường dễ đi hơn là chế tác các sản phẩm bằng máy. Với các nghệ nhân làng nghề, ngoài việc truyền dạy những bí quyết trong nghề thì chữ "Tâm" với nghề luôn được đặt lên hàng đầu khi truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Theo nghệ nhân Ðỗ Văn Cường, cái khó của làng nghề Thiết Úng vẫn đang nằm ở việc tìm hướng đi cụ thể trong vấn đề giải quyết hài hòa giữa việc giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế. Việc đào tạo nghề cần bài bản, trong đó cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để tổ chức các lớp học nghề cho các thế hệ ở Thiết Úng có thể truyền dạy hoặc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, những người làm nghề tại Thiết Úng cũng đang rất cần một trung tâm triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại địa phương, là nơi tập hợp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để thu hút du khách. Tìm được hướng đi đúng đắn, bài bản sẽ là cách thích hợp và hiệu quả để bảo tồn và phát triển làng nghề Thiết Úng.