Tất bật mùa hoa tết

Những ngày này, nông dân tỉ mỉ chăm sóc từng chậu hoa chuẩn bị cho vụ mùa sắp đến, mang trong đó niềm hy vọng về một cái tết ấm no.

Gia đình chị Lê Thị Ngọt (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tất bật bên những luống hoa vạn thọ đang lên xanh. Hơn 20 năm qua, gia đình chị gắn bó với nghề trồng hoa vạn thọ mỗi độ tết về. “Mảnh đất kế nhà để trống nên tôi trồng hoa để vừa có thêm thu nhập, vừa “vui cửa vui nhà” mấy ngày tết" - chị Ngọt nói.

Mỗi năm, chị trồng từ 700-1.000 gốc vạn thọ, chủ yếu bán cho những khách quen, bạn bè, người thân. Tuy công việc vất vả nhưng với chị Ngọt, đây là niềm vui. Những chậu hoa không chỉ giúp chị tăng thêm thu nhập dịp cuối năm mà còn giúp không gian gia đình thêm phần ấm áp.

Những luống vạn thọ được chăm sóc tỉ mỉ cho mùa tết năm nay

Những luống vạn thọ được chăm sóc tỉ mỉ cho mùa tết năm nay

Để hoa vạn thọ trổ đúng thời điểm và đạt chất lượng, chị Ngọt chú trọng khâu chọn giống và chăm sóc. Vạn thọ cần được trồng ở nơi đủ nắng, tưới nước đều đặn và cắt tỉa thường xuyên để cây sinh trưởng tốt. Khi thấy cây có dấu hiệu ra hoa sớm, chị pha loãng phân đạm để tưới, giúp kéo dài thời gian hoa nở, bảo đảm rực rỡ vào dịp tết. “Trồng hoa vạn thọ không khó, vốn đầu tư cũng ít nhưng người trồng phải chịu khó theo dõi hàng ngày. Có như vậy cây mới tránh được sâu, bệnh và hoa sẽ nở đều, đẹp mắt” - chị Ngọt cho biết.

Hiện tại, chị cung cấp nhiều loại chậu với số cây đa dạng, từ 1, 3 đến 4 cây/chậu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Mỗi chậu có giá từ 70.000-100.000 đồng, vừa túi tiền của người dân. Sau mỗi mùa tết, gia đình chị có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ việc bán hoa.

Bên cạnh vạn thọ, tết đến không thể thiếu mai vàng. Ngoài Làng nghề mai vàng xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) nổi tiếng thì tại nhiều vùng khác trong tỉnh, nông dân cũng trồng mai phục vụ thị trường tết. Anh Nguyễn Văn Một (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) có gần 20 năm kinh nghiệm trồng mai. Anh trồng nhiều loại như mai vàng, tứ quý, mai kiểng.

Anh Một chia sẻ: “Để mai nở đúng vào dịp tết phải chăm sóc kỹ lưỡng và đúng kỹ thuật. Thời điểm lặt lá mai đồng loạt thường diễn ra từ ngày 13-18 tháng Chạp. Sau khi lặt lá, cây mai chỉ còn lại nụ hoa nên phải theo dõi sát sự thay đổi của thời tiết, canh nước, bấm ngọn các cành và tưới dưỡng bộ rễ để cây có đủ dinh dưỡng nuôi hoa".

Năm nay, anh Nguyễn Văn Một (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) trồng thêm 400 chậu mai tứ quý để ghép cành, phục vụ thị trường tết

Năm nay, anh Nguyễn Văn Một (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) trồng thêm 400 chậu mai tứ quý để ghép cành, phục vụ thị trường tết

Công đoạn chăm sóc sau khi lặt lá mai cũng quan trọng không kém. Anh Một cho biết, lặt lá mai giúp mầm hoa bung lớp vỏ lụa, kích thích nụ phát triển và nở hoa đúng vào dịp tết. Thông thường, khoảng 2 tuần sau khi lặt lá, hoa mai sẽ nở rộ, cho ra những chậu mai vàng đẹp, đón tết. Anh còn sử dụng phân bò, phân rơm và lục bình (bèo tây) để che phủ gốc, giúp giữ ẩm và hạn chế mất nước, bảo đảm cây mai phát triển tốt trong suốt quá trình chăm sóc.

Năm nay, anh Một trồng thêm 400 cây mai tứ quý để ghép cành, cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Anh chủ yếu bán cho người quen và bạn bè; đồng thời, giúp họ chăm sóc và tạo dáng mai. Những cây mai đạt chuẩn, đẹp và khỏe mạnh sẽ được anh bán, còn những cây không đạt yêu cầu thì tiếp tục chăm sóc, uốn cành và chờ đợi đến mùa tết năm sau.

Sắc vàng của vạn thọ, rực rỡ của mai vàng là thành quả sau bao ngày chăm chút, gửi gắm niềm hy vọng về một mùa xuân đủ đầy. Với bàn tay cần mẫn của những người nông dân, sắc xuân đã kịp về, rực rỡ khắp mọi nẻo đường quê hương./.

Du Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tat-bat-mua-hoa-tet-a187859.html