Chuyện Hà Nội đêm rét buốt: Cụ bà 90 tuổi gần 50 năm lấy vỉa hè làm nhà và ước mơ duy nhất - có nơi để về, chết có người chôn
Mất liên lạc với gia đình từ những ngày đất nước còn chiến tranh, đói khổ. Gần 50 năm sống lang thang khắp ngõ ngách Hà Nội, ăn ngủ ở vỉa hè. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Liên chỉ có một ước mơ sau khi mình chết sẽ có người chôn cất.
Hà Nội những ngày đầu năm 2021 đang phải trải qua cái lạnh cắt da, cắt thịt. Những ngày này, người đi làm thì chỉ muốn nhanh chân chạy về nhà mỗi khi hết giờ.
Nhưng rồi đâu đó, rất nhiều mảnh đời lang thang không nơi nương tựa lấy vỉa hè làm nhà trong cái lạnh thấu xương. Những ngày như vậy, dẫu biết ai trong số họ cũng chỉ mong có một nơi để về, bất đắc dĩ họ mới chọn những góc khuất trên vỉa hè để làm nơi ngả lưng tạm bợ.
Tại vỉa hè trên phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cụ Nguyễn Thị Ái Liên (90 tuổi) ngồi thu mình lại một góc ngả lưng trên chiếc ghế gỗ cùng với chiếc chăn bông quấn quanh người để giữ ấm. Suốt bao năm qua, bà lão ở tuổi xế chiều này sống cô độc, không người thân thích.
Trong kí ức của cụ Liên, cụ chỉ nhớ mình là người Sơn Tây lang thang lên Hà Nội, không giấy khai sinh, cái tên chính là do bà tự đặt cho mình.
"Thời tôi sinh ra, chiến tranh bom đạn, nhà nghèo khổ, đói rét nên từ nhỏ đã bị bố mẹ mang đi cho người khác nuôi. Khi 18 tuổi tôi lang thang khắp nơi rồi mò mẫm lên Hà Nội kiếm sống cho tới tận bây giờ. Giờ thì không biết người thân còn những ai", cụ Liên nhớ lại.
Những ngày lên Hà Nội, để mưu sinh, cụ làm đủ nghề, từ làm thuê, nhặt hoa quả ở chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để bán lại đến rửa bát thuê việc gì cũng đến tay bà cụ. Vì sống ở vỉa hè nên thi thoảng những bộ quần áo cũ được người đi đường mang cho, cụ Liên chọn cái nào còn mới, đem giặt sạch sẽ rồi bán lại, kiếm tiền sống qua ngày.
"Ngày trước đói khổ lắm, vì sống lang thang ở ngoài đường nên những người như tôi bị đưa vào trong trại để lao động. Tôi sống 21 năm trong đó, đến khi ra ngoài gần 50 năm qua tôi cứ sống lang thang như vậy.
Cũng may được cái ông trời bao năm qua cho sức khỏe, ngủ đường, ngủ chợ nhưng không ốm đau. Nếu mà ốm thì cũng chẳng có tiền để chữa trị, rồi cũng chẳng có ai chăm sóc", cụ Liên chia sẻ.
Tiếp lời, cụ Liên buồn rầu chia sẻ: "Cuộc đời tôi thì cô đơn lắm. Không nhà không cửa nên cũng chả người đàn ông nào dám lấy. Nhiều lúc tôi nghĩ hay xin một đứa con để nuôi cho có mẹ có con sau này nương nhờ lúc già yếu nhưng lại nghĩ tới cảnh mình không nhà cửa, ngủ vỉa hè. Màn trời chiếu đất thì có nuôi cũng khổ con cái nên đành thôi".
Bao năm qua, thứ duy nhất mà luôn đồng hành với cụ Liên chính là bức ảnh chụp chân dung mình được cất cẩn thận trong làn quần áo. Với số tiền 300.000 đồng tiết kiệm được, cụ "đầu tư" tấm ảnh chân dung để sau này chết còn làm ảnh thờ.
"Tôi chỉ có tâm niệm sau này chết, không có người thân chỉ mong mọi người chôn cất rồi lấy ảnh này đặt lên mộ là tôi có thể nhắm mắt xuôi tay rồi", cụ Liên thều thào nói.
Nhớ về kỷ niệm sống ở vỉa hè Hà Nội cụ Liên lại xuýt xoa: "Rét thì còn đỡ chứ tôi sợ nhất là những ngày có mưa. Trời mưa phùn phả hết vào bên trong, lúc đó chỉ biết lấy chăn quấn khắp người cho bớt lạnh.
Còn những ngày mưa bão thì ôm đồ đạc, quần áo đứng trú mưa. Mùa rét không sợ bằng việc không có nơi nương tựa, không nhà cửa khổ cực lắm".