'Chuyến hành hương' trên 9 tầng mây giữa lòng châu Âu

Katskhi là một trong những nhà thờ có vị trí hiểm trở nhất thế giới.

Nằm giữa những ngọn đồi thoai thoải, vách đá cheo leo và rừng thông rậm rạp của vùng Imereti, trung tây Georgia, tọa lạc một cột đá dựng đứng chọc thẳng lên trời, hùng dũng giữa núi non với độ cao tới 40m - bằng một tòa nhà 10 tầng.

Trên đỉnh của khối đá ấy là một kiến trúc tuyệt tác tạo bởi bàn tay con người: một nhà thờ cheo leo tên Katskhi.

Thánh địa tu hành

Katskhi nằm cách thủ đô Tbilisi của Georgia 220 km. Nó không phải nhà thờ nằm trên cột đá duy nhất tại châu Âu - một ứng viên nổi bật khác phải kể đến tu viện Meteora của Hy Lạp. Bất chấp độ cao và vách đá cheo leo, các tu sĩ từng sống tại nhà thờ trên đỉnh đá này suốt hàng thế kỷ - người cuối cùng mới rời đi vào năm 2015.

Ngày nay, nhà thờ trên cột đá này là điểm hành hương của các tín đồ Chính thống giáo, cũng như những du khách tò mò và ưa mạo hiểm muốn trải qua cảm giác lơ lửng giữa bầu trời.

Katskhi vốn được xây dựng để vinh danh Maximus the Confessor, tu sĩ huyền thoại của Chính thống giáo Đông phương. Nó là một trong những nhà thờ cao nhất và đơn độc nhất thế giới, được xây vào khoảng thế kỷ 6-8 bởi các Stylite, hay những tu sĩ tin rằng việc cô lập mình trên những cột đá cheo leo sẽ giúp họ rũ bỏ những ham muốn phàm trần.

Cha Ilarion sống tại tu viện Katskhi bên dưới cột đá, nhưng leo lên nhà thờ trên đỉnh mỗi tuần để cầu nguyện.

Cha Ilarion sống tại tu viện Katskhi bên dưới cột đá, nhưng leo lên nhà thờ trên đỉnh mỗi tuần để cầu nguyện.

Hình thức tu tập này rất phổ biến trong thời cổ đại - một trong những tu sĩ Stylite nổi tiếng nhất là một nhà tu hành khổ hạnh Cơ đốc giáo tên là St Simeon Stylites, người được cho là đã sống 37 năm từ 423 CN trên đỉnh một cột đá ở Aleppo, Syria. Hiện nay thực hành này đã hầu như biến mất. Katskhi ở Georgia là một trong số ít những nơi còn lại trên thế giới tồn tại hình thức khổ hạnh như vậy dù đã biến đổi nhiều so với thuở trước.

Cha Ilarion, sống ở Tu viện Katskhi bên dưới cột đá cho biết: "Một số tu sĩ muốn từ bỏ mọi thú vui trần thế để sống và cầu nguyện trên đỉnh các cột trụ. Chúng tôi cảm thấy độ cao này giúp chúng tôi đến gần Chúa hơn".

Theo truyền thuyết địa phương, Cột Katskhi luôn là một địa điểm linh thiêng và từng được các tôn giáo cổ đại sử dụng cho các nghi lễ phồn thực. Sau khi Cơ đốc giáo du nhập vào Georgia vào thế kỷ thứ 4, cột trụ đã trở thành nơi thờ tự của những người theo Chính thống giáo.

Cây cột này là biểu tượng của cây thánh giá thực sự. Ngay cả trước khi có một nhà thờ trên đỉnh, các tín đồ của Chúa đã tập trung bên dưới nó

Cha Ilarion cho biết

Giới sử học tin rằng các tu sĩ bắt đầu định cư trên đỉnh cột vào khoảng thế kỷ thứ 10, mặc dù họ vẫn không chắc chắn bằng cách nào họ có thể lên đến đó, chứ chưa nói đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng để xây dựng nhà thờ.

Nhưng vào thế kỷ 15, khi Đế chế Ottoman xâm lược Georgia, phương pháp tu hành khổ hạnh này đã bị bỏ rơi suốt nhiều thế kỷ sau đó. Học giả Natia Khizanishvili đến từ Tbilisi, từ Trung tâm Bản thảo Quốc gia Korneli Kekelidze, cho biết: "Chúng tôi không biết chính xác lý do tại sao các tu sĩ ngừng leo lên cây cột này dưới thời Ottoman. Bất chấp sự xâm lược của người Ottoman, ở Tây Georgia, Cơ đốc giáo vốn không có nguy cơ bị xóa bỏ".

Tuy nhiên, nhà thờ vẫn nằm trong một làn sương bí ẩn mãi cho đến năm 1944, khi lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một nhóm người không phải nhà tu hành đã leo lên cây cột. "Năm 1944, các nhà văn Gruzia Levan Gotua và Akaki Beliashvili, kiến trúc sư Vakhtang Tsintsadze và nghệ sĩ alpinist Aleksandre Japaridze đã leo lên cột Katsakhi, rồi họ tìm thấy tàn tích của nhà thờ", Khizanishvili giải thích.

Trước đó, người ta không biết trên đỉnh cây cột bí ẩn này có gì.

Các quan sát từ cuộc thám hiểm đã tìm thấy 3 phòng ẩn sĩ và một hầm rượu ngoài nhà thờ, hé lộ phương pháp tu hành khổ hạnh trên những cột đá. "Kiến trúc sư Tsintsadze đã khám phá tàn tích trong vài giờ và biết được nó do các Stylite xây dựng", Khizanishvili lưu ý.

Một vài thập kỷ sau khi khám phá lại này, vào đầu những năm 1990, một tu sĩ tên Maxime Qavtaradze đã hồi sinh phương pháp tu hành của các Stylite. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương từ khu vực xung quanh và Cơ quan Bảo tồn Di sản Văn hóa Quốc gia Georgia, ông đã khôi phục nhà thờ thiêng liêng trở lại vinh quang trước đây, sử dụng dây thừng và ròng rọc để chuyển vật liệu lên đỉnh, và thậm chí còn lắp đặt một chiếc thang sắt dài 40m nhằm giúp việc leo lên cột đá dễ dàng hơn.

Bên dưới cột đá cũng có một tu viện, là nơi các tu sĩ sinh sống.

Bên dưới cột đá cũng có một tu viện, là nơi các tu sĩ sinh sống.

Cha Maxime sau đó đã đích thân leo lên những bậc thang, từ bỏ cuộc sống trần thế và sống tại nhà thờ trên cao trong hơn 20 năm, chỉ thỉnh thoảng xuống để cầu nguyện trong tu viện bên dưới.

Ông đã dành phần lớn thời gian để tự cô lập, đọc sách và cầu nguyện, chỉ nhận thực phẩm qua ròng rọc. Tuy nhiên, một khi khách du lịch bắt đầu đến đây và địa điểm này không còn mang lại sự yên bình và tĩnh lặng như trước nữa, ông quyết định "hạ sơn" vào năm 2015 và hiện là lãnh đạo của Tu viện Katskhi bên dưới.

"Cây cột đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch và nó trở nên khá ồn ào. Vì vậy, với tư cách các tu sĩ, chúng tôi không có được sự yên bình và tách biệt mà chúng tôi khao khát dù có ở trên đỉnh cột đi nữa", cha Ilarion giải thích. "Do đí, hầu hết chúng tôi, bao gồm cả cha Maxime, chỉ còn đi lên đỉnh trong vài giờ rồi quay trở lại".

Vì phương pháp tu hành Stylite không cho phép nhiều hơn 1 tu sĩ được ở trong nhà thờ cùng lúc, các thành viên tu viện Katskhi thay phiên nhau đi lên thang 1-2 lần/tuần. Cha Ilarion nói rằng những tu sĩ gan dạ nhất thường mặc áo choàng đen dài, leo lên suốt 20 phút chỉ bằng dây thang mà không có dụng cụ hỗ trợ

Trước khi đi, các tu sĩ sẽ xin sự ban phước từ cha Maxime. Khi lên đến đỉnh, họ cầu nguyện trong nhà thờ rồi hướng đến hầm rượu để nấu rượu cho tu viện. Sau đó, họ phải xuống trước khi chạng vạng để tham gia vào buổi cầu nguyện hàng đêm của tu viện.

Cha Ilarion tiết lộ "bí quyết" để leo trên chiếc thang hiểm trở là hãy tập trung vào đích đến. Trong lần đầu tiên leo, ông còn không dám nhìn xuống dưới nhưng giờ đã có thể lên tới nơi chỉ trong 15-20 phút mà không cần các dây treo hỗ trợ.

Nơi tìm kiếm sự bình yên

Ông giải thích rằng du khách chỉ được phép leo lên tầng đầu tiên của cột đá vôi, nơi họ có thể thắp nến và cầu nguyện với một cây thánh giá có từ thế kỷ thứ 6 được cất giữ tại đây. Những người không thích mạo hiểm cũng có thể khám phá nhà thờ Simeon Stylites, nằm dưới chân cột, nơi được trang trí bằng những đồ tạo tác và tranh tôn giáo tuyệt đẹp.

Cha Ilarion nói rằng ngay cả các nữ tu trong cùng một dòng tu cũng không được phép thực hiện chuyến hành hương nguy hiểm lên đỉnh núi. Các quy tắc trong Giáo hội Chính thống Georgia quy định rằng các tu sĩ và nữ tu sĩ phải cầu nguyện trong các tu viện riêng biệt; Trong khi các nữ tu được phép vào khu phức hợp tôn giáo, họ chỉ được cầu nguyện tại nhà thờ Simeon Stylites bên dưới, được xây dựng vào khoảng năm 1999.

"Lý do tại sao phụ nữ không được phép leo lên cây cột này để cầu nguyện ở nhà thờ trên đỉnh là vì họ không phải Stylite như chúng tôi. Chúng tôi là một kiểu tu sĩ khác biệt, những người muốn đạt đến những điểm cao nhất để cầu nguyện", cha Ilarion giải thích.

"Ở Georgia, Nữ vương Tamar của chúng tôi, người trị vì từ năm 1184 đến năm 1213, cũng được Nhà thờ Chính thống giáo Georgia tuyên bố là một vị thánh. Là các tu sĩ, chúng tôi tin rằng nếu đàn ông là người đứng đầu thì phụ nữ là cột sống. Cả hai đều không thể làm việc nếu thiếu nhau. Vì vậy, tại cây cột này, các nữ tu hỗ trợ chúng tôi từ bên dưới bằng cách cho chúng tôi thức ăn và cầu nguyện với chúng tôi trong những dịp quan trọng", ông nói.

Thế giới có rất nhiều nơi tuyệt đẹp nhưng điều quan trọng nhất của trụ cột này là sự thanh bình mà nó mang lại.

Tu viện bên dưới và lối lên.

Tu viện bên dưới và lối lên.

Tu sĩ Amirani, cũng sống tại tu viện Katskhi, tin rằng quy tắc không cho du khách leo lên đỉnh rất quan trọng để bảo tồn lịch sử và văn hóa của Georgia. "Khi tôi leo lên đỉnh cột lần đầu tiên vào năm 1992, tôi nhận ra đó là một nơi đặc biệt và rất quan trọng đối với Cơ đốc giáo, Điều sống còn là các quy tắc của trụ đá này được bảo tồn. Đây là nơi để cầu nguyện và cho những người đàn ông gặp khó khăn tìm thấy sự bình yên tâm hồn trong sự cô độc".

Nhưng đối với cha Iliarion, dù có leo lên được đỉnh cao hay không thì bất cứ ai cũng có thể tìm thấy sự bình yên và an ủi nội tâm ở đây. Ông nói: "Thế giới có rất nhiều nơi tuyệt đẹp nhưng điều quan trọng nhất của trụ cột này là sự thanh bình mà nó mang lại. Trước khi cột đá vôi tồn tại, toàn bộ khu vực này là biển. Bằng cách nào đó, tôi vẫn có thể cảm nhận được sự hiện diện êm dịu của biển ở nơi này, mặc dù nó cách xa hàng dặm, khiến nó càng trở thành điểm hoàn hảo để đến gần Chúa hơn".

Nguồn: BBC Travel

Thạch Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chuyen-hanh-huong-tren-9-tang-may-giua-long-chau-au-20220913112929174.htm