Chuyển hệ cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hiệp hội đề xuất nói gì?
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phản biện lại ý kiến trả lời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời khẳng định kiến nghị của Hiệp hội này là có cơ sở...
Ảnh minh họa.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ Nội vụ phản biện lại ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền về việc chuyển hệ cao đẳng từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có công văn gửi Bộ Nội vụ cho rằng kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là không có cả cơ sở khoa học và thực tiễn.
Tuy nhiên, trong Công văn gửi Bộ Nội vụ ngày 17/5 do Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Trần Xuân Nhĩ ký, cho biết kiến nghị của Hiệp hội này xuất phát từ thực tế là kể từ khi tiếp nhận vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng (năm 2015), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã không làm tròn vai trò quản lý Nhà nước của mình. Thậm chí liên tiếp mắc phải ít nhất hai sai lầm nghiêm trọng.
Một là, chỉ sau một thời gian ngắn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã vội vàng nâng cấp hoặc mở mới hàng trăm trường cao đẳng nghề trong khi vẫn duy trì chương trình đào tạo của hệ thống trường này ở mức dưới “chuẩn”, điển hình là các chương trình cao đẳng “siêu tốc”. Hậu quả là nguồn nhân lực cao đẳng đào tạo ra sẽ có nguy cơ không được thế giới công nhận.
Hai là, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã loại bỏ hoàn toàn các chương trình cao đẳng chuyên nghiệp, vốn có ở các trường cao đẳng chuyên nghiệp trước khi chuyển vai trò quản lý Nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về. “Điều này làm thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, gây méo mó cho cơ cấu nhân lực cần thiết”, Hiệp hội này lý giải.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nhận biết về ISCED-2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn toàn thiếu chính xác. Ở phần này, văn bản giải thích: “bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay có chương trình thuộc giáo dục sau trung học nhưng không phải giáo dục đại học” và cho đây là cấp độ 5.
Tuy nhiên, theo ISCED-2011 thì các chương trình thuộc “giáo dục sau trung học nhưng không phải là giáo dục đại học” chỉ thuộc cấp độ 4 còn các chương trình cấp độ 5 (cao đẳng), cấp độ 6 (cử nhân), cấp độ 7 (thạc sỹ) và cấp độ 8 (tiến sỹ) mới thuộc giáo dục đại học.
Theo Hiệp hội này, cần lưu ý phân hệ giáo dục chỉ là một lĩnh vực giáo dục, không nhất thiết phải là một bậc học. Do đó các chương trình của cùng một phân hệ giáo dục vẫn có thể thuộc nhiều trình độ, bậc học khác nhau.
“Rõ ràng nhầm lẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi đồng nhất khái niệm lĩnh vực đào tạo với khái niệm bậc học (chỉ gắn với trình độ học vấn) là không thể chấp nhận được”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết.