Chuyện hiếm có: Doanh nghiệp vui mừng vì được đóng thuế

Bộ Tài chính kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế này với mức thuế suất 5%. Đây là điều khiến các doanh nghiệp... vui mừng vì đã kiến nghị từ lâu.

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến tại Dự án Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Vì sao chuyển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế với mức thuế 5% lại khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón vui mừng?

Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế giá trị gia tăng trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (có hiệu lực từ 1/1/2015).

Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được lợi khi chuyển sang chịu thuế 5%.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được lợi khi chuyển sang chịu thuế 5%.

Theo quy định tại Luật, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng). Khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế giá trị gia tăng đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn.

Do vậy, thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng quy định trên khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm.

Điều này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón với đề xuất kể trên.

Khi được chuyển sang chịu thuế giá trị gia tăng 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Hai dự án nghìn tỷ thua lỗ của Tập đoàn hóa chất Việt Nam là đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình dự kiến cũng được hưởng lợi từ cơ chế mới này nếu được áp dụng.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/2-bo-dong-long-kien-nghi-doanh-nghiep-ho-hoi-vi-sap-duoc-dong-thue-679748.html