Chuyện họa sĩ Lê Duy Ứng bị mất trộm
2 bức tượng mang nhiều tâm huyết của họa sĩ Lê Duy Ứng đã bị kẻ gian lẻn vào nhà lấy trộm. Công sức cật lực cả năm trời của ông bỗng chốc biến mất khiến, người thương binh nặng tiếc ngẩn tiếc ngơ….
Ngôi nhà cũng là tổ ấm của vợ chồng họa sĩ Lê Duy Ứng nằm sâu trong con phố Đông Thiên. Ngôi nhà còn là bảo tàng cá nhân của người thương bình “tàn nhưng không phế”, nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật được ông dày công thực hiện. Trong đó có nhiều bức tranh và tượng về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Nguyễn Trọng Nhân và những chiến sĩ áo trắng. Riêng bản sao bức huyết họa “Ánh sáng và niềm tin” được đặt trang trọng trong không gian bảo tàng. Bởi đó là bức tranh biết kể chuyện về cuộc đời và nghị lực phi thường của thương binh, họa sĩ, Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng.
Trong căn nhà rộng rãi, họa sĩ Lê Duy Ứng đi lại chậm chạp, ông leo cầu thang, bật quạt, bật đèn thành thạo. Ông bảo, ông đi bằng ký ức, bằng thói quen, chứ đôi mắt hầu như không còn nhìn thấy gì, chỉ thấy tranh tối, tranh sáng. Chính vì thế, chỉ cần đồ đạc trong nhà thay đổi vị trí đi một chút là khiến cho người thương binh này vấp ngã. Ở tuổi ngoài 70, họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn cặm cụi với công việc điêu khắc. Đôi mắt không nhìn thấy nhưng bù lại, ông có đôi bàn tay khéo léo, lần sờ từng thớ gỗ để phán đoán và tưởng tượng. Nhân chuyến đi đến Tây Nguyên, ông nhặt được một khúc gỗ sao đen dưới lòng suối. Lựa theo dáng của khúc gỗ, ông đã đục đẽo và tạo hình con khỉ với chiếc đuôi dài, một bên chân bị dị tật. Bức tượng sau đó đã được chuyển ra Hà Nội.
Ông chia sẻ, tác phẩm “Con khỉ da cam” hướng về đề tài chiến tranh, lên án chất độc màu da cam đã tàn phá những cánh rừng, làm cho nhiều thế hệ người Việt Nam chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần. Khi bức tượng đang trong quá trình đóng bục bệ để đặt tượng lên đã có nhiều người dân xung quanh tới xem và trầm trồ khen ngợi tài nghệ của ông. Còn một bức tượng khác làm từ gỗ hương, ông đã thể hiện hang động Quảng Bình cất giấu máy bay Mic 17. Phía trên là một máy bay đang chuẩn bị cất cánh.
Bức tượng này có điều thú vị là tỏa ra mùi hương dễ chịu của gỗ. Cả hai bức tượng này ông đều đặt ở sân nhà, thế nhưng đã nhanh chóng biến mất chỉ sau 1 đêm ngủ dậy. Kẻ trộm đã lẻn vào nhà và lấy đi 2 tác phẩm ông đã và đang dày công thực hiện. Với một người bình thường, để làm được một tác phẩm điêu khắc gỗ đã khó thì với một người thương binh nặng hỏng mắt lại càng khó khăn hơn gấp bội và càng đáng quý ở tấm lòng và tình yêu nghề của họa sĩ Lê Duy Ứng. Ngay sau đó, ông đã báo công an phường về vụ mất trộm này. Khi nhận được tin báo, Công an phường Vĩnh Hưng đã lập tức cử đội nghiệp vụ tới hiện trường, xem xét kỹ lưỡng từng dấu chân, lưu lại các chứng cứ cần thiết.
Trung tá Vũ Tiến Đạt, Trưởng Công an phường Vĩnh Hưng chia sẻ: “Được biết họa sĩ rất quý 2 bức tượng này nên chúng ta quyết tìm ra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã thấy bức tượng 2 tác phẩm trong tình trạng nguyên vẹn. Khi nhận tác phẩm, họa sĩ rất cảm động và cảm ơn các đồng chí công an”. Thượng úy Phạm Văn Chung, cảnh sát khu vực phường Vĩnh Hưng, người trực tiếp đưa 2 tác phẩm trở về với họa sĩ cho biết: “Chúng tôi không biết hình thù bức tượng ra sao vì chưa từng một lần được nhìn thấy. Nhưng trân trọng cái tình và cái tài của họa sĩ nên đều cố gắng tìm cho ra. Và thật may khi bức tượng vẫn nằm trên địa bàn phường”.
2 bức tượng sau đó đã được đặt trong không gian của bảo tàng. Và giờ đây, khi ai đến thăm bảo tàng cá nhân Lê Duy Ứng đều được chính chủ nhân kể về chuyện mất cắp 2 bức tượng và đã được các đồng chí công an tìm thấy. Họa sĩ Lê Duy Ứng chia sẻ, ông có mối thân tình với Công an Phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Những lúc ốm đau hay có việc cần đi lại, có khi người đưa ông đến viện khám lại chính là các đồng chí công an. Vợ ông sau lần bị ngã, tay phải đập xuống đất không thể tự đi xe máy. Các ngày lễ, ngày tết, ông đều nhận được sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo công an phường.
Trong căn nhà của người họa sĩ- một bảo tàng về tài năng và ký ức, giờ những người khách đến thăm, cùng với câu chuyện về sáng tác, điêu khắc cùng tác phẩm, khách còn được họa sĩ Lê Duy Ứng kể về tình cảm của ông và các chiến sĩ công an trên địa bàn phường Vĩnh Hưng.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-hoa-si-le-duy-ung-bi-mat-trom-post444585.antd