Chuyển hóa thách thức thành cơ hội

Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 23-9 tại Tiền Giang nhằm bàn thảo và tìm ra các giải pháp tối ưu cho bức tranh hạn, mặn, nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL trong chặng đường sắp tới.

Một trong những điểm chung được đại diện các tỉnh, thành cũng như đánh giá của Chính phủ là hạn hán, xâm nhập mặn từ nay sẽ trở thành câu chuyện bình thường trong đời sống ĐBSCL. Đó là nguy cơ, nhưng cũng xuất hiện thời cơ nếu chúng ta biết ứng phó, thích nghi, hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Bơm chuyền nước mùa hạn, mặn năm 2020.

Từ thực tiễn đó, giải pháp thích ứng đối với hạn, mặn, nước sinh hoạt cho ĐBSCL trong ngắn hạn cũng như chặng đường dài hơi hơn chắc chắn sẽ được các bộ, ngành, địa phương tính toán, cân nhắc và triển khai thực hiện. “Sống chung” với hạn, mặn sẽ là bức tranh chung của khoảng 20 triệu dân ĐBSCL. Tác động này sẽ là không nhỏ đối với sinh kế và đời sống nếu người dân trong vùng không nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi.

Nhìn từ thực tiễn, để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đối với hạn, mặn một vài mô hình liên kết sản xuất ở ĐBSCL cũng manh nha hình thành và mang lại hiệu quả. GS.TS. Võ Tòng Xuân đã từng khuyến cáo rằng, một số địa phương vùng ven biển ở khu vực ĐBSCL nên tìm cách “sống chung” với hạn, mặn hơn là phải ứng phó theo kiểu chống lại thiên nhiên.

Dẫn chứng về điều này, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết hiện nay, nông dân ở vùng Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) hay Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) chẳng những không lo xâm nhập mặn mà còn đang chờ nước mặn về để thả nuôi tôm. Nhìn từ thực tiễn GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, các địa phương nên xem đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất chứ không nên ngồi đó mà than bị xâm nhập mặn hoặc đầu tư hàng tỷ đồng vào các công trình ngăn mặn rất lãng phí.

Sống chung với hạn, mặn là chặng đường mới cho người dân ĐBSCL.

Tôn trọng quy luật tự nhiên là hướng tiếp cận mới đối với mục tiêu phát triển ĐBSCL. Quan điểm chỉ đạo chung được đề cập trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã xác định cho chặng đường tới là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL.

Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn sẽ là bước đi lâu dài cho ĐBSCL. Và tất nhiên, thay đổi tư duy, góc độ tiếp cận để phát triển ĐBSCL là vấn đề cũng cần được tiếp tục bàn thảo một cách căn cơ hơn.

Định hướng chiến lược phát triển được đề ra trong Kế hoạch 96 ban hành ngày 28-3-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ cũng hướng đến câu chuyện tương lai của Tiền Giang trong xu thế chung của vùng ĐBSCL.

Đó là phải dựa trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo. Đó là xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Đó là việc tiếp cận một cách tổng thể, gắn với tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL…

Bức tranh ĐBSCL trong chặng đường tới còn nhiều việc phải làm. Song, bằng nhiều giải pháp cụ thể, căn cơ, từ trung ương đến địa phương, vùng đất trù phú ĐBSCL sẽ vươn lên mạnh mẽ đúng với vị thế hiện hữu.

T.A

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202009/chuyen-hoa-thach-thuc-thanh-co-hoi-909531/