Chuyện ít biết phía sau tượng đài lịch sử
Gần 30 năm dấn thân điêu khắc, Đinh Gia Thắng là tác giả của nhiều tượng đài lớn, nhỏ, trong đó không thể không kể tới tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên đất Quảng Nam. Trong nắng chuyển mùa của Hà Nội vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, lần đầu tiên điêu khắc gia chịu hé lộ những vui buồn đằng sau hành trình sinh nở 'đứa con tinh thần' nổi tiếng.
Tay trắng khi tượng mẫu sập
Năm 1980, Đinh Gia Thắng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh học chuyên ngành hội họa nhưng nên duyên cùng điêu khắc. Trước khi gắn bó với điêu khắc, Đinh Gia Thắng hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng. Anh nói, những tượng đài của anh được vun đắp bằng sự kết hợp của 2 ngôn ngữ: Ngôn ngữ điêu khắc và ngôn ngữ kiến trúc.

Điêu khắc gia Đinh Gia Thắng bên tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đinh Gia Thắng làm tượng đài ghi dấu ký ức bi hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Anh kể: “Tôi sinh ra ở Hà Nội. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn, bà đi chiến trường B từ những năm 1971, 1972 đến giải phóng miền Nam. Tôi ảnh hưởng từ mẹ rất nhiều. Nhờ mẹ, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều cô chú từng hoạt động ở miền Nam. Chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi là học trò của mẹ tôi. Chúng tôi hay nói chuyện với nhau. Những câu chuyện của mẹ, của các cô chú để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi”. Tượng đài Chiến thắng Xuân Mậu Thân là tượng đài đầu tiên của Đinh Gia Thắng, đặt ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ra đời sau tượng đài Chiến thắng Xuân Mậu Thân nhưng lại là tượng đài đầu tiên về đề tài người mẹ của điêu khắc gia. Anh cho biết: “Tượng đài khánh thành nhân dịp 40 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2015) và 40 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Nhưng ý tưởng về tượng đài đã có từ năm 2005”. Mỗi tượng đài thường “tiêu” của điêu khắc gia khoảng vài năm đến chục năm trời, với bao nhiêu thử thách, gian truân. Nhìn lại hành trình làm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Đinh Gia Thắng trầm ngâm: “Đó là khoảng thời gian căng thẳng của tôi. Tôi đã đứng bên bờ vực phá sản”.

Tác phẩm Kỷ nguyên vươn mình.
Anh nhớ lại: “Giai đoạn đầu chưa có định mức, đơn vị tư vấn tính khoảng 200 tỷ đồng nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chỉ làm dưới trăm tỷ đồng. Kinh phí eo hẹp. Tượng mẫu bằng đất sét nặng cả ngàn tấn, khung không đủ sức chịu đựng đã sập đúng ngày 20/7/2009, như bom nổ, như động đất khiến tôi bàng hoàng, bủn rủn. Trong đống đổ nát, tôi nghe có tiếng người kêu ú ớ liền gọi thợ mang máy móc tháo dỡ thì phát hiện một người thợ đang nằm phía dưới. May quá, cậu ấy không sao, chỉ bị trầy xước nhẹ. Ngay sau đó, cơn bão số 9 đi qua phá tan tành những gì còn lại. Tôi trắng tay. Anh em điêu khắc khi ấy dự đoán chắc chắn tôi lỗ to”. Tiếp tục bước tiếp hay dừng lại là câu hỏi đặt ra trong khoảng thời gian đen tối. Và Đinh Gia Thắng chọn bước tiếp, anh tự bỏ tiền túi ra làm lại tượng mẫu: “Lần trước cũng làm móng bằng bê tông nhưng nhỏ. Lần này tôi làm móng liền, chơi hẳn móng khổng lồ cho tượng mẫu, Một cuộc đầu tư lớn, bao nhiêu tài sản của tôi đều đổ vào đó, có gì cầm cố được thì tôi cầm cố luôn. Lúc này, người ta mới bắt tay vào xây dựng định mức. Tôi làm đến đâu họ chấm công theo giờ, tính vật tư… Từ đây xây dựng dự toán, thẩm định lại để điều chỉnh dự án. Trong lúc điều chỉnh dự án tôi đã hoàn thành tượng mẫu, nợ đầm đìa, ngân hàng liên tục hối thúc, đòi siết nhà, vợ tôi lúc ấy lại đang mang thai. Tình hình nguy khốn”.

Điêu khắc gia đang hoàn thiện chế tác đá cho tượng đài Huyền thoại Trường Sơn, tại xưởng của mình.
Đinh Gia Thắng cho thợ dùng bạt che lại tượng mẫu bị sập, điều này càng gây tò mò với những người làm báo trong lễ khởi công tượng đài: “Anh em gặp tôi đề nghị cho họ quay, chụp, tôi chẳng biết làm thế nào nên mời họ đến nhà tôi, tôi chơi đàn piano cho nghe. Sau đó, tôi còn ghi âm những bản nhạc tôi vừa chơi in ra đĩa, làm quà tặng anh em báo chí”, Đinh Gia Thắng vừa kể, vừa cười. Anh cười mình hồn nhiên và tự hỏi, không biết hồi ấy sao tôi còn đủ bình tĩnh để chơi đàn? Điêu khắc gia kể tiếp: “Sau bao nhiêu áp lực thì tượng mẫu cũng làm xong nhưng chưa kịp nhận khoản tiền gì cả, tôi lại tiếp tục bị “đập”. Lúc ấy tôi nghĩ, lần này nếu không được thanh toán, chắc tôi chỉ còn nước… nhảy lầu”. Người chứng kiến tất cả gian truân của anh chính là cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cha nuôi của anh: “Cha cũng nghèo làm sao có thể giúp tôi về tài chính? Nhưng cha luôn động viên tôi, con cứ bỏ ngoài tai mọi chuyện, giữ mạch cảm xúc cho đến khi hoàn thành tác phẩm”. Là nghệ sĩ, tác giả Hành khúc ngày và đêm hiểu hơn ai hết, nếu để hoàn cảnh chi phối, đứt mạch cảm xúc thì mọi nỗ lực, cố gắng đều đổ xuống sông, xuống bể.
Cầm tay mẹ Thứ cảm nhận nỗi đau mất mát
Tôi hỏi điêu khắc gia: Gương mặt mẹ Thứ ở tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng giàu biểu cảm, chạm tới trái tim người xem. Bí quyết của anh là gì? Đinh Gia Thắng tâm sự: “Tôi được tiếp xúc với mẹ Thứ rất nhiều, không thể nhớ nổi đã đến thăm mẹ bao nhiêu lần. Khi mẹ ra đi, tôi ngồi trên giường bệnh của mẹ, thấy nhịp thở mẹ gấp quá rồi. Sau đó, bác sĩ đưa mẹ vào phòng cấp cứu, hôm sau mẹ ra đi. Khi mẹ còn khỏe, mỗi lần tôi tới thăm, con gái của mẹ, chị Lê Thị Trị nói: Mẹ ơi, có chú Thắng vào thăm mẹ. Mẹ tự chống tay ngồi dậy. Mẹ thích kể chuyện đồng áng, đi gặt lúa, thu hoạch lúa, lúc cao hứng mẹ còn hát cho tôi nghe”.
Đinh Gia Thắng làm chân dung mẹ Thứ qua bức ảnh chân dung mẹ ở tuổi 70. Anh giải thích: “Ngoài 100 tuổi cơ trên mặt của mẹ teo nhiều, khó cho việc làm chân dung. Khi ngồi nói chuyện tôi thường hay nắm tay mẹ, cảm nhận luồng điện truyền sang mình. Tôi cố gắng hình dung nỗi đau của mẹ Thứ khi mỗi người con ra đi không bao giờ trở lại…”. Theo điêu khắc gia, mẹ Thứ có 12 người con, trong đó 9 con trai hi sinh. Bà Lê Thị Trị, con gái của mẹ Thứ vẫn còn sống, cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Hai người con trai của mẹ Thứ một người đã ra đi cách đây 2 năm, người còn lại vẫn đang sống ở Đà Nẵng: “Ông ấy tên là Lê Tự Thận, trước đây làm nghề cắt tóc, khi khánh thành tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ông ấy cũng tham dự và cắt băng khánh thành”.
Đinh Gia Thắng bật mí, tượng Mẹ Việt Nam anh hùng hoàn thiện phác thảo từ trong mơ. Điêu khắc gia kể: “Tôi luôn đau đáu về sự hi sinh của các bà mẹ, phác thảo ban đầu khiến tôi chưa ưng ý. Tôi có thói quen bật nhạc giao hưởng khi ngủ, tôi thích các tác giả cổ điển như Chopin, Beethoven… Đêm đó tôi mở một bản giao hưởng trong đó vút lên giai điệu vừa hùng vừa bi, truyền vào trái tim tôi. Trong mơ tôi thấy hiện lên hình ảnh mẹ giang hai cánh tay như ôm trọn những người con, rồi hình ảnh dãy núi…Tôi tỉnh dậy, vẽ lại giấc mơ ra giấy”.
Ngoài âm nhạc, Đinh Gia Thắng còn yêu thích văn chương. Anh để ở đầu giường rất nhiều sách văn học, trong đó có truyện Kiều: “Tôi thích nhiều tác giả lắm: Tagor, Puskin, Aragon, Nazim Hikmet… Văn xuôi tôi cũng đọc nhiều, từ Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Những người khốn khổ… đến Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, các tác phẩm văn học cổ Hy Lạp…”. Tác giả tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng là cháu ruột của cố giáo sư Đinh Gia Khánh, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) với cụm công trình 4 tác phẩm nghiên cứu về văn học dân gian và văn hóa dân gian Việt Nam.
Một trong những tượng đài đang được mong đợi của Đinh Gia Thắng là tượng đài Huyền thoại Trường Sơn. “Dự kiến tháng 7 năm sau xong khối tượng đài chính hoàn thành. Bệ tượng cao khoảng 1 m, đặt trên đồi nhân tạo 2m, tượng chính cao 26,5m. Tổng chiều cao ước tính khoảng 29,5m”, điêu khắc gia giới thiệu sơ lược.
Khi làm tượng đài, Đinh Gia Thắng nghiên cứu từ văn chương đến phim tài liệu, sách lịch sử và gặp gỡ nhân vật. Bắt tay vào làm tượng đài Huyền thoại Trường Sơn, điêu khắc gia nhiều lần được gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, nghe ông kể chuyện.
Phần nhiều tượng đài của điêu khắc gia Đinh Gia Thắng đặt ở Quảng Nam như tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, tượng đài Huyền thoại Trường Sơn, tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc… Ở Quảng Ngãi, Đinh Gia Thắng có tượng đài Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Không dừng lại ở đề tài chiến tranh, đề tài người mẹ, tác phẩm mới của điêu khắc gia Hợp nhất trong kỷ nguyên mới; Kỷ nguyên vươn mình cho thấy anh luôn nhịp bước cùng đất nước, cùng thời đại.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-it-biet-phia-sau-tuong-dai-lich-su-post1738034.tpo