Chuyện ít biết về 'báu vật' 300 tuổi ở Hà Nội: Được dân rào chắn bảo vệ, người người đi săn ảnh
Ở Hà Nội, cụ thể là tại phố Đình Thôn có một 'báu vật' tồn tại ngót đã được 300 năm mang tên Hoa Bún.
'Báu vật' 300 tuổi làng Đình Thôn
Những ngày cuối tháng 4, làng Đình Thôn (phường Mỹ Đình, quận Từ Liêm, Hà Nội) nhộn nhịp hơn hẳn bởi sắc vàng của cây bún cổ thụ thu hút đông đảo người dân về đây chiêm ngưỡng.
Chúng tôi chọn một nhà hàng ngay cạnh cây bún để vừa ăn vừa... ngắm hoa. View từ tầng ba nhìn xuống những tán hoa bún vàng ruộm đung đưa trong gió muốn mê hoặc lòng người.
Theo các cụ cao niên ở Đình Thôn, cây bún có tuổi đời khoảng 300 năm. Năm qua tháng lại, cây bún cổ thụ vẫn sừng sững ở đấy, chứng kiến biết bao thế hệ lớn lên rồi già đi. Cứ thế, cây hoa bún trở thành biểu tượng đặc trưng của làng Đình Thôn, là "báu vật" của người dân nơi đây.
Cây bún tỏa ra các nhánh rất đẹp, thân màu nâu đen rắn chắc. Tầm cao hơn tòa nhà ba tầng một chút, tán trải thảm vàng trên nóc một quán ăn. Hoa màu vàng và trắng xen lẫn sắc xanh của lá khiến cây nổi bật giữa khoảng trời.
Cây hoa bún còn có tên gọi khác là bạch hoa hay màn màn. Hoa có mùi thơm dịu mát, khi nở nhụy hoa có hình dáng giống với sợi bún. Mỗi chùm hoa giống như một con bún, cả cây hoa thì như một rổ bún. Bởi vậy mọi người gọi luôn với cái tên là cây hoa bún.
Ngoài vẻ đẹp, cây bún còn có nhiều tác dụng như quả có thể ăn được và làm thuốc lợi tiểu, chống viêm nhiễm; vỏ dùng trong điều trị rối loạn chức năng hệ tiết niệu, nhiễm trùng đường tiểu…
Chuyện ít biết về cây hoa bún 300 tuổi...
Ăn xong nhiều người lại kéo nhau ra gốc bún ngồi uống nước ngắm hoa tiếp. Ngay dưới gốc bún là quán nước mía của gia đình anh Liêm (nhà cạnh gốc cây bún).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Liêm cho biết gia đình anh dọn hàng nước mía dưới gốc cây bún được 20 năm. Mỗi ngày đều như vắt chanh, mẹ anh mở quán từ 7h sáng đến 11h tối mới nghỉ.
"Hồi xưa, khoảng sân dưới gốc cây là nơi tụ tập, nghỉ mát của người dân trong làng. Xung quanh đều là đồng ruộng, cách đó không xa là khu nghĩa địa. Từ khi sân vận động Mỹ Đình được xây, nơi đây cũng được "tuốt tát" lại và cũng đông đúc, tấp nập hơn", anh Liêm, kể.
Theo anh Liêm, không chỉ cây bún mà trước đây trong làng còn 2 cây hoa phượng cổ thụ nữa cũng rất đẹp. Tháng 3 - 4 hoa bún nở rộ. Sang đến tháng 5 đến lượt hoa phượng bung xòe, sắc đỏ nhuộm cả một góc làng. Nhưng sau đó 2 cây phượng cổ thụ bị chặt, giờ chỉ còn lại cây hoa bún là vẫn giữ lại được.
Nói đến sức sống lâu bền của cây hoa bún, anh Liêm cho biết, nhìn vậy thôi chứ cây bún cũng từng nhiều phen "thập tử nhất sinh". Lúc thì nằm trong khu vực quy hoạch của một sự án xây dựng, lúc lại bị người ta nửa đêm đổ xăng đốt gốc, khi thì mưa giông bị sét đánh trơ trụi.
Nhưng cũng nhờ sự đồng lòng bảo vệ của dân làng và chính quyền địa phương, cây bún nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc. Ai nấy trong làng đều yêu thích vẻ đẹp hiếm có của cây bún cổ thụ, hơn nữa còn coi nó là niềm tự hào khôn xiết, là "bộ mặt" của Đình Thôn.
Để bảo vệ "báu vật" 300 tuổi, người dân quây rào sắt quanh gốc cây bún, lập bàn thờ. Anh Liêm cho biết, mỗi tháng cứ vào mùng 1, ngày rằm, mọi người chẳng ai bảo ai sẽ đến lau dọn, thay hoa, thắp hương lên bàn thờ dưới gốc cây bún như là cách để tưởng nhớ, gìn giữ nét đẹp văn hóa, tinh thần của người dân Đình Thôn.
Có một "mùa hoa bún" độc nhất vô nhị giữa lòng Hà Nội
Ở các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam hay Ninh Thuận,... có lẽ chẳng hiếm lạ gì cây hoa bún, nhưng tại Hà Nội thì lại có rất ít người biết. Bởi tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy một cây hoa bún cổ thụ tại làng Đình Thôn.
Chính vì vẻ đẹp thanh tao cùng câu chuyện về sức sống lâu bền kéo dài hơn 3 thế kỷ nên sức hút cây hoa bún ở Đình Thôn càng được nhiều người biết đến.
Cô Liên (người dân Đình Thôn) cho biết: "Cứ độ cuối tháng 3 sang đến tháng 4 là lúc hoa bún nở rộ nhất. Người người đến đây chụp ảnh với ảnh với hoa nhiều. Hết tháng 4 thì hoa bắt đầu tàn vì mưa xuống".
Đứng trước vẻ đẹp của cây hoa bún, bạn Nguyễn Thiên An (trú tại Cầu Giấy) rút ngay điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ của hoa bún. Cô gái nói, không biết cây hoa bún cho đến khi tình cờ đi qua phố Đình Thôn. Ngay lúc đó cô đã lập tức bị "cảm nắng" bởi cảnh sắc của cây hoa. "Dù đang đi đường nhưng mình đã phải dừng xe để chụp vài kiểu ảnh để làm kỷ niệm vì hoa bún quá đẹp", An chia sẻ.
Những ngày cuối tháng 4, hoa bún bắt đầu rơi nhiều, bầu trời một góc ở Đình Thôn đâu đâu cũng là cánh hoa li ti bay khắp nơi trong gió. Đây cũng là lúc những tín đồ săn hoa bún bắt tay "vào việc".
Tranh thủ ngày nghỉ, bạn Đoàn Sang (Trương Công Giai, Cầu Giấy) ghé sang Đình Thôn cách nhà khoảng 3km để "săn hoa". Sang cho biết: "Mình biết cây hoa bún từ lâu rồi. Ở Hà Nội chỉ có cây hoa bún 300 tuổi này là độc nhất. Năm nào vào dịp này cũng đến đây để chụp ảnh. Hoa nở thành từng bông to rất đẹp, có chút vàng rực rỡ, nhưng sâu trong đó là những sắc trắng tinh khôi.".
Đoàn Sang hào hứng chia sẻ, cảnh vật quen thuộc nhưng không hiểu vì sao mỗi lần đến chụp ảnh cô đều cảm nhận được sự khác biệt. Có lẽ một phần vì không khí chụp ảnh nhộn nhịp của mọi người. Hoặc cũng có thể vì khoảnh khắc được ngắm cánh hoa bún tung bay trong gió khiến trái tim ai cũng rung lên nhắc nhở: "Hè đang về rồi".