Chuyện ít biết về chiếc vương miện cố Nữ vương Elizabeth II đội trong bức chân dung mới công bố
Không phải ai cũng biết những điều bí mật xung quanh báu vật được cố Nữ vương Elizabeth II yêu thích.
Ngày 8/9/2023, nhân kỷ niệm giỗ đầu cố Nữ vương Elizabeth II, Vua Charles đã công bố một trong những bức chân dung của người mẹ quá cố. Bức ảnh được chụp tại Cung điện Buckingham vào ngày 16/10/1968 do nhiếp ảnh gia Cecil Beaton bấm máy.
Bức chân dung tuyệt đẹp cho thấy vẻ rạng rỡ của cố nữ vương. Trong đó, người ta không thể không chú ý đến chiếc vương miện trên đầu bà. Nó là một trong những chiếc vương miện được nữ vương quá cố yêu thích nhất, đồng thời mang theo một câu chuyện lịch sử đáng kinh ngạc, không phải ai cũng biết.
Mới đây, tờ Daily Mail đã tiết lộ câu chuyện về chiếc vương miện tuyệt đẹp mà cố Nữ vương Elizabeth II từng đội.
Theo đó, chiếc vương miện quý giá phủ đầy kim cương và đá quý tinh xảo ban đầu được tạo ra bởi Bolin, nhà kim hoàn của Hoàng gia Nga, làm riêng cho Nữ công tước Maria Pavlovna (thím của Sa hoàng Nikolai II) nhân dịp đám cưới năm 1874 của bà với Đại công tước Vladimir Alexandrovich Romanov.
Chiếc vương miện ngọc lục bảo ấy được đặt tên là Grand Duchess Vladimir Tiara.
Nữ công tước Maria nổi tiếng với sở thích xa hoa về đồ trang sức. Nhưng chính điều này đã gây ra sự xích mích giữa bà với chị dâu, Tsarina Maria Feodorovna (em gái của Nữ vương Alexandra, bà cố của Nữ vương Elizabeth II).
Với tư cách là Hoàng hậu nước Nga (vợ của Hoàng đế Aleksandr III), bà Tsarina Maria cảm thấy không hài lòng khi thấy mình bị lép vế so với em dâu. Nữ công tước Maria thì rất tham vọng về các con trai của mình và luôn tin rằng người con trai cả của bà một ngày nào đó sẽ trở thành Hoàng đế. Khi Cuộc Cách mạng Nga diễn ra vào đầu năm 1917, mơ ước của Maria sụp đổ. Bà cùng 5 người con trốn khỏi St Petersburg đến vùng Bắc Caucasus (hay còn gọi là Ciscaucasia) - nằm giữa 2 lục địa Âu và Á.
Tháng 7 năm 1917, một nhà buôn đồ cổ người Anh (cũng là một sĩ quan tình báo không chính thức), tên Bertie Albert Stopford, một người bạn của gia đình Hoàng tộc Nga Romanov, thường được giao nhiệm vụ chuyển các tài liệu quan trọng đến Hoàng gia Anh, đã đưa ra quyết định lấy cắp bộ sưu tập đồ trang sức của Maria trước khi chúng rơi vào tay quân đội.
Người đàn ông này biết rất rõ các vị trí quan trọng trong cung điện, vì đã từng đến đó rất nhiều lần để tổ chức những bữa tiệc xa hoa, nhưng không biết rõ về khu vực riêng tư hay nơi cất giấu trang sức đá quý.
Cùng lúc đó, con trai thứ 3 của Maria, Đại công tước Boris, lại rất muốn giúp lập kế hoạch đột nhập vào cung điện và tìm nơi cất giấu 244 món trang sức trong bộ sưu tập của mẹ mình, phần lớn do Đại công tước Vladimir Alexandrovich tặng.
Nếu đi qua lối chính vào cung điện thì quá lộ liễu. Tuy nhiên, có một lối bí mật vào bên cạnh cung điện, dẫn thẳng đến phòng của Nữ công tước Maria ở tầng 1. Sau đó, đi qua một con đường tắt dẫn đến cánh cửa giấu kín trong phòng khách của bà.
Khi vào được căn phòng bí mật, Bertie tìm thấy những món trang sức của Maria được khóa trong két sắt đặt ở phòng thay đồ.
Lúc chạng vạng, Bertie ăn mặc như một công nhân, lẻn qua lối vào bên canh cung điện và chạy qua lối bí mật đến phòng của bà Maria, dễ dàng tìm thấy két sắt.
Được Maria hướng dẫn cách mở cửa từ trước, Bertie cẩn thận tháo những món trang sức ra và đặt vào những tờ báo trước khi cho vào hai chiếc túi da cũ. Sau đó, ông ta lần theo dấu chân trở lại nơi mình đã vào cung điện.
Bertie cũng phải lên kế hoạch gửi những món trang sức ra khỏi nước Nga. Ngày 26 tháng 9 năm 1917, ông đã mang những món trang sức được giấu trong túi dụng cụ lên con tàu đi qua Thụy Điển đến Aberdeen, rồi bắt tàu xuống London.
Những món trang sức cuối cùng đã đến London và Bertie trở thành anh hùng của gia đình Đại công tước Vladimir Alexandrovich.
Nữ công tước Maria trốn thoát khỏi Nga nhưng qua đời ở Pháp 3 năm sau đó. Một số đồ trang sức đã bị các con của bà bán để trang trải cuộc sống.
Nhiều chiếc đã được mua bởi thành viên các gia đình hoàng gia châu Âu - bao gồm cả Vương hậu Mary. Chính bà đã mua chiếc vương miện mà Nữ vương Elizabeth II đeo trong bức chân dung do Beaton chụp.
Trong hành trình từ Nga đến Anh, chiếc vương miện đã bị hư hỏng nhẹ nhưng nhà kim hoàn hoàng gia Garrard sửa chữa được.
Theo tư liệu trong cuốn sách "The Queen's Diamonds" của tác giả Hugh Roberts viết năm 1924, chiếc vương miện ban đầu được đính 15 viên ngọc trai kiểu baroque, treo trong mỗi vòng tròn đính kim cương rực rỡ. Vương hậu Mary đã ra lệnh cho nhà kim hoàn Garrard bổ sung thêm 15 viên ngọc lục bảo của riêng mình.
Sau khi Vương hậu Mary qua đời, hầu hết các món đồ trang sức của bà đều được để lại cho Nữ vương Elizabeth II, bao gồm cả vương miện Vladimir Tiara.
Vào năm 1988, Nữ vương Elizabeth II tiếp tục chỉnh sửa lại chiếc vương miện một lần nữa, có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau bằng việc thay đổi các viên ngọc. Kể từ đó, Vladimir Tiara trở thành một trong những vương miện quý giá được Nữ hoàng Anh thường xuyên sử dụng.
Nguồn: Daily Mail