Chuyện ít biết về những người con của Stalin

Yakov kết hôn với một phụ nữ Do Thái tên là Julia. Thoạt đầu, Stalin không chấp thuận.

“Quân pháp bất vị thân”

Mỗi lần nhắc đến con dâu, ông chỉ gọi Julia là “người đàn bà Do Thái đó” và luôn cố gắng chấm dứt cuộc hôn nhân. Thời gian trôi qua, dần dần, Julia cũng chiếm được cảm tình của bố chồng, tuy nhiên, mối thiện cảm vẫn bị đè bẹp bởi tính cách độc đoán của nhà lãnh đạo này. Dù không còn ghét cay ghét đắng Julia như ngày đầu, nhưng một biến cố sau đó liên quan đến Yakov đã khiến Julia bị cha chồng của mình đưa tới trại cải tạo lao động.

Khi nước Nga bước vào cuộc Đại chiến Thế giới II, Yakov cũng ra trận. Anh dẫn đầu đơn vị chiến đấu chống lại quân Đức. Tuy nhiên, đến năm 1941, anh bị bắt làm tù binh trong một trận đánh. Để xỉ nhục Stalin, quân Đức gửi tới ông một bức ảnh chụp con trai bị bắt, đồng thời tuyên bố con trai lãnh đạo Liên Xô đã đầu hàng quân phát xít.

Trước đó, Stalin đã ban hành một mệnh lệnh với nội dung là “kẻ đào ngũ thù địch và gia đình thân quyến của kẻ đó sẽ bị bắt giữ”. Mệnh lệnh này áp dụng cho tất cả mọi người, không loại trừ gia đình của chính Stalin.

Theo mệnh lệnh này, Stalin đã bắt Julia đưa vào trại cải tạo lao động. Trong hai năm sau đó, đứa con gái 3 tuổi của Yakov, đồng thời là cháu nội của Stalin, tên là Gulia trở nên côi cút bởi cả bố lẫn mẹ đều đang trong trại tù binh và trại cải tạo.

Khi Đại chiến Thế giới thứ II gần kết thúc, Hitler đã cố thương lượng để trao đổi Yakov lấy nguyên soái Đức Friedrich Paulus. Lẽ ra Stalin đã có thể cứu con trai, nhưng ông không đón nhận cơ hội này. “Tôi sẽ không đổi một nguyên soái lấy một đại úy”, ông trả lời thông điệp của Hitler. Yakov không được trao trả và ở lại một trại tập trung Đức, nơi mà những người bạn của anh chỉ là những người tù, nhiều người trong số đó là người Ba Lan, vốn rất không ưa người Nga.

Chính vì thế, tình thế của Yakov càng trở nên tệ hại hơn khi những người tù này nghe được thông tin lan truyền rằng 15.000 binh lính Ba Lan đã chết ở Katyn theo mệnh lệnh của cha Yakov. Yakov bị những kẻ trông tù đày đọa và bạn tù ghét bỏ.

Tuyệt vọng, Yakov đã đi ra rìa trại cải tạo, nhảy vào hàng rào điện tự vẫn. Khi đó, cái chết của Yakov lại là niềm tự hào của Stalin. Ông phóng thích vợ Yakov và thường khoe ra bức hình của Yakov sau khi tự vẫn rồi tự hào nói: “Hãy xem này, kết thúc của một người đàn ông cao quý là đây!”.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chuyen-it-biet-ve-nhung-nguoi-con-cua-stalin-2323087-b.html