Chuyện ít biết về những phạm nhân nước ngoài thụ án tại Việt Nam

Thượng tá Nguyễn Đức Phương khẳng định, tất cả phạm nhân cải tạo tại trại giam Vĩnh Quang, không phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo đều công bằng như nhau. Khi họ tham gia lao động, cải tạo tốt thì sẽ được giảm án.

Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công An) thuộc xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân. Nơi đây là địa điểm giam giữ các phạm nhân nước ngoài nhiều nhất tại miền Bắc.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, hiện tại, trại giam Vĩnh Quang đang quản lý và giam giữ hơn 350 phạm nhân nước ngoài với gần 20 quốc tịch, trong đó chủ yếu là Lào và Trung Quốc. Tính chất và mức độ tội danh các phạm nhân nước ngoài rất đa dạng. Tuy nhiên, chủ yếu là tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy và các tội danh liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công An) thuộc xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân

Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công An) thuộc xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân

Dịp 30/4- 1/5 hòa chung không khí kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trại giam Vĩnh Quang xem xét giảm án cho 8 phạm nhân nước ngoài đang chấp hành án tại đây. Để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thượng tá Nguyễn Đức Phương cho biết, ngoài việc tuyên truyền, Ban Giám thị đã yêu cầu cán bộ quản giáo tổ chức họp đội phạm nhân, giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá chuyển lên hội đồng xem xét và phê duyệt.

Ra tù tôi sẽ làm tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống ma túy

Là người Nigieria, phạm nhân Chimechidike Ben thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang được gần 13 năm về tội môi giới, vận chuyển trái phép chất ma túy. Mức án của anh phải chấp hành là Chung thân.

Khi biết mình nhận mức án Chung thân, phạm nhân Chimechidike Ben chỉ muốn “treo cổ chết cho nhanh” vì tương lai mờ mịt trước mắt. Tuy nhiên, khi về Trại giam Vĩnh Quang, nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ và Ban Giám thị nên phạm nhân này đã bình tâm trở lại.

phạm nhân Chimechidike Ben

phạm nhân Chimechidike Ben

“Lúc đó tôi không hiểu pháp luật Việt Nam nên không biết mức án mình phải nhận cao như thế khi vận chuyển số ma túy đó. Nếu biết trước tôi đã không làm. Khi mới chấp hành án, tôi buồn lắm, tôi trách mình không hiểu biết nên phải trả một cái giá quá cao. Sau này chấp hành án phạt tù xong, tôi sẽ trở thành tình nguyện viên đi tuyên truyền về phòng chống ma túy”- Chimechidike Ben nói.

Chimechidike Ben chia sẻ, năm 2007 anh sang Việt Nam để du lịch, sau đó vì yêu mến đất nước và con người Việt Nam nên anh sang đây buôn bán và dạy học tại một Trung tâm ngoại ngữ có tiếng tại TP.HCM với mức lương 80 triệu đồng/1 tháng. Đến tháng 10/2007 Chimechidike Ben nảy sinh tình yêu và lập gia đình với một cô gái Việt Nam. Vợ anh lúc đó làm cho một công ty bảo hiểm.

“Sau khi bị bắt, bị kết tội, tôi mới biết đó là một sai lầm lớn. Trước khi bị bắt, tôi cũng đã từng thuê một số người tham gia vận chuyển ma túy. Lần bị bắt là lần đầu tiên tôi trực tiếp tham gia. Tôi bị bắt khi đang ở Hà Nội, lúc đó tôi ra Hà Nội đón một số người từ Ấn Độ xách ma túy về Việt Nam. Tôi bị bắt ngày 18/6/2009, khi đang lên taxi ra sân bay Nội Bài để bay vào TPHCM”- Chimechidike Ben kể lại.

Nhận mức án Chung thân, đã chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang được 12 năm 10 tháng, nhưng chưa lúc nào Chimechidike Ben thôi day dứt về những lỗi lầm mình mắc phải: “Lúc mới bị bắt, tôi rất nhớ vợ, nhớ gia đình. Đến tận bây giờ tôi vẫn khóc. Tôi chắc chắn ko bao giờ mắc phải lỗi lầm này nữa. Giờ tôi mất hết tất cả rồi, nên chỉ mong có thời gian làm lại từ đầu”.

Là phạm nhân nước ngoài thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, Chimechidike Ben cho biết, anh luôn nhận được sự quan tâm, giáo dục của cán bộ nơi đây: “Mười mấy năm ở trại giam, tôi được chăm sóc tốt, ăn uống tốt. Thỉnh thoảng qua tivi được nhìn quê hương mình tôi lại khóc. Khi ra tù, việc đầu tiên tôi làm là về gặp mẹ, để xin lỗi mẹ, gia đình. Và nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại Việt Nam để du lịch và thăm lại các cán bộ quản lý nơi đây”.

Là phạm nhân nước ngoài thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, Chimechidike Ben cho biết, anh luôn nhận được sự quan tâm, giáo dục của cán bộ nơi đây

Là phạm nhân nước ngoài thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, Chimechidike Ben cho biết, anh luôn nhận được sự quan tâm, giáo dục của cán bộ nơi đây

Theo Ben, vụ vận chuyển ma túy của anh tương đối lớn, theo luật của Việt Nam, anh phải bị xử tử hình, nhưng vì là người nước ngoài nên anh được giảm xuống án Chung thân. Trong quá trình cải tạo ở đây, được sự giúp đỡ cán bộ trại, Ben cải tạo tốt nên được xem xét giảm án xuống còn 30 năm.

“Mỗi buồng giam có nội quy, tôi cố gắng chấp hành nội quy. Trong quá trình thụ án ở đây, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đại diện Đại sứ quán 1 năm lên thăm tôi 2 lần. Đợt này dịch bệnh phức tạp, đại sứ quán lên thăm 1 lần. Gia đình muốn lên thăm tôi nhưng tôi ngăn và động viên mọi người ko phải lên vì ở đây tôi được chăm sóc tốt”.

Trong quá trình thụ án ở đây, Chimechidike Ben làm công việc đan mây che. Ben làm rất tốt công việc này. Trong trại có hoạt động văn nghệ, thể thao, anh đều tham gia. Ben cho biết thêm, từ lúc bước chân vào Việt Nam, anh cũng như những người bạn của mình đều rất thích đất nước và con người Việt Nam, họ rất vui và thoải mái. Ở trong trại cũng thế, các anh em phạm nhân người Việt Nam có thức ăn ngon của gia đình mang lên đều chia sẻ cho các phạm nhân người nước ngoài.

“Cán bộ trại giam cũng vậy, rất quan tâm phạm nhân nước ngoài, có việc gì cũng ưu tiên cho chúng tôi”- Ben nói.

Phạm nhân nước ngoài cũng được giảm án, tha tù đúng quy định

Cũng là phạm nhân nước ngoài chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang, phạm nhân Cứ A Nhìa, SN 1986, quốc tịch Lào chịu mức án 7 năm 1 tháng tù giam về tội “Vận chuyển tang trữ trái phép chất ma túy”.

Vẻ ngoài khỏe mạnh, nước da hồng hào, Cứ A Nhìa là cha của 4 người con

Vẻ ngoài khỏe mạnh, nước da hồng hào, Cứ A Nhìa là cha của 4 người con

Vẻ ngoài khỏe mạnh, nước da hồng hào, Cứ A Nhìa là cha của 4 người con. Đứa lớn nhất đã 16 tuổi. A Nhìa cho biết, khi mới bị bắt, anh cũng chung tâm trạng như các phạm nhân nước ngoài chấp hành án tại đây. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, hoang mang, lo lắng không biết quá trình thi hành án mình gặp những khó khăn gì do bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau một thời gian cải tạo ai cũng yên tâm hơn.

“Tôi được giảm án 3 lần, lần 1 là 10 tháng, lần 2 là 14 tháng, lần 3 là 18 tháng. Còn hai lần giảm nữa là tôi được về với gia đình”- phạm nhân Cứ A Nhìa chia sẻ.

Trao đổi với PV VOV.VN Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, thông thường tất cả các phạm nhân có quốc tịch nước ngoài sang Việt Nam với rất nhiều mục đích khác nhau. Khi phạm tội, vào trại giam, những đối tượng này chưa biết nội quy, quy định pháp luật của Việt Nam trong công tác thi hành án. Có những phạm nhân rất hoang mang, chưa xác định được tư tưởng để chấp hành nghiêm nội quy trại giam, tham gia cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Phạm nhân Cứ A Nhìa đã được giảm án 3 lần và sắp được trở về quê hương.

Phạm nhân Cứ A Nhìa đã được giảm án 3 lần và sắp được trở về quê hương.

Qua công tác giáo dục, thuyết phục, các phạm nhân này dần dần thấy được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, cùng với sự quan tâm của Ban Giám thị, sau một thời gian họ hiểu và chấp hành tốt.

“Tại trại giam Vĩnh Quang, chúng tôi cũng đã làm hết sức mình, chuyển tải nội dung, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, những nội quy, quy định của pháp luật Việt Nam cho các phạm nhân nắm được để họ chấp hành tốt và hiểu được tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi phải vận dụng các hình thức tuyên truyền thông qua pano, áp phích… đặc biệt, phải tận dụng việc tuyên truyền qua phạm nhân người nước ngoài biết tiếng Việt và cùng quốc tịch”- Thượng tá Nguyễn Đức Phương nói.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang trao đổi với PV VOV.VN

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang trao đổi với PV VOV.VN

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Phương khi đã giáo dục, thuyết phục mà phạm nhân còn cố tình vi phạm nội quy trại giam, theo quy định đơn vị phải dùng biện pháp như khiển trách, cảnh cáo và các hình thức khác để làm sao đảm bảo được tính răn đe nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, cũng để cho phạm nhân nước ngoại chấp hành án tại trại giam thấy được, chấp hành tốt sẽ được thưởng và vi phạm sẽ bị kỷ luật. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xếp loại phạm nhân. Thượng tá Nguyễn Đức Phương khẳng định, tất cả phạm nhân cải tạo tại Trại giam Vĩnh Quang, ko phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo đều công bằng như nhau. Khi họ tham gia lao động, cải tạo tốt thì sẽ được giảm án./.

Nguyễn Hiền- Trọng Phú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/chuyen-it-biet-ve-nhung-pham-nhan-nuoc-ngoai-thu-an-tai-viet-nam-post942118.vov