Chuyện kể của một đầu cáp ngầm trong cơn bão số 5

Tôi - một đầu cáp ngầm thuộc địa bàn Điện lực Đông Hòa quản lý, không khỏi e ngại khi hay tin cơn bão số 5 cận kề. Ngay trong đêm đầu tiên bão hoành hành, mưa lớn kèm giông sét đã đánh trúng đầu, khiến tôi thương tích nặng nề. Ê ẩm toàn thân làm tôi mất khả năng chống cự và hỏng cách điện. Tôi lúc mê, lúc tỉnh giữa cơn mưa to gió lớn. Sự cố này đã làm mất điện toàn tuyến, gây ảnh hưởng đến 12.000 khách hàng. Tôi áy náy vô cùng!

 Lãnh đạo PC Phú Yên và Điện lực Đông Hòa đã có mặt kịp thời tại khu vực xảy ra sự cố

Lãnh đạo PC Phú Yên và Điện lực Đông Hòa đã có mặt kịp thời tại khu vực xảy ra sự cố

Tôi oằn mình ngay đường dây 22kV, trên vỉa hè của bác chủ nhà nhân hậu Đặng Thị Nồng – Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Ngay lập tức, các anh công nhân Điện lực Đông Hòa đã đến hiện trường, dùng xe cẩu đưa tôi vào nhà nghỉ ngơi và tận tình cứu chữa. Lúc ấy, trông tôi vô cùng thảm hại. Trong cơn mê, tôi nghe các anh bàn tán rất nhiều về nguyên nhân gây ra và phương án khắc phục kịp thời. Vết thương của tôi được các anh xem xét rất kỹ càng. Thương các anh phải chịu cảnh gió mưa, bác chủ nhà giữ các anh ở hẳn trong nhà để tiện cho việc cứu chữa cho tôi.

Chứng kiến sự quan tâm của bác chủ nhà đã cho mượn địa điểm và tạo mọi điều kiện cho các anh công nhân, tôi vô cùng xúc động. Nó khiến tôi bớt đau, cảm giác nhẹ nhàng lan tỏa. Mặc cho thiên nhiên cuồng nộ, điên cuồng gào thét bên ngoài, lắm lúc hắn lại sai từng cơn gió lớn luồn lách qua từng kẽ hở hòng giật tung tấm cửa sắt là nguồn bảo vệ cuối cùng cho anh em xử lý sự cố. Bỏ qua sự hung hãn của hắn, tình người trong cơn mưa bão giúp cho tôi cùng các anh cảm thấy vô cùng an toàn và ấm lòng.

Bác chủ nhà nhân hậu Đặng Thị Nồng đã luôn túc trực bên các anh công nhân xử lý sự cố

Bác chủ nhà nhân hậu Đặng Thị Nồng đã luôn túc trực bên các anh công nhân xử lý sự cố

Đau lắm nhưng tôi lơ mơ nghe bác chủ nhà trách: “Mưa to gió lớn trong đêm khuya thế này mà các chú công nhân vẫn phải sửa chữa điện. Để mai cũng được chứ! Ngày xưa thắp đèn dầu miết có sao đâu!”. Câu nói ấy của bác chủ nhà đã làm các anh công nhân cùng tôi ấm áp, an tâm và nỗ lực rất nhiều.

Bác chủ nhà đã huy động hết đèn dầu, đèn pin và thậm chí cả điện thoại để soi cho các anh công nhân băng bó và chữa vết thương cho tôi. Bác ấy lăng xăng hết việc nọ đến việc kia và liên tục hỏi các anh cần gì, cần giúp gì? Khi hỏi đến, bác ấy bộc bạch: “Mưa bão ai cũng cần ở nhà để lo cho gia đình. Chắc gia đình của các anh ấy cũng lo lắng lắm nên tôi giúp được gì thì giúp để công việc được hoàn thành sớm”. Cảm xúc chợt ùa về khi nghe bác ấy kể thêm: “Có anh gì già già mặc áo cam vàng ướt tầm tã và lạnh nên tôi đi nấu nước gừng cho các anh ấy uống!”. Khi chứng kiến các anh nhấp ngụm nước gừng, không được biết mùi vị thế nào nhưng sức ấm nóng cứ thế mà lan tỏa khắp không gian, xua tan đi cơn giá lạnh ngày càng một gia tăng.

20h đêm mà các anh vẫn còn cắt, còn đục, còn hàn. Các anh nâng niu tôi như thể biết tôi đang rất đau và ê ẩm. Tiếng rồ của máy phát điện dự phòng, tiếng trao đổi thảo luận của các anh công nhân, tiếng phà phà của máy hàn kèm tiếng gió rít hòa quyện như một bản hợp ca du dương đến hoàn hảo. Nó khiến các anh quên hết mệt mỏi, mải mê cứu chữa vết thương cho tôi mà không cần biết bên ngoài bão đã mạnh lên thế nào.

Anh Trần Thế Vĩnh – CBAT của Điện lực Đông Hòa – người đã đưa tôi từ vỉa hè vào nhà, chẩn đoán tình trạng bệnh tình và đề xuất biện pháp khắc phục. Tôi càng thấy áy náy hơn khi nghe anh Vĩnh bày tỏ cảm xúc, xác định nhu cầu cần thiết của người dân nên việc khắc phục được triển khai nhanh chóng. Mặc dù trời mưa to, việc xử lý đầu cáp ngầm khó khăn hơn nhưng được sự quan tâm của bác chủ nhà từ bát nước ấm đến ân cần hỏi han, các anh thợ điện vẫn hăng say làm việc.

Bữa cơm ăn vội với ổ bánh mì khô khốc của các anh công nhân

Bữa cơm ăn vội với ổ bánh mì khô khốc của các anh công nhân

Được các anh chăm sóc tận tình, tôi dần tỉnh hẳn và hé mắt nhìn xung quanh. Ôi! Kia là ổ bánh mì còn dang dở, kia là chiếc bánh bao đã nguội hẳn và khô khốc, kia là những chiếc bánh ngọt xen lẫn những chai nước lọc uống dở. Nhìn sang phía cửa, các anh công nhân ướt sũng đang báo cáo sự việc cho lãnh đạo PC Phú Yên; nhìn sang bên cạnh, hai anh công nhân đang nhai ngấu nghiến ổ bánh mì chữa cháy; và trước mặt, 6 anh công nhân đang chụm vào nhìn tôi và mỉm cười vì thấy tôi chuyển sắc. Quang cảnh xung quanh làm tôi òa khóc vì thương các anh quá! Chỉ vì mình mà đã làm ảnh hưởng cho khách hàng và mang thêm vất vả cho các anh. Và một gương mặt làm tôi thêm phấn chấn, đó chính là Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Khoa Trình. Anh đã lặn lội mưa bão từ công ty sang để chỉ đạo khắc phục, thăm hỏi và động viên anh em. Bản thân người ướt sũng nhưng anh lại lo lắng hỏi han tôi và mọi người. Chỉ với sự quan tâm về bữa tối, về nước uống, về tình hình mưa bão cùng chỉ đạo quyết liệt phải khắc phục sớm nhất cho khách hàng có thể, tôi và mọi người xúc động và những nỗ lực lại được nhân lên gấp bội.

Nhìn các anh như các y tá thực thụ đang nhẹ nhàng, dịu dàng băng bó vết thương cho tôi, lúc thì dùng băng keo, lúc thì khò lửa “ủ ấm”. Anh Trương Hồng Nam nhắc nhỏ tôi rằng, tý nữa phải tiếp tục chống chọi với mưa bão, em hãy vững tinh thần nhé! Và rồi, với sự tận tình cứu chữa, tôi đã dần tỉnh hẳn và rạng rỡ với 03 nhánh hoa mang sắc cam ấm áp nhưng rất mạnh mẽ, phi thường.

Sự quan tâm của Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Khoa Trình (áo xanh) đã gia tăng thêm niềm tin và nỗ lực hơn trong việc xử lý sự cố

Sự quan tâm của Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Khoa Trình (áo xanh) đã gia tăng thêm niềm tin và nỗ lực hơn trong việc xử lý sự cố

Gió ngoài kia vẫn cứ mạnh, cánh cửa sắt vẫn phải gồng mình lên mỗi lúc một nhanh để che chở cho các anh. Dường như không gì có thể ngăn cản được tinh thần làm việc của các anh, vừa trò chuyện lại vừa pha trò, anh Vĩnh cho biết thêm, các anh coi khắc phục sự cố trong mưa bão như làm hòa với “người bạn đời”. Các anh biết, bão đổ bộ vào ban đêm nên người dân rất khó khăn trong sinh hoạt và ứng phó với mưa bão nên lúc nào cũng là tinh thần khẩn trương. Bởi vậy, tôi không cần phải ngạc nhiên khi các anh tìm hiểu kỹ vết thương, hỏi han kỹ càng và chăm chút cẩn thận nhưng rất nhanh chóng.

Không chần chừ khi vết thương của tôi đã được chữa lành, anh Vĩnh hô to: “Các anh em chuẩn bị đèn pin và các vật dụng cần thiết, lên xe chuẩn bị đóng điện”. Thế là, không ai bảo ai, mỗi người một công việc. Tôi biết, các anh phải là những công nhân được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp thì mới xử lý sự cố một cách cẩn thận và kịp thời như vậy, nhất là trong thời tiết mưa gió bão bùng lúc này. Lời nhắc nhở “An toàn là trên hết” của anh Phạm Thế Pháp – Giám đốc Điện lực Đông Hòa luôn đồng hành cùng công nhân trong khắc phục sự cố.

Gần 22h đêm, các anh lại nâng niu và giúp tôi bám chặt vào đường dây điện. Nhờ các anh mà tôi cảm thấy khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng. Với tinh thần phấn chấn, tôi quay lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Cần cẩu được từ từ hạ xuống, bóng dáng các anh dần khuất trong màn đêm vẫn dữ dội của những mưa và gió để khắc phục tại các địa điểm khác. Tôi thầm chúc cho các anh nhiều sức khỏe và vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo dòng điện sáng đến muôn nơi!

Hoa Hồng (EVNCPC)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-ke-cua-mot-dau-cap-ngam-trong-con-bao-so-5-555095.html