Chuyện kể của Thiếu tướng Nguyễn An

Thiếu tướng Nguyễn An (1924-2004), bí danh Vũ Quân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Khi nghỉ công tác, ông và gia đình về sống tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 40 năm quân ngũ, đồng chí Nguyễn An đã đảm nhiệm nhiều trọng trách, nhất là trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ấy vậy mà, lúc sinh thời ông rất kiệm lời về mình. Mỗi lần được hỏi, ông thường dành phần lớn thời gian kể những câu chuyện về các thủ trưởng, người đồng đội ông trân quý. Câu chuyện tôi được nghe về đồng chí Trần Đăng Ninh(1910-1955), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) mà tôi cũng có một thời gian ngắn vinh dự được phục vụ dưới đây là một ví dụ.

Thiếu tướng Nguyễn An kể với tôi: "Tôi vốn là cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng đi phục vụ Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin vào gặp Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh, báo cáo đề nghị được trở về cơ quan cũ. Vừa bước vào lán, tôi vừa định trình bày ý kiến thì anh giơ một tay lên như người xin phát biểu và nói: "Anh chưa được nói vì tôi chưa nói hết. Anh nói là vi phạm quyền dân chủ phát biểu của tôi!". Rồi anh hơi mỉm cười, quay sang anh Đinh Đức Thiện-Cục trưởng Cục Vận tải (sau là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đang ngồi bên cạnh và nói tiếp: “Về anh An, tôi theo dõi thấy có nhiều điểm thích hợp với yêu cầu của công tác vận tải. Như tôi đã nói chuyện với anh, nay đợi anh An báo cáo xong, tôi sẽ giới thiệu về công tác ở chỗ anh". Anh Thiện cười to thể hiện sự nhất trí. Lúc bấy giờ anh Ninh mới xòe tay về phía tôi: “Bây giờ thì mời anh nói". Tôi đang hoang mang vì bị bất ngờ, các nội dung đã chuẩn bị đều đảo ngược nên đành chống đỡ qua loa: "Vâng, thưa anh, nếu đã có quyết định của tổ chức thì tôi xin phục tùng!". Anh Ninh cười vui vẻ, anh Thiện thì đứng dậy bắt tay tôi chào hẹn gặp ở Cục Vận tải.

Thiếu tướng Nguyễn An (1924 - 2004).

Thiếu tướng Nguyễn An (1924 - 2004).

Từ ngày ấy, tôi có nhiều dịp được làm việc bên cạnh đồng chí Trần Đăng Ninh. Tôi luôn thấy ở anh sự sâu sát, quyết liệt. Đặc biệt, trong cách giao nhiệm vụ, nhất là việc đôn đốc thực hiện có những nét mạnh mẽ, gây ấn tượng khác thường. Tôi còn nhớ có lần lên báo cáo, chứng kiến việc anh Ninh bắt ghi nội dung một cuộc điện thoại thành công điện đọc trực tiếp cho người nhận là anh Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Cao Bằng nghe. Bức điện mở đầu bằng câu: "Kính gửi ông Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Cao Bằng. Tôi lạy ông, xin ông điều động người đi sửa ngay con đường Lê Tổ (mật danh - NBT) như tôi đã quy định!...".

Việc sửa con đường Lê Tổ này, anh Ninh đã ra lệnh từ tuần trước. Vậy mà hôm ấy trực tiếp đến kiểm tra anh thấy lệnh đã không được chấp hành. Ngay buổi tối về anh phải điện đôn đốc trực tiếp với lời lẽ quyết liệt như trên. Anh Ngô Vi Thiện lúc đó là Bí thư (tức thư ký) của anh không dám đọc, ngập ngừng báo cáo điện như vậy không tiện. Anh Ninh quắc mắt bảo anh Thiện: "Anh sợ thì đưa anh Chiêm đọc cho anh Hồng Kỳ nghe!". Anh Vũ Xuân Chiêm mới được điều từ Huế ra làm Trưởng ban Chính trị Phòng Cung cấp của Tổng cục, nghe anh Ninh chỉ thị liền cầm lấy máy và đọc nguyên văn lời của anh Ninh cho anh Hồng Kỳ nghe.

 Đồng chí Trần Đăng Ninh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới tháng 10-1950. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Đăng Ninh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới tháng 10-1950. Ảnh tư liệu

Điện trực tiếp đến tai người nhận và ngay chiều hôm sau, anh Hồng Kỳ leo lên nhà sàn, cổ quàng chiếc khăn len xù, khoác chiếc áo ca-pốt vừa ôm bụng vừa xuýt xoa báo cáo với anh Ninh: "Báo cáo anh, tôi xin lỗi. Mấy hôm nay tôi vừa bị sốt rét, lại bị cái dạ dày nó hành nên không trực tiếp đi đôn đốc sửa đường được. Hôm qua nhận được điện của anh, tôi toát hết cả mồ hôi, vội lên ngựa ra ngay công trường, nay báo cáo anh, đã sửa xong rồi!". Anh Ninh cười vui vẻ, mời anh Hồng Kỳ chén rượu nhẹ cho ấm bụng. Ai không biết, tưởng như bức điện gay gắt mới đây chưa hề có. Chuyện này chúng tôi cũng không lần nào còn thấy anh Ninh nhắc lại.

Một sự việc khác được trực tiếp chứng kiến tôi cũng không bao giờ quên. Hôm ấy vào khoảng 10 giờ sáng, anh Ninh gọi điện thoại trực tiếp cho anh Đinh Đức Thiện yêu cầu lên ngay Tổng cục, mà không nói rõ lý do triệu tập. Khi ấy Tổng cục ở vùng Yên Thông còn Cục Vận tải ở vùng Phố Đu, cách nhau hàng chục cây số đường rừng. Anh Thiện vào, mới chào hỏi xong thì anh Ninh tự mình đi vào trong mang ra một đĩa sứ to, đặt phịch lên mặt bàn trước mặt anh Thiện: "Đây, mời anh "văng" hết cả ra đây cho tôi. Tôi là người phụ trách anh nên tôi phải tiếp nhận chứ không phải là cán bộ, chiến sĩ dưới quyền anh phải chịu đựng!".

 Đồng chí Đinh Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) thăm vùng giải phóng Lộc Ninh, năm 1973. Ảnh tư liệu

Đồng chí Đinh Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) thăm vùng giải phóng Lộc Ninh, năm 1973. Ảnh tư liệu

Nghe vậy, anh Thiện thấy sự việc có vẻ khá nghiêm trọng nhưng chưa đoán ra cụ thể là chuyện gì và sao lại đến tai Chủ nhiệm Tổng cục. Tôi và anh Ngô Vi Thiện đã biết sự tình cứ bấm nhau cười thầm nhưng cũng không dám lộ diện để tránh “vạ lây”. Lần này, anh Ninh sắp giao nhiệm vụ cử anh Thiện đại diện cho Tổng cục Cung cấp phụ trách ở một hướng Chiến dịch Tây Bắc, cho nên trước khi đi xa ông muốn sửa sang đôi chút tính khí của đồng chí Đinh Đức Thiện.

Anh Thiện gãi gãi tai, cười nhẹ: "Em có gì đâu mà đưa ra ạ. Với lại cái đĩa của anh cũng to quá!". Anh Ninh cau mặt nói: "Anh là chúa hay nói tục tĩu! Anh hay văng những "chất đạm" vào tai anh em. Tôi là thủ trưởng trực tiếp của anh, tôi chẳng chịu thì còn ai?". Thấy chiến thuật "nửa nạc nửa mỡ" của mình có vẻ khó trôi, anh Thiện liền đổi thái độ: "Vâng, quả là đôi lúc tôi có nóng nảy với anh em, hôm nay xin nhận lỗi trước anh. Sau này tôi sẽ cố gắng sửa!".

Và quả đúng là sau lần ấy, anh Thiện có cố gắng sửa chữa nhiều về thái độ cùng lời lẽ, thỉnh thoảng có "bột phát” nhưng lại cố gắng hết sức tự kiềm chế. Anh em cấp dưới chúng tôi dễ thở hơn nhiều và ai cũng thầm cảm ơn sự “cao tay” của Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh.

Đến đầu năm 1953, tôi lại được triệu tập lên Tổng cục để chuẩn bị cho Chiến dịch Thượng Lào. Thông thường giao nhiệm vụ cho cấp trung đoàn như chúng tôi là chức trách của Cục trưởng Cục Vận tải, nhưng hôm ấy anh Trần Đăng Ninh muốn trực tiếp hỏi tôi sâu thêm một số điểm về tổ chức trạm vận tải tiếp sức. Mới ngồi vào bàn, anh Ninh hỏi tôi ngay về những khuyết điểm chính dẫn đến thất bại của tuyến vận chuyển chi viện Khâu Vác (hay Khau Vác) thuộc tỉnh Yên Bái, nơi mà lực lượng dân công đông nhất trong Chiến dịch Tây Bắc hồi cuối năm 1952. Tôi tự nhận khuyết điểm chính là ở khâu tổ chức thực hiện do tôi trực tiếp chỉ đạo như: Chưa nghiên cứu kỹ đường đi, tính toán số trạm không sát, mệnh lệnh công tác chính trị với dân công không được tốt... Anh Ninh nghe, lúc đầu còn chăm chú, sau giảm dần sự quan tâm. Tôi cảm thấy điều đó nên cũng từ từ kém hào hứng, ngắn ngừng rồi tự động "phanh" lại. Anh Ninh thở dài bảo tôi: "Nói như sách vở đã tổng kết rồi. Đúng là có cả đấy, nhưng thật ra chưa trúng và cũng chưa sâu!".

Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh (thứ hai, từ phải sang) cùng cán bộ và cố vấn Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh do tác giả cung cấp

Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh (thứ hai, từ phải sang) cùng cán bộ và cố vấn Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh do tác giả cung cấp

Nhẹ nhàng nhận xét vậy, xong anh tiếp tục hỏi tôi cụ thể về việc đi khảo sát đường Khâu Vác ai đi, thời gian khảo sát được bao lâu... Thấy anh quan tâm hơn và cũng bình tĩnh nghe, nên tôi đã trình bày thật thà: "Thưa anh, trong một buổi làm việc thân mật và nghiêm túc như hôm nay, xin phép anh cho được cải chính là không hề có việc "khảo sát đường sá" như trước đây đã làm trong các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám. Ta chỉ đi trên đường theo đoàn cán bộ trinh sát cho mặt trận Nghĩa Lộ. Mình phụ thuộc vào người ta, cả về đường đi và thời gian vì không có ai dẫn đường và bảo vệ riêng cho trinh sát vận tải". Anh Ninh gật gù nói nhỏ nhẹ: "Đối với vận tải, thì cầu đường là vấn đề sinh tử, thế mà lại không khảo sát kỹ lưỡng thì đặt trạm làm sao, bố trí dân công thế nào cho đúng… Thế thì thất bại là đúng rồi!".

Rồi anh nhìn tôi, chậm rãi nói: "Ta phải nói thẳng với nhau, đây là sai lầm về chủ trương. Việc lựa chọn phương thức tổ chức vận tải cho tuyến này, ngay từ chủ trương đã là không thích hợp. Đáng lẽ không được phê chuẩn cho tổ chức vận tải trên tuyến Khâu Vác theo phương pháp này. Đây là khuyết điểm của Tổng cục, của tôi là chính! Anh về động viên anh em, chuyến này ta quyết “trả thù Khâu Vác nhé”.

Tác giả - Đại tá Nguyễn Bội Giong kể chuyện cho bạn trẻ yêu lịch sử. Ảnh: TUẤN TÚ

Tác giả - Đại tá Nguyễn Bội Giong kể chuyện cho bạn trẻ yêu lịch sử. Ảnh: TUẤN TÚ

Thiếu tướng Nguyễn An dừng câu chuyện trong sự xúc động, nghẹn ngào khi nhắc tới thái độ nhìn thẳng vào sự thật của anh Trần Đăng Ninh, bao dung nhận lấy phần khuyết điểm về mình chứ không đổ lên đầu cấp dưới. Cá nhân tôi, cho đến nay, hơn 70 năm đã đi qua từ ngày đầu được gặp các anh Nguyễn An, Trần Đăng Ninh, Đinh Đức Thiện, trong công tác của tôi cũng như đời sống riêng tư có biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc. Nay các anh đều đã về với thế giới người hiền nhiều năm, nhưng phong cách làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao và câu chuyện các anh kể không lúc nào rời khỏi ký ức của tôi.

Đại tá NGUYỄN BỘI GIONG (nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chuyen-ke-cua-thieu-tuong-nguyen-an-751262