Chuyện kể của Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1915 - 1982), Cục trưởng Cục Quân y (sau này là Thiếu tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế) đảm nhiệm trọng trách là Trưởng ban Quân y Chiến dịch. Ông đã đề xuất với Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh huy động một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế vào phục vụ chiến dịch, góp phần quan trọng vào việc kịp thời cứu chữa thương binh, bệnh binh để họ sớm khỏe mạnh trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Bệnh viện trong lòng đất

Bác sĩ Vũ Văn Cẩnlà người tổ chức và chỉ đạo các lực lượng quân y tham gia phục vụ trong tất cả các chiến dịch lớn của Quân đội ta và cũng là người góp phần không nhỏ vào sự trưởng thành của ngành dân y. Được đào tạo y khoa chuyên ngành mắt dưới chế độ thực dân Pháp, ông bước vào cuộc đấu tranh cách mạng từ phong trào của lớp trí thức tìm đường đấu tranh cho độc lập dân tộc với những hoạt động sôi nổi trong Tổng hội sinh viên yêu nước. Vũ Văn Cẩn tham gia viết bài cho tờ báo “Tiếng gọi sinh viên”, đặc trách mục “Truyền bá vệ sinh và tân y dược học” của Tạp chí Thanh Nghị - tờ báo có tiếng của giới tri thức Việt Nam lúc ấy. Ông cũng có những đóng góp hết sức tích cực trong việc vận động sinh viên, học sinh tham gia vào phong trào truyền bá Quốc ngữ, tuyên truyền nếp sống vệ sinh trong các tầng lớp nhân dân lao động.

Thiếu tướng, bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1915 - 1982).

Thiếu tướng, bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1915 - 1982).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bác sĩ Vũ Văn Cẩn gia nhập Quân đội, được cử làm Giám đốc Ban y tế Giải phóng quân, rồi Giám đốc Ban y tế Vệ quốc đoàn toàn quốc. Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 35/SL bổ nhiệm ông làm Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên. Từ đây, bằng tài năng và trí tuệ của mình, ông hết lòng cống hiến, phụng sự cho sự nghiệp phát triển ngành y tế nước nhà.

Cho đến năm 1954, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Vũ Văn Cẩn, Cục Quân y đã phát triển từ không đến có, liên tục trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo tổ chức bảo đảm quân y cho chiến đấu. Hệ thống lý luận về y học quân sự cũng đã được hình thành, từ việc bảo đảm quân y cho đánh tiêu diệt một cứ điểm độc lập có trên dưới một tiểu đoàn địch, đến bảo đảm thắng lợi quân y cho một chiến dịch tiến công trận địa, hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm mạnh, phức tạp, kiên cố của địch...

Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

“Về cuộc đời của cha tôi, nhiều người đã được biết qua các cuộc hội thảo và báo chí. Tôi không nhắc lại nữa, chỉ xin chia sẻ kỷ niệm tôi từng được nghe ông kể khi còn sống về những ngày ở Điện Biên Phủ” - Đại tá, PGS, TS Vũ Điện Biên, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con trai của Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn bắt đầu câu chuyện trong một lần trò chuyện với chúng tôi.

Theo lời kể cho con trai của đồng chí Vũ Văn Cẩn, cuối tháng 1-1954, sau khi có lệnh kéo pháo ra, trong các đơn vị không khí phấn khởi ban đầu tạm thời lắng xuống. Một số không ít đồng chí lo ngại, dao động. Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ chỉ thị, các chi bộ Đảng trong toàn quân, bao gồm cả Cục Quân y tiến hành một cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi tư tưởng bi quan và thấm nhuần phương châm tác chiến mới “đánh chắc, tiến chắc”. Sau đó toàn ngành làm những công việc thiết thực để chuẩn bị tác chiến.Từ sở chỉ huy Ban Quân y tiền phương, bác sĩ Vũ Văn Cẩn xuống Đội điều trị 1 để nghiên cứu việc đưa các đội điều trị ra hỏa tuyến nhằm kịp thời cứu chữa, giảm bớt sự đau đớn, mất mát của thương binh, giúp anh em được hồi phục nhanh nhất có thể.

Trưởng ban Quân y chiến dịch Vũ Văn Cẩn cùng các cộng sự phác thảo kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất, sau đó giao anh chị em trong cơ quan bắt tay vào thực tập. Ông kể: “Đào một lần không được thì đào thêm lần nữa! Đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Xong lại xoay ra đào hầm lộ thiên, rồi lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hào tỏa khắp xung quanh, lại làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Một bệnh viện trong lòng đất đã hình thành. Các đội điều trị trên toàn mặt trận được mời về tham quan, rút kinh nghiệm”.

Hết lòng vì thương binh

Cho tới đầu tháng 3-1954, tất cả các đội điều trị trên tuyến 1 của chiến dịch đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm. Mỗi nơi có ít nhất một phòng mổ với hai bàn. Có nơi còn xây dựng thêm phòng mổ thứ hai, đề phòng khi bị bom đạn địch phá hủy.

Các đội điều trị trực thuộc Ban quân y mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến; có nhiều đội còn bố trí trong tầm đại bác địch. Các đội điều trị đại đoàn thì càng đóng quân gần bộ đội hơn. Từ đó, có những đường hào trục dẫn đến các trung đoàn. Các đội quân y trung đoàn cũng trở thành những bệnh viện trong lòng đất với quy mô nhỏ hơn. Cũng thời gian đó, các đội tải thương lo việc chuẩn bị hàng nghìn cáng, võng. Còn các tổ quân y ở tiểu đoàn, đại đội thì lo tập dượt cho chiến sĩ biết cách cơ bản cứu chữa đồng đội bị thương. Các chiến sĩ cũng được cấp băng cá nhân và học cách sử dụng.

“Thật không thể đong đếm hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và dân công đã đổ vào các công trình to lớn ấy” - giữa chừng câu chuyện, Đại tá Vũ Điện Biên không khỏi cảm thán. Ông nhớ, bác sĩ Vũ Văn Cẩn nhiều lần tự hào kể rằng, nhờ có sự chuẩn bị, huấn luyện kỹ lưỡng, sắp xếp bảo đảm ở các cấp để mỗi chiến sĩ khi bị trúng đạn lập tức được băng bó trong vài phút. Trong vòng nửa giờ sẽ được y tá săn sóc. Trong vòng ba, bốn giờ sẽ được đưa vào phòng mổ của trung đoàn và khoảng 4 giờ sau sẽ về tới đội điều trị có trình độ kỹ thuật cao hơn... mà quân y của ta đã giảm thiểu được khá nhiều thương vong cho bộ đội.

Ngày 13-3, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ với trận tiêu diệt cứ điểm Him Lam. "Bộ máy phức tạp" của quân y mặt trận bắt đầu hoạt động. Nhưng không phải chỉ có sự tinh vi của bộ máy đó đã phát huy tác dụng. Điều chủ yếu là bộ máy ấy đã chạy bằng nhịp đập của hàng ngàn trái tim. Chính tinh thần anh dũng, tận tụy của các đồng chí quân y đã cứu sống nhiều chiến sĩ. Ngay trong trận Him Lam, y tá Lương Văn Vọng (người Tày ở Cao Bằng, là một chiến sĩ mới đào tạo thành y tá) đã nêu một tấm gương sáng ngời trong thực hiện lý tưởng cao quý quên mình vì đồng đội.

 Đại tá Vũ Điện Biên (bên trái) đại diện gia đình nhận bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân truy tặng bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Ảnh chụp lại

Đại tá Vũ Điện Biên (bên trái) đại diện gia đình nhận bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân truy tặng bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Ảnh chụp lại

Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn kể với con trai, ông gặp y tá Vọng trong hội nghị tổng kết công tác quân y sau đợt 1 chiến dịch, khi vết thương trên người anh mới lành, vẫn chưa khỏi hẳn. Tại đây, anh đã kể lại công việc của mình trong trận đánh quyết liệt của đơn vị. Vọng đã xông xáo trong làn mưa đạn đại bác và liên thanh, lao đến bất cứ nơi nào có thương binh. Bị thương lần thứ nhất, anh tiếp tục làm nhiệm vụ. Bị thương lần thứ hai vào bụng, anh không chịu buộc vết thương của chính mình vì muốn để dành mấy cuộn băng cuối cùng cho chiến sĩ. Lúc không còn cuộn băng nào nữa, anh nhảy vào hầm địch tìm. Khi cần thiết, anh đã cầm lấy tiểu liên và thủ pháo, tiến công tiêu diệt một ụ súng máy của địch bảo vệ đồng đội bị thương nằm ngay trước mũi súng địch. Anh đã làm đầy đủ nhiệm vụ của một quân y và một chiến sĩ.

“Từ những câu chuyện cha kể đã nuôi dưỡng trong tôi mong muốn được trở thành bác sĩ, góp sức lực và trí tuệ vào công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội cũng như xây dựng nền y tế nước nhà. Rất mừng là tôi đã thực hiện được điều đó!” - Đại tá Vũ Điện Biên nói.

BẢO LINH - SONG THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chuyen-ke-cua-thieu-tuong-vu-van-can-790938