Chuyện kể về một 'thợ rừng'

Đến bản Nà Luông, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên hỏi ai cũng biết về 'thợ rừng' Lương Văn Đúc. Ông Đúc không chỉ nổi tiếng về tài đi rừng mà còn là một 'điển hình' về ý chí kiên cường, không khuất phục trước khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

30 năm bám rừng

Ngôi nhà sàn mới của gia đình ông Đúc.

Ngôi nhà sàn mới của gia đình ông Đúc.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Văn Đúc, 52 tuổi, người Tày ở bản Nà Luông, xã Nghĩa Đô vào một buổi chiều áp Tết. Mặc dù đã được người dân địa phương cảnh báo trước vì thời điểm này ông Đúc ít khi ở nhà, bởi hai vợ chồng ông đang trong thời gian bận rộn nhất trong năm nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường.

Ngôi nhà sàn mới hoàn thành của ông Lương Văn Đúc còn đậm mùi sơn nằm ngay cạnh tuyến đường bê tông vào bản. Những vạt nắng xuân hắt xuống càng khiến ngôi nhà sàn truyền thống sáng rực lên. Đúng như lời “cảnh báo” của người dân trong bản, nhà ông Đúc cửa đóng, then cài dù mặt trời đã gần xuống núi. Trong khi chờ đợi vợ chồng ông Đúc từ rừng về, chúng tôi may mắn gặp được người anh trai của ông. Qua lời kể, chúng tôi được biết, do nhu cầu sử dụng măng khô của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, hai vợ chồng ông Đúc “chót” nhận nhiều đơn đặt hàng nên phải vào rừng lấy măng cho đủ số lượng để kịp giao cho khách.

Chờ đến lúc mặt trời đã khuất sau núi, tôi mới thấy vợ chồng ông Lương Văn Đúc cùng hai bao tải to buộc sau xe máy đỗ xịch ngay trước sân nhà. Không cần hỏi chúng tôi cũng biết trong hai cái bao tải kia là măng nứa, bởi mùi măng tươi tỏa ra thơm phức. Vừa kịp chào chúng tôi, ông Đúc đã nhanh tay bê hai bao tải măng nứa ra bể nước gần đó để ngâm. Trong lúc đó, vợ ông Đúc vào bếp nhóm lửa, bắc lên bếp một nồi nước to, chuẩn bị luộc măng. “Măng nứa khi hái về phải được ngâm vào nước lạnh để không bị thâm, sau đó rửa sạch và cho vào luộc. Luộc măng xong thì bổ đôi, cứa nhiều đường dọc theo thớ măng rồi đem phơi cho khô”, ông Lương Văn Đúc nói.

Bên bếp lửa đỏ rực, nồi nước luộc măng sôi sùng sục càng khiến mùi thơm đặc trưng của măng nứa rừng quyến rũ. Quơ tay đảo cho măng chín đều, ông Lương Văn Đúc chia sẻ: “Không chỉ vào rừng hái măng, thị trường và nhu cầu của khách hàng cần gì thì hai vợ chồng tôi lại vào rừng kiếm thứ ấy. Từ bông chít, lá dong, sợi bòng bong, mật ong rừng… năm này qua năm khác, cứ như vậy gia đình tôi theo nghề này đã gần 30 năm”.

Mưu sinh từ rừng

Kiểm tra măng khô trước khi giao đến tay người tiêu dùng.

Kiểm tra măng khô trước khi giao đến tay người tiêu dùng.

Nhấp một chén chè dây tỏa hương thơm ngát hái từ rừng về, ông Đúc bộc bạch: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1992 tôi trở về quê hương xây dựng gia đình. Do hoàn cảnh gia đình đông anh em, không ai được học đến nơi đến chốn, trong khi đất đai trồng trọt lại ít, vì thế cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều đêm bàn bạc, suy nghĩ, vợ chồng tôi quyết định dựa vào rừng để kiếm sống.

Thế rồi, vào một sáng mùa hè năm 1992, ông Đúc cùng vợ trẻ gói gém hành trang để vào rừng kiếm sống. Mỗi lần đi như vậy, vợ chồng ông Đúc phải dựng lán ở trong rừng ít nhất nửa tháng, nhiều là một tháng. Những sản phẩm từ rừng sau khi hái lượm về được sơ chế, phơi khô ngay tại lán. Lúc nào sản phẩm khô đã tích được nhiều thì gánh bộ hơn chục cây số đường rừng mang về chợ bán. Cứ như vậy, hơn bốn năm sau, vợ chồng ông cóp đủ tiền, mua được xe đạp, ti vi đen trắng, làm được nhà kiên cố, cưới được vợ cho anh trai và các em.

Để cho ba đứa con được học hành đầy đủ, vợ chồng ông Đúc tiếp tục duy trì việc đi rừng thu hái. Trước đây, khi đường chưa được mở, chưa có xe máy, hai vợ chồng đi bộ hơn chục cây số mới đến lán. Từ khi mua được xe máy, đường đã được mở đến cửa rừng thì chỉ đi về trong ngày. Từ ngày làm được nhà mới, mua được hơn hai héc ta đất trồng quế, nuôi được người con trai học xong đại học và có việc làm tại một công ty nước ngoài ở Hải Phòng, thời gian đi rừng của hai vợ chồng ông cũng thưa dần. Nói đến đây, hai vợ chồng ông Đúc cười và bảo: “Tôi giờ cũng đã lớn tuổi, sức khỏe không còn được như xưa, lúc nào nhớ rừng và thèm sản vật từ rừng thì mình mới vào rừng”.

“Rừng thiêng, nước độc”

Khi được hỏi về biệt danh “thợ rừng” mà người dân trong vùng đặt cho mình, ông Đúc và vợ nhìn nhau cười lớn. Theo ông Đúc, chắc là do hai vợ chồng ông đi rừng nhiều, thạo rừng hơn người khác nên mọi người mới gọi như thế. Dù thạo việc đi rừng nhưng nhiều lần hai vợ chồng ông cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, đôi khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc.

Ông Lương Văn Đúc kể lại, việc đi rừng gặp phải thú dữ, rắn độc, hay bị sốt rét rừng, mưa rừng bủa vây là chuyện không hiếm. Nhưng với kinh nghiệm của ông bà để lại, kinh nghiệm đúc kết được trong thực tế nên mỗi lần chạm trán với hiểm nguy, ông bà đều bình tĩnh hóa giải.

Ông Đúc nhớ lại lần đối mặt với “tử thần” trên rừng. Lần đó, khi trèo lên cây lấy mật ong, trong lúc đang cầm dao cắt bầu mật, ông Đúc bị đàn ong tấn công. Vì bị ong đốt quá nhiều, theo quán tính tự nhiên, ông dùng tay xua đuổi đàn ong mà quên mất mình đang ở trên ngọn cây, vậy là ông Đúc bị rơi từ trên ngọn cây cao xuống đất. Cứ tưởng là chết rồi nhưng may mắn thay, trong lúc rơi, ông được mấy sợi dây rừng níu đỡ nên thoát chết. Sau lần “chết hụt” đó, trong tiềm thức của mình, ông Đúc và vợ tin rằng các vị “thần” rừng luôn âm thầm che chở, bảo vệ và giúp đỡ mình.

“Sống nương tựa vào rừng nên mình cũng phải ra sức bảo vệ rừng. Ngoài những sản phẩm khai thác bán ra thị trường, gần 30 năm nay, vợ chồng tôi chưa bao giờ săn bắt thú rừng, không chặt phá cây rừng. Thậm chí, những bụi nứa, bụi chít sau khi thu hái xong, hai vợ chồng tôi đều tỉa tót, phát quang cho chúng phát triển tốt hơn, thuận lợi hơn cho việc thu hái lần tới”, ông Đúc tâm sự.

Gần 30 năm bám rừng thu hái sản vật từ rừng, đến nay, ngoài thời gian đi rừng, hai vợ chồng ông còn chăm chút cho hai héc ta quế đã đến thời kỳ bán tỉa, dành nhiều thời gian hơn quây quần bên con, cháu. Chuyện vào rừng của “thợ rừng” bây giờ chỉ là những khi nhớ rừng mà thôi.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352742-chuyen-ke-ve-mot-tho-rung