Chuyện khởi nghiệp của những phụ nữ trẻ vùng nông thôn

Từ nỗ lực của bản thân, sự chăm chỉ học hỏi, tiếp cận và ứng dụng công nghệ, những phụ nữ trẻ vùng nông thôn đã làm chủ được công việc của mình và phát huy hiệu quả

Chị Thảo trong lần đi Hà Nội nhận tuyên dương vào tháng 10.2023.

Chị Thảo trong lần đi Hà Nội nhận tuyên dương vào tháng 10.2023.

Là những phụ nữ nông thôn, nhiều năm làm công nhân tại các khu công nghiệp, các chị dự định “an phận” với công việc này. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, có chị nghỉ việc và chọn con đường kinh doanh. Dù gặp không ít khó khăn, họ vẫn nỗ lực, kiên trì tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.

Khởi nguồn cảm hứng

Gần 6 năm, nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, chị Phạm Thị Thu Thảo (ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) có chút khó tin. Khởi đầu với 250.000 đồng, người mẹ trẻ vốn là người yếu thế đã xoay chuyển ngoạn mục từ người thất nghiệp thành có việc làm ổn định, lo cho gia đình và tạo được việc làm cho nhiều phụ nữ ở quê.

34 tuổi đời, ngần ấy thời gian chị Thảo phải sống với sự mặc cảm do bị khiếm khuyết về giao tiếp bẩm sinh. Nhưng khi kể về hành trình khởi nghiệp, những câu nói đôi khi nghèn nghẹn, đứt quãng không hoàn chỉnh cũng không làm giảm bớt sự hào hứng của chị.

Năm 2018, sau khi sinh con đầu lòng, do hoàn cảnh gia đình, chị Thảo đành bỏ việc làm công nhân đã gắn bó 5 năm. Số tiền dành dụm vơi dần khiến bà mẹ trẻ lo lắng vì ám ảnh thất nghiệp. Chị Thảo nhớ lại: “Tôi cầm 250.000 đồng, số tiền cuối cùng còn lại trong người rồi ra chợ mua 5kg bánh tráng vụn và 1kg muối”.

Hành trình khởi nghiệp của bà mẹ trẻ bắt đầu từ đó. Chị Thảo mượn thêm ít tiền mua bánh, miệt mài suốt hai ngày cũng có được mớ hàng gửi xuống Thành phố Hồ Chí Minh nhờ một người bạn bán giúp. Số tiền đầu tiên nhận về khiến chị vui sướng và bất ngờ lắm. “Sau hai ngày làm việc, tôi kiếm được số tiền gấp đôi, nhiều hơn so với những công việc trước đây”- chị Thảo nói.

Sẵn đà, chị lại tiếp tục với những đơn hàng tiếp theo. Sau đó là những ngày chị đi khắp nơi để tìm những loại bánh khác nhau về nếm thử, chế biến. Đến giờ, chị tự tin nói: “Tôi thật sự biết ơn những lời góp ý, chê bai lúc đó để mình kịp thời điều chỉnh cho ra những vị bánh ưng ý nhất”. Chị đã đưa ra thị trường 14 loại bánh tráng trộn, bánh cuốn. Bánh tráng trộn của chị Thảo được bán đi nhiều tỉnh, thành hay "xách tay" sang cả Nhật, Mỹ... Có mối đã duy trì tiêu thụ nhiều năm. Những đơn hàng của chị có giá trị từ vài triệu đến chục triệu đồng.

Sản phẩm bánh tráng do cơ sở chị Thảo sản xuất.

Sản phẩm bánh tráng do cơ sở chị Thảo sản xuất.

Từ bỏ đời sống công nhân ổn định để khởi nghiệp, vợ chồng chị Hoàng Thị Hương (33 tuổi, ngụ ấp Trảng Cỏ, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) bắt đầu thu quả ngọt. Chị nói: “Chúng tôi nghĩ rằng mình không thể mãi làm công nhân nên tìm hiểu công việc khác để phát triển.

Cũng gặp khó khăn nhưng chúng tôi không nản, kiên trì với lựa chọn”. Năm 2021, sau khoảng thời gian tìm hiểu qua mạng xã hội, vợ chồng chị Hương quyết định dồn vốn nuôi cà cuống. Hai vợ chồng qua Phước Chỉ mua con giống, mua trứng về nuôi thử nghiệm.

“Khởi đầu không có kinh nghiệm, cà cuống nuôi bị chết hay bay đi nên đồng vốn mất không ít. Lúc đầu mua con giống bị hao hụt, chúng tôi lại chuyển sang mua trứng cho đỡ vốn hơn”, và phải qua vài lần kinh nghiệm, vợ chồng chị dần nắm được kỹ thuật, công việc chăn nuôi đi vào ổn định.

Nuôi được cà cuống, chị Hương và chồng đăng thông tin trên mạng xã hội để tìm nguồn tiêu thụ. “Lúc đó chúng tôi cũng hy vọng bán con cà cuống thương phẩm. Nhưng rồi có duyên gặp khách, họ đặt vấn đề về rượu, nước mắm hay muối cà cuống.

Vậy là chúng tôi lại bắt tay tìm hiểu và phát triển sản phẩm”. Hiện tại, trang trại nuôi cà cuống của vợ chồng chị Hương cung cấp các sản phẩm như rượu, nước mắm, muối cà cuống ra thị trường. Vợ chồng chị Hương cũng nuôi thêm các loại như ếch, rắn ri để xoay vòng.

Bay xa những ước mơ

Sau 6 năm khởi nghiệp tự thân, đầu năm 2023, chị Thảo dự lớp tập huấn tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và tham gia cuộc thi viết “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Đây là bước ngoặt để chị có những thay đổi trong suy nghĩ về việc làm của mình.

Thảo chia sẻ: “Sau lớp tập huấn một ngày đó, tôi thấy mình cần thay đổi, làm việc có kế hoạch chứ không chỉ làm theo bản năng như trước giờ. Tôi hướng tới việc phát triển thương hiệu và đang bắt đầu những bước đầu tiên.

Ước mơ của tôi là có thương hiệu bánh tráng trộn Cô Hai Tây Ninh của riêng mình”. Thảo mua một chiếc laptop để đầu tư viết bài bán hàng chuyên sâu hơn, tập thiết kế logo, chỉnh sửa ảnh và cặm cụi viết dự án kể lại câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của mình; đăng ký học online về kiến thức, kỹ năng bán hàng online.

Sản phẩm do cơ sở chị Thảo sản xuất.

Sản phẩm do cơ sở chị Thảo sản xuất.

Dự án khởi nghiệp với bánh tráng trộn của chị Thảo đoạt giải Nhất tỉnh Tây Ninh trong cuộc thi khởi nghiệp “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Đây là cuộc thi do Trung ương hội LHPN Việt Nam phối hợp Công ty TNHH quốc tế Unilever tổ chức. Với giải Nhất, chị Thảo lần đầu tiên được ra Hà Nội, một chuyến đi rất ý nghĩa.

Chị hào hứng nói: “Tôi được gặp, nghe những câu chuyện khởi nghiệp của chị em. Tôi thấy trong đó có người giống mình, có người còn khó khăn hơn cả mình nữa. Những câu chuyện đó cho tôi thêm động lực để cố gắng với hành trình của mình”.

Sau hai năm gầy dựng với những kết quả đầu tiên, chị Hương được Hội LHPN xã gợi ý viết dự án tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh năm 2023. “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ viết dự án cho vui, hỗ trợ Hội Phụ nữ xã. Tôi không ngờ dự án của mình có thể đi xa như vậy, có chút bất ngờ nhưng rất vui”.

Đang trong thời gian ở cữ vì mới sinh em bé, không thể trực tiếp tham gia hành trình, chị Hương đã liên tiếp nhận được những niềm vui từ dự án của mình. Đầu tiên là tham dự và đoạt giải Ba cuộc thi cấp vùng, được đi dự vòng chung kết tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua. Dự án của chị Hương là 1 trong 31 dự án toàn quốc được chọn thuyết trình.

Tuy chỉ được giải Khuyến khích toàn quốc nhưng với chị đó là cả một hành trình dài và đầy ý nghĩa. Chị nói: “Trước đây, sản phẩm của chúng tôi chỉ mới được bán trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhờ tham gia cuộc thi này, sản phẩm của trang trại chúng tôi đã được đi xa, tiếp cận với nhiều người hơn.

Tại miền Bắc, sản phẩm được tiêu thụ hết số lượng mang ra triển lãm, có người ngỏ ý muốn làm đại lý phân phối. Chúng tôi vui lắm!”. Hiện tại, chị Hương đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận thương hiệu để có những bước đi mới trong việc kinh doanh.

Chập chững vào lĩnh vực mới, chị Hương có nhiều bỡ ngỡ và thấy mình phải học hỏi nhiều hơn. Chị mong muốn sắp tới mình sẽ được tham gia nhiều hơn các lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh để được nâng cao kiến thức trong lĩnh vực mới.

Từ nỗ lực của bản thân, sự chăm chỉ học hỏi, tiếp cận và ứng dụng công nghệ, những phụ nữ trẻ vùng nông thôn đã làm chủ được công việc của mình và phát huy hiệu quả. Mong rằng câu chuyện từ họ sẽ thêm cảm hứng cho các chị em phụ nữ, nhất là ở vùng nông thôn mạnh dạn bứt phá, phát huy năng lực bản thân, tự tin, thành công hơn trên bước đường khởi nghiệp.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-khoi-nghiep-cua-nhung-phu-nu-tre-vung-nong-thon-a165410.html