Chuyện 'Không ai bị bỏ lại phía sau' ở một huyện miền núi
Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phong trào 'Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau' tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lạc Dương là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện có 32.240 nhân khẩu/7.684 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 67%. Điều kiện kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Lạc Dương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi bà con đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ cao.
Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trong tậm, xuyên suốt, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Lạc Dương đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ huyện đã quán triệt tới cán bộ, đảng viên, các cấp chính quyền, đoàn thể, triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 2022 đến nay, cùng với nguồn quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, huyện Lạc Dương đã huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ xây dựng 104 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí gần 5,7 tỷ đồng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người nghèo, cận nghèo, người dân sống tại vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn trên địa bàn. Năm 2022-2023, huyện Lạc Dương cũng đã thực hiện chi trả hỗ trợ tiền điện cho 633 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 569 triệu đồng. Cấp 147 điện thoại Smartphone, sim 4G cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo quy định...
Để công tác xóa đòi, giảm nghèo được tiến hành bền vững, huyện Lạc Dương đã mở nhiều lớp dạy nghề đáp ứng được yêu cầu thực tế tại địa phương, như kỹ thuật pha chế đồ uống, dệt thổ cẩm, trồng và sơ chế chuối laba, trồng cây dược liệu... Năm 2022-2023, chương trình vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo đạt hơn 16,5 tỷ đồng/249 lượt hộ; cho vay hộ cận nghèo là 67,5 tỷ đồng/862 lượt hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo trên 4,5 tỷ đồng/53 lượt hộ.
Thực hiện Quyết định số 116/QĐ-BVĐ ngày 19/10/2022 của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Lâm Đồng về phân bổ Quỹ “Vì người nghèo”, huyện Lạc Dương cũng đã triển khai mô hình trồng chuối laba. Đến nay, đã tạm ứng kinh phí hơn 247 triệu đồng thực hiện mô hình trên tại xã Đưng K'Nớ (mô hình hỗ trợ sinh kế cho 200 hộ nghèo tại xã). Phối hợp cấp phát phân, giống chuối laba và hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối cho 95 hộ dân tại xã Đạ Sar, xã Đạ Chais, xã Đưng K‘Nớ và xã Lát. Ngoài ra, 15 gia đình tại xã Lát, Đạ Nhim, Đưng K’ Nớ được lựa chọn hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo với mức 20 triệu đồng/hộ với tổng kinh phí 300 triệu đồng.
Hằng năm, huyện Lạc Dương đều tổ chức tháng cao điểm “Vì người nghèo”, từ ngày 17/10 đến 18/11, đồng thời triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ sót lại phía sau” giai đoạn 2022-2025. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã vận động được hơn 2 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích an sinh xã hội, xóa đòi giảm nghèo.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo tại huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều kết quá đáng mừng. Đời sống của bà con nhân dân, nhất là ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa đã nâng lên rõ nét. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới tại huyện Lạc Dương đã giảm mạnh qua hằng năm.
Cụ thể, tỉ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2021 toàn huyện là 16,1% (1.188 hộ), tỷ lệ nghèo đa chiều DTTS là 23,5% (1.173 hộ). Trong đó, số hộ nghèo là 633 hộ (chiếm tỷ lệ 8,6%), số hộ nghèo DTTS là 628 hộ (chiếm tỷ lệ 12,6%); số hộ cận nghèo là 555 hộ (chiếm tỷ lệ 7,5%), hộ cận nghèo DTTS 545 hộ (chiếm tỷ lệ 10,9%). Cuối năm 2022, tỉ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Lạc Dương giảm xuống còn 12,2% (940 hộ), tỉ lệ nghèo đa chiều DTTS giảm xuống còn 18,4% (929 hộ). Trong đó, toàn huyện còn 448 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,8% (giảm 2,8% so với cuối năm 2021, chỉ tiêu đề ra là 2%), trong đó hộ nghèo là người đồng bào DTTS còn 444 hộ, chiếm tỷ lệ 8,8% (giảm 3,8% so với cuối năm 2021, chỉ tiêu đề ra là 2,9%).
Đến hết năm 2023 này, ước tính toàn huyện Lạc Dương chỉ còn 224 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,9% (giảm 2,9% so với cuối năm 2022), trong đó hộ nghèo là người DTTS còn 220 hộ, chiếm tỷ lệ 4,3% (giảm 4,5% so với cuối năm 2022).
Để đạt được kết quả tích cực trên, huyện Lạc Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng nhiều hình thức, việc làm thiết thực. Nguồn quỹ vận động được chi đúng mục đích, dúng đối tượng, có hiệu quả, kịp thời giải ngân, hỗ trợ hộ nghèo, qua đó góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo. UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững bằng các nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Lạc Dương đang thay da đổi thịt từng ngày, huyện miền núi này ngày nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hay, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội và đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ atisô với Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng, Công ty TNHH Vĩnh Tiến; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê với Công ty ACOM tại xã Đưng K’Nớ; mô hình thu mua cà phê và du lịch sinh thái của Hợp tác xã cà phê Arabica Chappi Lạc Dương, xã Đạ Chais...