Chuyện không chỉ sống khỏe ở Lào...

Có một nước Lào giản đơn nhưng đầy thú vị qua góc nhìn của một phụ nữ Việt tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại thủ đô Vientiane. Sau 8 năm sống tại đây, Trần Thị Ánh Phương có nhiều câu chuyện muốn chia sẻ về trải nghiệm văn hóa cũng như quan niệm sống và hưởng thụ cuộc sống.

Quyết định sang Lào làm việc và định cư của vợ chồng Trần Thị Ánh Phương vừa khách quan vừa chủ quan. Khách quan vì chồng cô từng được cử sang Lào công tác nhiệm kỳ tại một công ty liên doanh Lào - Việt.

Trước đó, từng sang Lào chơi, Phương đã ấn tượng với môi trường sống giản đơn nhưng trong lành, con người hiền hậu. Nhưng lúc đó cô chưa bao giờ nghĩ sẽ quay lại lần nữa sau khi chồng kết thúc nhiệm kỳ làm việc. Ấy vậy mà, cuộc đời lại viết sẵn một kịch bản khác dành cho cô.

 Trần Thị Ánh Phương tham gia dẫn chương trình trong một sự kiện của cộng đồng người Việt ở Lào

Trần Thị Ánh Phương tham gia dẫn chương trình trong một sự kiện của cộng đồng người Việt ở Lào

Năm 2014, Ánh Phương phát hiện bệnh lao phổi và phải trải qua 11 tháng điều trị. Cú sốc này giúp cô nung nấu quyết tâm nghỉ việc để theo học nghề Health coach - Huấn luyện viên sống khỏe, vừa nâng cao sức khỏe bản thân vừa giúp được cho người khác.

Cùng lúc ấy, chồng Phương gợi ý chuyển sang Lào vừa làm việc vừa học, ưu tiên sức khỏe hàng đầu vì môi trường sống trong lành và nhịp điệu sống chậm ở đây. Nói đùa thành thật, đầu năm 2016, vợ chồng con cái Phương “khăn gói” sang Vientiane.

Làm việc tại Lào được một năm cũng là lúc Ánh Phương tốt nghiệp khóa học Health coach và sinh con thứ hai tại đây. Cô quyết định nghỉ hẳn công việc hiện tại và tập trung phát triển nghề huấn luyện viên sống khỏe. Cuộc sống hàng ngày ở Lào là những ví dụ trực quan sinh động cho các bản tin, bài viết, các giờ huấn luyện của cô về nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như thể chất. Phương từng kể: “Ở thủ đô Vientiane, đường phố nhiều ô tô nhưng rất trật tự. Và hầu như không có còi ô tô nữa, đơn giản vì họ có thể chờ. Một ngã tư có 4 chiều đèn xanh đỏ thì mỗi lần chuyển đèn, chỉ một bên được đi, ba bên đứng chờ. Ở Lào cũng không vội được đâu”.

Đã hơn 8 năm sống ở đây nhưng Ánh Phương vẫn không ngừng ngạc nhiên và dần tâm đắc với triết lý sống của người bản xứ: “Có nhiều điều khiến người ta ngạc nhiên về Lào. Ra chợ mua một lạng bồ kết cũng có thể quét mã QR, nhưng hầu hết hàng quán cửa hiệu lại đóng cửa vào chủ nhật. Nơi đây chúng tôi dường như có nhiều thời gian để sống và thời gian cho chính mình hơn. Cả nhà tôi có thể cùng chơi những môn thể thao đều đặn hàng tuần. Tôi đạp xe đi làm. Ở Lào, trừ vùng cao nguyên thì hầu như không có mùa đông, khí hậu ổn định nên tủ quần áo cũng như đồ đạc rất dễ tối giản, giúp cả nhà tiết kiệm thời gian và bớt cồng kềnh hơn. Người dân hồn nhiên, đôn hậu, vui vẻ, thân thiện. Họ sống và hưởng thụ cuộc sống cùng một lúc. Và khác ở chỗ nữa là người Lào không khóc trong đám ma mà ăn mừng người kia đã được về với Phật”.

Từ những cái nhìn trực quan sinh động, so sánh sâu sắc, nhưng cũng không kém phần dí dỏm, Ánh Phương lọt mắt xanh những người sáng lập một cổng thông tin điện tử về Lào dành cho người Việt Nam. Cô được mời tham gia ban biên tập của cổng thông tin điện tử, phụ trách phần dự án tiếng Anh, đồng thời phát triển mảng hoạt động cộng đồng. Đến Lào, muốn ăn gì, chơi ở đâu và cho con học trường nào đều có thể hỏi Phương.

 Trần Thị Ánh Phương tại Lào

Trần Thị Ánh Phương tại Lào

Khi mới sang, chính Phương cũng thấy thông tin cung cấp về đời sống ở Lào cho người Việt còn quá ít. Rất cần một cổng truyền thông đáng tin cậy để cập nhật thông tin thiết thực. Đây cũng là lý do chính cô nhận lời tham gia biên tập cho cổng thông tin điện tử uy tín mà người đọc chủ yếu dân văn phòng, công sở hoặc người ở Việt Nam quan tâm đến kinh tế, đầu tư, kinh doanh tại Lào. Kênh truyền thông trực tuyến được xây dựng hiệu quả để vừa bảo trợ thông tin, vừa kêu gọi tổ chức các sự kiện nâng cao sức khỏe gắn kết cộng đồng như giải cầu lông của người Việt ở Lào, giải bóng đá của người Việt ở thủ đô Vientiane...

Qua các sự kiện cộng đồng, người Việt ở Lào có thêm sân chơi chung, biết nhau nhiều hơn, đặc biệt là các gia đình cũng được kết nối. Phương tâm đắc: “Cá nhân tôi nhận thấy thay vì chỉ cho con chơi với con em người nước ngoài thì việc được giao lưu với cả con em cộng đồng của mình trong các dịp Tết Việt, Tết Trung thu là cách hiệu quả nhất để nhìn thấy màu sắc Việt và nhận diện văn hóa Việt rõ nét”.

KIM HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-khong-chi-song-khoe-o-lao-post748104.html