Chuyện không có trong tour châu Phi

Ngoài chuyện ăn uống, người Việt ở lục địa đen còn mối lo về cái được gọi là 'xung đột văn hóa'.

Trải qua hàng chục giờ trên bầu trời, đổi qua ba lần con chim sắt (máy bay) chúng tôi mới đặt chân tới Tanzania, một quốc gia ở châu Phi. Hành trình lần này không phải là một chuyến đi khám phá thuần túy của sự hưởng thụ, mà chúng tôi đang đi một chuyến đi dài, đến với cộng đồng người Việt ở châu lục xa xôi này.

Tự làm nước mắm, trồng rau

Hành trang của chúng tôi khi đến đây ngoài những vật dụng thiết yếu còn có thêm lương khô, mì tôm và nước mắm, thứ nước chấm không thể thiếu trong mâm cơm người Việt. Tôi cứ đinh ninh đây sẽ là món quà tặng quý hiếm.

Đến Tanzania mới biết nước mắm giờ chỉ có thể coi là quý chứ không còn hiếm như ngày xưa nữa. Bởi người Việt Nam đã “nghiên cứu và chế biến thành công nước mắm tại châu Phi”, nghe có vẻ như một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Nhưng thật ra đó là một trong những thành quả buộc phải ra đời trong khó khăn, bởi người Việt ở đây “thèm nước mắm kinh khủng”.

Lâu nay nước mắm sang châu Phi chủ yếu là hàng xách tay. Tuy nhiên, lượng nước mắm đi bằng đường hàng không không phải lúc nào cũng dồi dào, nếu không muốn nói là quá ít. Thế là người Việt xa xứ phải bắt tay vào làm nước mắm tại chỗ.

Ở nhiều nơi của châu Phi, nguyên liệu và khí hậu rất thích hợp để làm ra nước mắm. Zanzibar, một hòn đảo ở Tanzania nơi được mệnh danh là “hòn đảo thiên đường” nhiệt độ duy trì ở mức 32-34 độ C, nắng chan hòa quanh năm. Người Việt ở đây kể anh Lê Duy Dương (nguyên giám đốc chi nhánh Zanzibar - Viettel Tanzania) khi còn công tác ở đây, sau khi học nghề từ một đồng nghiệp đã chế biến thành công nước mắm Việt Nam nguyên liệu châu Phi.

Công thức này của anh hiện được nhiều người thuộc lòng. Cá cơm có thể mua được nhiều ở các khu chợ, sau đó rửa sạch bằng nước biển rồi trộn đều với muối biển và đưa vào thùng nhựa.

“Sau 10 ngày, khi cá đã thấm đều muối, dùng cây gỗ để khoắng đều từ dưới lên trên, cứ sau một tuần thì khoắng đều một lần. Sau 45-60 ngày (tùy vào nắng nhiều hay ít) dùng một bình nhựa nhỏ đục các lỗ dưới đáy và xung quanh thành, dùng vải mỏng bịt quanh bình nhựa để đưa vào thùng mắm cho nước mắm thẩm thấu vào bình nhựa”, công thức làm nước mắm made in Việt Nam ở trời Phi được rút ra như thế.

Ngoài nước mắm, bữa cơm người Việt còn phải có thêm những loại rau gia vị. Thế nhưng người châu Phi lại không như vậy. Họ ưa chuộng các loại hạt, quả và thịt hơn. Rau nấu thành món còn không có nữa là rau gia vị. Thế là những người Việt sang châu Phi công tác nhiều năm lại phải đèo bồng thêm hạt gia vị từ Việt Nam. Những hạt rau được gieo vào những khu vườn trồng hoa, thậm chí vào những thùng xốp hoặc chậu cảnh.

Cũng thật lạ, dường như ông trời ban phát cho châu Phi cái nóng rực lửa bao nhiêu thì cũng bù lại cho đất đai phì nhiêu màu mỡ bấy nhiêu. Cây gia vị nào mọc lên trên đất châu Phi cũng rất xanh tốt, cả cây lẫn lá đều “siêu to, khổng lồ”.

“Thủ tục” chào đón khách của người Maasai ở Tanzania.

“Thủ tục” chào đón khách của người Maasai ở Tanzania.

Những chuyện hú hồn

Ngoài chuyện ăn uống, người Việt ở châu Phi còn mối lo về cái được gọi là “khác biệt văn hóa”. Một vị cán bộ kể lại câu chuyện khó tin tới mức anh phải thề thốt không hề bịa chút nào. Theo đó, anh tuyển một người bản xứ về đảm nhận việc bếp núc. Sau khi giới thiệu một lượt cho nhân viên mới, anh ngồi vào bàn để bắt đầu công việc của mình.

“Lúc sau cứ nghe thấy tiếng gì như tiếng bổ củi, nghe kỹ thì như là tiếng đẽo cày ngày xưa ấy” - anh kể. Tò mò, anh vào bếp thì trời ơi: Ông đầu bếp mới đang ngồi đẽo chân bàn trong bếp của anh. Hỏi: Mày đẽo chân bàn làm gì? Đáp: Để nhóm lửa. Đó là ngày làm việc đầu tiên cũng là ngày làm việc cuối cùng của đầu bếp mới. Vì anh chẳng biết sau khi đẽo chân bàn nhóm lửa, hắn còn đẽo cái gì không dù đã có bếp gas ngay gần đó!

Ở Tanzania hay Burundi, trên đường phố bạn sẽ không khó để bắt gặp sự hiện diện của cảnh sát. Điều đặc biệt hơn cả là họ đều được trang bị vũ khí hạng nặng. Thậm chí bảo vệ của các cơ quan, công sở nơi đây cũng đều được phép sử dụng súng trường với độ sát thương lớn để chống… cướp.

Anh Hán Hữu Nghị, một cán bộ của Viettel có mặt sớm nhất ở Tanzania kể: “Năm 2014, khi đặt chân đến quốc gia này, chúng tôi phải thuê nhà để ở, xe thì chưa có nên phải đi bộ. Bởi thế chúng tôi bị cướp suốt, tính sơ sơ tôi là nạn nhân của 6-7 lần bị cướp”.

Cướp ở đây theo cách miêu tả của anh Nghị là cướp rất triệt để, cướp lần đầu không được thì quay lại cướp tiếp đến cùng thì thôi. Chính vì thế người Việt Nam đến đây đều được dặn không nên đi một mình ngoài đường. Thậm chí cướp còn xông vào các đơn vị và nhiều chi nhánh công ty Việt đã đổi tên gọi các phòng, ví dụ phòng tài vụ phải treo bảng là phòng hành chính để lừa… bọn cướp.

Phụ nữ ở nhiều quốc gia ở châu Phi có thể đội lên đầu bất cứ thứ gì.

Phụ nữ ở nhiều quốc gia ở châu Phi có thể đội lên đầu bất cứ thứ gì.

Khiếp vía xe đạp ôm

Rời Tanzania, chúng tôi đến với Burundi, nơi được coi là “trái tim của châu Phi”. Đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Bởi thế, ở đây cũng có những điều ngồ ngộ cực kỳ thú vị.

Đầu tiên đó là quang cảnh trên nhiều con đường. Dù ở thành phố hay nông thôn, người Burundi đều rất ít ở trong nhà mà hay xuất hiện trên đường phố. Đàn ông hay phụ nữ đều có thể túm tụm lại trên đường để buôn chuyện hay chơi trò gì đó. “Đơn giản thôi, họ không có việc làm mà” - anh Dương, một người đi cùng đoàn chúng tôi giải thích.

Ở đất nước này có những khu chợ hệt như chợ cóc ở Việt Nam. Các loại hạt hay quả ở xứ này ngon và rẻ vô cùng. Những người không có gì để bán thì tới chợ bình thản xin tiền. Họ ít nói mà tay cứ xoa xoa lên bụng hàm ý rằng: Đói lắm. Bạn cho thì tốt, không cho cũng chẳng sao.

Một điểm dễ nhận thấy ở Burundi đó chính là sự phát triển của hệ thống “xe đạp ôm” ở các thành phố. Họ đứng thành hàng chờ khách và khi có khách là họ lao đi với một vận tốc vô cùng đáng sợ, luồn lách vèo vèo. Dự tính ngồi xe đạp ôm ngắm cảnh nhưng thử một lần là tôi tởn tới già, không bao giờ dám leo lên lần thứ hai!

Một chuyện lạ nữa là khi đang nhâm nhi những chai bia mát lạnh ở nhà hàng sang trọng ở đây, khách sẽ thấy những hàng lưới được giăng ra trước ban công. Chúng tôi hỏi: Lưới này để ngăn chim bay lạc à? Một nhân viên ở đây lắc đầu nói: Không, ngăn lựu đạn. Những lúc có xung đột, lựu đạn bay như chim lạc đàn vậy. Hú hồn, đó là bởi Burundi còn là một quốc gia có những bất ổn về an ninh chính trị.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-canh-ty-2020/may-bay-duoi-got-giay/chuyen-khong-co-trong-tour-chau-phi-884943.html