Chuyện không ngờ của nữ nghệ sĩ thành thạo 6 nhạc cụ dân tộc

Từ ước mơ ca hát đến trở thành nghệ sĩ thông thạo 6 nhạc cụ dân tộc, Thanh Phương chứng minh tài năng và đam mê trong hành trình gìn giữ âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Vì mẹ nói "đi học nhạc dân tộc thì được đi nước ngoài"

Gia đình nghệ sĩ Thanh Phương có truyền thống theo nghệ thuật điện ảnh, từ ông bà nội, bố và bác đều làm ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Giấc mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp dẫn Thanh Phương đến với nhạc cụ dân tộc. Không biết gì nhưng cô dần trở thành nghệ sĩ có thể chơi 6 loại nhạc cụ.

Giấc mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp dẫn Thanh Phương đến với nhạc cụ dân tộc. Không biết gì nhưng cô dần trở thành nghệ sĩ có thể chơi 6 loại nhạc cụ.

Từ nhỏ, Thanh Phương đã tìm thấy niềm vui trong ca hát. Học xong lớp 5, con đường nghệ thuật của cô có một bước ngoặt quan trọng khi mẹ định hướng cho cô theo học nhạc cụ dân tộc.

Mẹ Thanh Phương đặt ra điều kiện con gái theo nhạc cụ dân tộc, cấp 3 mẹ sẽ cho thi thanh nhạc. Lúc đầu, cô không biết chọn nhạc cụ nào vì quá xa lạ với dòng nhạc truyền thống. Điều thực sự thôi thúc Thanh Phương đến với nhạc cụ dân tộc là khi mẹ chia sẻ rằng các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc thường được đi nước ngoài biểu diễn nên đi học luôn.

Khi được thử năng khiếu, không biết chọn nhạc cụ nào, Thanh Phương hỏi cô giáo: "Cô ơi, thế cô dạy đàn gì ạ?". Khi biết cô dạy đàn tam thập lục, Thanh Phương quyết định học ngay mà không cần suy nghĩ thêm.

Thanh Phương chơi đàn T'rưng bài "Cô gái vót chông":

Tập tới quên ăn và chinh phục luôn 6 nhạc cụ

Lần đầu đối diện với đàn tam thập lục, Thanh Phương không khỏi choáng ngợp trước sự phức tạp của nhạc cụ với 36 dây, mỗi nốt có 3 dây nhỏ. "Mình thấy sao cái đàn này nhiều dây thế, hơi rắc rối. Đến lúc học lại thấy dễ và đàn rất hay".

Niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc ngày càng lớn dần, đến năm thứ hai, Thanh Phương xin học thêm trống dân tộc, rồi cứ thế mỗi năm lại học thêm một nhạc cụ mới.

Dần dần, danh sách nhạc cụ mà cô thông thạo ngày càng dài thêm: tam thập lục, trống dân tộc, sáo trúc, đàn T'rưng, đàn bầu và đàn đá. Thanh Phương chia sẻ: "Đàn T'rưng Phương tự tập hết 100%. Chỉ khi cô giáo bảo đi thi, Phương mới đi sang xin cô giáo bộ môn nghe bài và nhận xét".

Thanh Phương khoe các nhạc cụ: sáo trúc, sáo Mèo và sáo bầu.

Thanh Phương khoe các nhạc cụ: sáo trúc, sáo Mèo và sáo bầu.

Sự khổ luyện của Thanh Phương thực sự đáng nể. "Tự nhiên mình bị đam mê quá, dành quá nhiều thời gian, một ngày học ở trường rồi về 7 tiếng đồng hồ tập các loại đàn", cô tâm sự.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã được đền đáp xứng đáng. Thanh Phương gặt hái nhiều thành công rực rỡ: giải Nhất cuộc thi Độc tấu liên hoan đàn hát dân ca Hà Nội với sáo trúc, cùng huy chương Vàng tại cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc với đàn T'rưng.

Thanh Phương chơi sáo trúc, sáo Mèo và sáo bầu:

Không gây áp lực với học trò

Hiện tại, cô là giảng viên tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và thành viên tích cực của nhóm nhạc Pha Lê Xanh.

Trong hành trình nghệ thuật của Thanh Phương, cô Lê Nguyễn Kiều Anh - Trưởng khoa Nhạc cụ Truyền thống - đóng vai trò quan trọng. Thanh Phương xúc động khi nhắc về người thầy: "Cô Kiều Anh như người mẹ thứ hai, đã dìu dắt Phương trên con đường vừa học vừa hành, tạo điều kiện để đi biểu diễn cả trong nước và nước ngoài".

Sau khi tốt nghiệp, cô giáo Kiều Anh mời Thanh Phương về trường giảng dạy bộ môn trống. Bước ngoặt này giúp cô phát hiện niềm đam mê mới: truyền lửa cho thế hệ trẻ. "Khi dạy học, mình càng yêu thích nó hơn vì truyền được đam mê cho các bạn nhỏ", Thanh Phương tâm sự. Niềm vui lớn nhất của cô là khi thấy học trò thành công trên con đường chuyên nghiệp.

Vừa biểu diễn vừa giảng dạy, Thanh Phương truyền lửa cho thế hệ trẻ, theo đuổi sứ mệnh gìn giữ âm nhạc truyền thống.

Vừa biểu diễn vừa giảng dạy, Thanh Phương truyền lửa cho thế hệ trẻ, theo đuổi sứ mệnh gìn giữ âm nhạc truyền thống.

Phương pháp giảng dạy của Thanh Phương không áp đặt hay tạo áp lực mà luôn đồng hành cùng học trò. "Phương đồng hành cùng các con, khó chỗ nào cố gỡ, không gây áp lực", cô chia sẻ. Chính vì vậy, học sinh của cô thường cảm thấy thoải mái và hào hứng khi học tập.

Cô khuyến khích sự sáng tạo và hội nhập, ủng hộ việc kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm nhạc hiện đại và thế giới. Thanh Phương nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng: "Khi phát triển hội nhập, mình vẫn giữ được bản sắc dân tộc - hội nhập nhưng không hòa tan".

Thanh Phương kể được khán giả tặng hoa, ôm và khóc:

Những trải nghiệm biểu diễn ở nước ngoài càng thôi thúc Thanh Phương theo đuổi sứ mệnh gìn giữ âm nhạc dân tộc. "Khi chơi nhạc cụ dân tộc ở nước ngoài, bản sắc người Việt Nam vang lên. Nhiều cô chú nghe tôi đánh đàn đã tặng hoa và còn ôm mình khóc. Những giây phút đấy tôi không bao giờ quên được và càng có động lực theo đuổi nhạc cụ dân tộc hơn".

Ảnh, video: VTV

Huy Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-khong-ngo-cua-nu-nghe-si-thanh-thao-6-nhac-cu-dan-toc-2388160.html