Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu (*): Sinh mạng người bệnh là trên hết

Đã bước chân vào nghề y thì mặc định trong tâm thế cứu người, song để ngăn những việc không hay diễn ra trong cấp cứu thì vẫn cần giải pháp căn cơ

Khi sự vụ bé trai cấp cứu chưa lắng xuống thì lại tiếp một biến cố rúng động mới cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ngày 4-5, một nhân viên y tế ở bệnh viện này bị đấm liên tiếp vào vùng mặt khi chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu.

Lại thêm "cú sốc Nam Định"

Sự việc được camera an ninh ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ. Nhân viên bị đánh chỉ ôm mặt "chịu trận", không chống trả, trong khi các y - bác sĩ khác vẫn tiếp tục cấp cứu bệnh nhân. Vụ việc đã được công an vào cuộc làm rõ.

Trước đó ít ngày, tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), các bác sĩ đang cấp cứu cho một bé gái 12 tuổi bị sốc phản vệ cũng bị xô đẩy, tấn công. Dù bị hành hung, kíp trực vẫn giữ bình tĩnh, không rời bỏ vị trí, nỗ lực cứu người. TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bức xúc: "Dù bất cứ lý do nào, việc hành hung cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ cứu người là hành vi không thể chấp nhận được. Khi bác sĩ đang thực hiện chuyên môn thì cần được bảo đảm điều kiện yên tâm cứu người. Ai đúng ai sai sẽ xử lý sau!".

Theo ông Đức, hành vi bạo lực với nhân viên y tế không phải chuyện mới. "Người bệnh mong muốn được khám nhanh, chu đáo, tận tình là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều đó, cơ sở y tế cần có đủ điều kiện. Không thể chỉ yêu cầu nhanh mà còn bảo đảm chất lượng" - ông nói và so sánh: "Tại Anh, muốn chụp MRI có thể phải chờ 3 tháng, trong khi ở Việt Nam, nếu chờ từ sáng đến chiều mà chưa được chụp thì bệnh viện và nhân viên y tế rất dễ bị phản ứng".

Ông Đức cho rằng khi cả cán bộ y tế và người bệnh đều chịu áp lực lớn, những va chạm nhỏ có thể dễ dàng bùng phát thành sự việc nghiêm trọng. Bộ Y tế đã ban hành quy tắc ứng xử, giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị cho cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, người dân cũng cần chia sẻ với khó khăn của đội ngũ y tế. "Đã bước chân vào nghề y thì ai cũng có tâm nguyện cứu người. Nhưng để họ yên tâm hành nghề, cần có cơ chế bảo vệ họ khỏi các rủi ro, bạo lực" - ông Đức nêu quan điểm.

Bệnh viện cần môi trường an toàn để bác sĩ yên tâm cứu chữa, nhất là tại phòng cấp cứu. Ảnh: NGỌC DUNG

Bệnh viện cần môi trường an toàn để bác sĩ yên tâm cứu chữa, nhất là tại phòng cấp cứu. Ảnh: NGỌC DUNG

Không ai có quyền từ chối điều trị

Nói đến nguyên tắc xử trí bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BSCK2 Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khẳng định bệnh nhân có dấu hiệu nguy kịch thì phải xử lý ngay lập tức, không cần biết tên tuổi hay tiền bạc. Thủ tục hành chính là chuyện tính sau. Về nguyên tắc chuyên môn, bất kỳ bệnh nhân nào bị tai nạn dù chưa biểu hiện rõ tổn thương vẫn cần được tiếp nhận vào khoa cấp cứu để theo dõi, đánh giá. "Ngay cả khi mạch, huyết áp còn ổn định nhưng cơ chế chấn thương nguy hiểm thì vẫn phải làm các xét nghiệm, chụp CT, X-quang hoặc siêu âm để phát hiện tổn thương tiềm ẩn. Chỉ sau khi xác định tình trạng ổn định mới chuyển lên các khoa chuyên sâu hoặc cho về" - ông nói.

Việc yêu cầu đóng tạm ứng khi cấp cứu, BS Phương khẳng định tuyệt đối không. Nếu bệnh nhân cần cấp cứu thì cứ làm trước, hồ sơ, viện phí là chuyện tính sau. Ngay cả khi không có người thân đi cùng, không mang giấy tờ tùy thân thì vẫn được xử trí cấp cứu đầy đủ. Hệ thống cấp cứu hiện nay đã có quy trình rất rõ ràng. Với những ca nặng như ngưng tim, sốc, suy hô hấp, bác sĩ sẽ thực hiện các can thiệp ngay lập tức mà không cần bất kỳ thủ tục hành chính nào. "Chúng tôi có thể chỉ cần một người đưa bệnh nhân vào dù là người qua đường để làm nhân chứng và lập biên bản hội chẩn khẩn trong kíp trực để xử trí ngay" - BS Phương nói thêm.

Thực tế là có nhiều trường hợp cần phẫu thuật hoặc thủ thuật khẩn cấp nhưng thân nhân không đồng ý ký giấy. Tình huống này bác sĩ xác định nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp thì vẫn phải thực hiện theo quy trình hội chẩn nội bộ. Bác sĩ tự ký, chịu trách nhiệm và nếu cần có thể mời cả công an đến chứng kiến. "Sinh mạng của bệnh nhân là tối thượng và kể cả cha mẹ hay người thân cũng không có quyền quyết định thay sinh mạng khi họ không còn đủ tỉnh táo. Không ai có quyền từ chối điều trị cứu sống nếu bệnh nhân đang nguy kịch, đó là quy định y khoa và pháp luật đã có hướng dẫn rõ" - BS Phương nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, cho rằng nguyên tắc đạo đức y tế và pháp luật hiện hành đều quy định rất rõ trong mọi trường hợp, cơ sở y tế phải tiếp nhận và cấp cứu kịp thời người bệnh trong tình trạng nguy kịch, không phân biệt đối tượng hay khả năng tài chính. Điều 7 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ một số trường hợp đặc biệt như quy định tại điều 40 của luật. Do đó, nếu người bệnh - dù là người lạ hay không có tiền viện phí - được đưa đến bệnh viện thì cơ sở y tế vẫn có trách nhiệm cấp cứu ngay lập tức.

Pháp luật không chỉ cấm từ chối cấp cứu mà còn quy định cụ thể trình tự phải thực hiện: Cấp cứu trước, làm thủ tục sau. Theo điều 31 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người bệnh được cấp cứu tại cơ sở y tế hoặc ngay tại hiện trường sự cố và trách nhiệm của cơ sở y tế là phải tiếp nhận, cấp cứu kịp thời. Thông tư 51/2017/TT-BYT cũng nhấn mạnh việc ưu tiên xử trí cấp cứu cho người bệnh nguy kịch trước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Việc thanh toán chi phí được thực hiện sau khi cấp cứu. Pháp luật Việt Nam nghiêm khắc với mọi hành vi chậm trễ, từ chối cấp cứu, đặc biệt vì lý do tài chính. Nếu hành vi trì hoãn cấp cứu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh như tổn hại sức khỏe hoặc tử vong thì tùy mức độ, cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự.

Mô hình cấp cứu lý tưởng

Theo Bộ Y tế, phần lớn các vụ bạo lực xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Trong đó, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu do người nhà bệnh nhân không hiểu quy trình chuyên môn, nghi ngờ việc chậm trễ trong cấp cứu hoặc bị kích động bởi rượu bia, chất gây nghiện.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, nhấn mạnh cấp cứu không chỉ cần kỹ năng mà còn cần sự bảo vệ và tôn trọng. Áp lực trong phòng cấp cứu không chỉ đến từ chuyên môn mà còn đến từ… người nhà bệnh nhân. Nhiều người không hiểu cấp cứu là gì, cứ nghĩ đến trước thì được khám trước. Họ chen lấn, đòi bác sĩ phải xử lý ngay cho người thân mình, gây áp lực không đáng có. Tại các nước tiên tiến, người nhà không được vào khu cấp cứu trừ khi được cho phép. Nhưng ở Việt Nam, không gian cấp cứu luôn trong tình trạng hỗn loạn vì thiếu quy trình và bảo vệ.

BS Thắng cho rằng hệ thống cấp cứu lý tưởng phải chia thành nhiều khu gồm: cấp cứu tối khẩn cần xử lý ngay như đột quỵ, chấn thương sọ não, ngưng tim…; cấp cứu trì hoãn có thể chờ vài giờ như gãy tay, gãy chân; không cấp cứu sẽ được hướng dẫn khám chuyên khoa. Việc phân loại này không chỉ bảo vệ tính mạng người bệnh mà còn giảm áp lực sai sót cho bác sĩ, nhất là khi làm việc trong điều kiện quá tải. "Bác sĩ cấp cứu là người chịu nhiều áp lực nhất. Vừa căng thẳng chuyên môn vừa dễ bị chỉ trích, thậm chí bị hành hung. Trong khi chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Nhiều người coi đây chỉ là trạm dừng tạm thời, chờ cơ hội chuyển sang chuyên khoa khác" - ông tâm tư.

Hơn 10 năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an để bảo đảm an ninh bệnh viện. "Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, báo cáo và tham mưu Chính phủ để có giải pháp căn cơ, bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh" - lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh.

Miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030-2035

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo xây dựng đề án tiến tới miễn viện phí toàn dân trong giai đoạn 2030-2035 với lộ trình giảm dần gánh nặng chi phí y tế cho người dân. Thông tin này vừa được Văn phòng Trung ương Đảng thông báo sau buổi làm việc của Tổng Bí thư với Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với mục tiêu miễn viện phí, Tổng Bí thư chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ rà soát các chương trình, kế hoạch y tế hiện có để điều chỉnh phù hợp. Đảng ủy Bộ Y tế hoàn thiện chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, trình Quốc hội khóa XV thông qua vào cuối năm 2025. Tổng Bí thư cũng yêu cầu thực hiện khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần cho toàn dân. Đảng ủy Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng đề án cụ thể và báo cáo Chính phủ để triển khai sớm nhất.

Ngành y tế cần kiện toàn hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân tầng kỹ thuật y tế rõ ràng và hiệu quả. Đặc biệt, năng lực y tế cơ sở cần nâng cao để trở thành tuyến y tế gần dân, đóng vai trò "gác cửa" và là nơi người dân tin tưởng. Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ sở y tế đẩy nhanh chuyển đổi số, hoàn thành sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và kết nối, chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ xây dựng chương trình khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cho toàn dân, hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y. Song song đó là chiến lược phổ cập lối sống lành mạnh, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân. Chủ trương "tiến tới miễn viện phí cho nhân dân" lần đầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15-3 và yêu cầu ghi vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIV.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng mỗi lần khám sức khỏe định kỳ, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỉ đồng.

Th.Dũng

___________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-khong-the-chap-nhan-o-phong-cap-cuu-sinh-mang-nguoi-benh-la-tren-het-196250507221433075.htm