Chuyện kỳ lạ, giáo viên cứ đòi kiện là tiền Tết… lại tăng
Tiền Tết tăng sau khi giáo viên dọa kiện, phản ánh một vấn đề 'tiền công quỹ rất dễ bị hợp thức hóa' thành tiền cá nhân.
Họp hội đồng cuối năm của Trường Tiểu học HH đến phần tổng hợp tài chính 2019 căng như dây đàn, sau khi thông báo tiền Tết năm nay được 11 triệu đồng/ người.
Có giáo viên thẳng thừng đứng lên “Chúng tôi sẽ kiện, làm rõ tài chính năm nay”. Đã 5 giờ chiều mà chưa đâu vào đâu, hiệu trưởng đành xin phép hội đồng nghỉ, mai họp tiếp để về đón con.
Ngày hôm sau lại họp, chưa bao giờ “không khí” u ám như thế; hiệu trưởng mở đầu “Sau khi cùng kế toán cân đối, tiền Tết tính trung bình mỗi người là 14 triệu đồng”. Góc phòng có tiếng vỗ tay vang lên vài cái rồi... im bặt.
Sau khi kế toán thông qua các mục đã chi, tiếng cãi nhau, tranh luận nổi lên, kẻ đồng ý, người không; số không đồng ý vẫn chiếm đa số.
Cô giáo Y. đại diện cho nhóm đa số phát biểu “Tôi nghe kế toán trường … nói, trường … được 17 triệu, cô ấy mới chuyển khỏi trường mình hai năm, cô ấy sơ tính giá chót trường mình cũng 17 triệu đồng.
Nếu không được số đó, ngày mai chúng tôi làm đơn tố cáo, đề nghị kiểm tra tài chính hai năm nay”; tiếng vỗ tay vang lên...như sấm.
Hiệu trưởng, kế toán mặt tái như “đít nhái”, xin dừng cuộc họp, ngày mai họp tiếp.
Cuộc họp ngày hôm sau kết thúc sau khi hiệu trưởng thông báo “Sau khi triệt để xuất toán các khoản chi bất hợp lý, tiền Tết của chúng ta đạt 18 triệu hai trăm ngàn”.
Kỳ lạ, giáo viên đòi kiện là tiền Tết … lại tăng?
Chuyện “lạ” này xảy ra không ở một trường, mà xảy ra nhiều trường; tại sao có chuyện như thế?
Thật ra nếu thanh kiểm tra tài chính, 99,99% trường học đều vi phạm, chỉ ít hay nhiều thôi; cái này chả khác “bói ra ma, quét nhà ra rác”.
Để không vi phạm đều phải quan hệ, mà thời nay không thể nói miệng được; nếu có người đứng đơn, càng khó quan hệ; coi chừng “mất hết những gì đã lấy”, mất chức, mất việc; vì thế, tâm lý kế toán, hiệu trưởng rất sợ bị kiện, bị tố cáo.
Thế tại sao tiền Tết lại tăng?
Tiền Tết tăng sau khi giáo viên dọa kiện, phản ánh một vấn đề “tiền công quỹ rất dễ bị hợp thức hóa” thành tiền cá nhân.
Chỉ cần có một trường, có nhân sự, hoạt động tương đương, mà trường Tết không tương đương, giáo viên biết ngay là tài chính trường mình “khuất tất”.
Phần đa giáo viên “dĩ hòa vi quý”, không dám nói ý kiến của mình; hoặc có những tấm gương “điển hình” tố cáo, chả khác “đập bụi cho chó ăn chồn”, thanh tra xong, chỉ “rút kinh nghiệm” hay kỷ luật “mát mặt người bị tố cáo, rát mặt người tố cáo”; vì thế hiệu trưởng cứ “tự tung tự tác” cho tiền Tết bao nhiêu cũng được.
Cuối năm, tiền Tết cứ “bí mật” đến phút chót; nhưng có những trường có nhiều giáo viên “cá biệt”, không thể “trốn” được, đành phải họp hội đồng công bố tài chính cuối năm; ăn không được đành nhả ra kẻo bị “hóc”, thế là tiền Tết tăng.
Giải pháp nào để minh bạch tài chính trong trường học?
Dân chủ thực sự là mong muốn của bất cứ giáo viên nào, dân chủ phải là dân biết thật, dân bàn thật, dân được kiểm tra thật chứ không phải nằm trên câu khẩu hiệu nơi phòng giáo viên; kế toán, hiệu trưởng tự tung, tự tác hợp lý hóa chứng từ bòn rút công quỹ.
Kiên quyết loại bỏ bất cứ cán bộ, kế toán nào vi phạm công tác tài chính; cần kiểm kê tài sản của kế toán, hiệu trưởng kê khai, nếu không giải trình được nguồn gốc là cách chức, đuổi việc.
Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động giáo dục phải ưu tiên hoạt động phục vụ dạy và học, không thể “cắt hoạt động” để tăng thu nhập; thu nhập tăng thêm chỉ có ý nghĩa khi nó là khoản tiết kiệm của đội ngũ; tắt điện khi không sử dụng, …. sử dụng hợp lý, tiết kiệm chứ không phải “keo kiệt”.
Giáo viên sẵn sàng không cần tiền Tết, miễn là kinh phí dành cho hoạt động giáo dục chứ không phải “đi lạc” vào đâu đó.