Chuyện kỳ lạ ở nơi người Việt mặc áo đen, tóc búi củ tỏi

Nằm dưới chân phía đông sườn núi Nứa xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà lớn Long Sơn được biết đến với hình ảnh những người mặc áo bà ba đen, chân đi trần, đầu búi tóc củ tỏi.

Một ngày hè tháng 6, sau cuộc hẹn qua điện thoại, chúng tôi tìm đến Nhà lớn Long Sơn gặp bà Lê Thị Kiềm (79 tuổi). Bà Kiềm là cháu đời thứ tư của ông Trần (người trông coi Nhà lớn) và được nghe kể những điều kỳ lạ về tục dùng chung áo quan ở nơi đây.

Bà Lê Thị Kiềm (79 tuổi) - cháu đời thứ tư của ông Trần (người trông coi Nhà lớn Long Sơn). Ảnh: Quang Hưng

Bà Lê Thị Kiềm (79 tuổi) - cháu đời thứ tư của ông Trần (người trông coi Nhà lớn Long Sơn). Ảnh: Quang Hưng

Bên tách trà nóng và đĩa mứt ngọt mời khách, bà Kiềm cho biết, Nhà lớn Long Sơn do ông Trần xây dựng từ năm 1910 đến 1929, sau khoảng 10 năm đến xã đảo Long Sơn khai hoang, lập nghiệp. Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, người quận Giang Thành, Hà Tiên (nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Nhà lớn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, trên tổng diện tích khoảng 2ha, chia thành các khu: Đền thờ, nhà hội, trường học, chợ... và khu lăng mộ ông Trần. Những công trình này đều nằm chung trong một khuôn viên nên người dân quen gọi là Nhà lớn.

Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà lớn, nơi đây còn có thêm tên gọi nữa là đền ông Trần.

Theo bà Kiềm, nhiều người tin theo ông Trần dù đi làm, đi chợ, hay tới Nhà lớn phụng sự, đều mặc bộ bà ba bằng vải nhuộm màu đen, đi chân trần và búi tóc củ tỏi gọn gàng. Vào các ngày lễ, mọi người mặc áo dài đen.

Đám tang không trống kèn, phúng điếu

Một trong những điều nhiều người tò mò khi đặt chân tới đây là tục dùng chung lồng liệt (hay thường gọi là áo quan, quan tài) của những người theo đạo ông Trần sau khi chết.

Chiếc lồng liệt tại Nhà lớn Long Sơn được thỉnh về dùng chung khi có người chết. Ảnh: Quang Hưng

Chiếc lồng liệt tại Nhà lớn Long Sơn được thỉnh về dùng chung khi có người chết. Ảnh: Quang Hưng

Theo bà Kiềm, lồng liệt là cách gọi của những người sống trong Nhà lớn, có từ thời ông Trần. Lồng là mình theo trời theo Phật, còn liệt là nằm xuống. Ông Trần dạy con người ai cũng như nhau, “sống thì đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách”, giàu nghèo đều dùng chung lồng liệt.

Bà Kiềm cho hay, với những gia đình theo đạo ông Trần, khi có ai qua đời, người thân sẽ đến Nhà lớn xin thỉnh lồng liệt về để lo hậu sự.

“Cùng với lồng liệt, Nhà lớn sẽ biếu cho những gia đình này một bó lá 6 tấm, một chiếc đệm đan bằng lá, một chiếc chiếu và 4,5m vải đỏ, 4,5m vải trắng. Đám tang không được để quá 24 giờ, nếu sáng mất thì chiều táng và chiều mất thì sáng táng".

Ngoài ra, khi đưa đám không có trống kèn, không nhận phúng điếu, khách chỉ dùng trà, sau đó đưa người đã khuất ra huyệt. Khi nhà ai có đám, mọi người đến phụ giúp, sau đó cùng ăn bữa cơm đạm bạc, không đòi hỏi.

Những tấm lá dừa và nệm đan bằng lá được Nhà lớn biếu cho những gia đình có người chết để lo hậu sự. Ảnh: Quang Hưng

Những tấm lá dừa và nệm đan bằng lá được Nhà lớn biếu cho những gia đình có người chết để lo hậu sự. Ảnh: Quang Hưng

Theo bà Kiềm, nghi thức đám tang được tổ chức rất đơn giản, người mất được quấn trong 3 lớp.

“Tại nơi táng, dưới đáy huyệt để sẵn một đôi đệm, một đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm) xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái”, bà Kiềm nói.

Sau khi chôn cất người mất, lồng liệt được mang về lại Nhà lớn để dùng tiếp cho những người sau.

Bà Lê Thị Kiềm nói về tục dùng chung lồng liệt. Video: Quang Hưng

Bà Kiềm chia sẻ thêm, tất cả những tập tục này đều được các thế hệ trước truyền miệng, dạy bảo lại cho thế hệ sau mà không lưu lại bằng văn tự.

Năm 1991, Nhà lớn Long Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hàng năm, Nhà lớn Long Sơn thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm viếng, đặc biệt vào ngày giỗ ông Trần (20/2 âm lịch) và tết Trùng cửu (9/9 âm lịch).

Nhà lớn Long Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Quang Hưng

Nhà lớn Long Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Quang Hưng

Quang Hưng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-ky-la-o-noi-nguoi-viet-mac-ao-den-toc-bui-cu-toi-2288379.html