Chuyện kỳ lạ về chiếc Chevrolet SSR: Ranh giới mong manh giữa táo bạo và thất bại
Chỉ bán được 24.000 xe trước khi bị khai tử năm 2006, Chevrolet SSR là minh chứng cho ranh giới mong manh giữa táo bạo và thất bại.
Vào những năm đầu thế kỷ 21, xu hướng thiết kế xe hơi tại Detroit là hồi sinh phong cách hoài cổ, đánh vào tâm lý hoài niệm của thế hệ Baby Boomer. Chrysler đã làm điều này với Plymouth Prowler, Ford cũng tham gia với Thunderbird thế hệ cuối. General Motors không thể đứng ngoài cuộc, nhưng thay vì đi theo con đường an toàn, họ lại tạo ra một sản phẩm không ai ngờ tới.

Hình ảnh chiếc Chevrolet SSR. Ảnh: General Motors
Khi Chevrolet SSR (Super Sport Roadster) ra mắt tại Triển lãm Ô tô Detroit năm 2000, hầu hết giới truyền thông và công chúng đều nghĩ rằng đây chỉ là một mẫu xe ý tưởng - một thiết kế táo bạo sẽ không bao giờ được đưa vào sản xuất. Nhưng họ đã nhầm.
Một số nhà báo ô tô khi đó khuyến khích Chevrolet sản xuất SSR, tin rằng thiết kế phá cách của nó sẽ thu hút khách hàng. Chiếc xe có ngoại hình nổi bật, kết hợp cùng động cơ V8 6.0L từ Silverado - một công thức hứa hẹn tạo ra một mẫu bán tải hiệu suất cao thực thụ. Nhưng họ cũng đã sai.
Chevrolet SSR: Một thiết kế gây tranh cãi
Đến năm 2003, Chevrolet chính thức tung SSR ra thị trường, khiến không ít người bối rối về mục đích thực sự của mẫu xe này. Phần đầu xe được lấy cảm hứng từ dòng bán tải Chevrolet Advance Design cuối những năm 1940 và 1950, kết hợp với thùng xe phía sau tạo cảm giác như đây là một mẫu bán tải thực dụng.
Tuy nhiên, thiết kế gầm thấp, thùng xe nông và được che bởi nắp cứng, cộng thêm cơ chế xếp gọn mui cứng vào khoang chứa phía sau, đã làm giảm đáng kể khả năng chở hàng.
Bên cạnh đó, các vòm bánh xe cơ bắp và cái tên "Super Sport Roadster" khiến nhiều người nghĩ đây là một mẫu xe hiệu suất cao.
Nhưng thực tế, khả năng vận hành của SSR không tương xứng với vẻ ngoài mạnh mẽ. Hiệu suất của xe không đủ ấn tượng, khiến không ít khách hàng cảm thấy bị "đánh lừa" và mất dần hứng thú, dù ban đầu họ bị thu hút bởi thiết kế độc đáo của nó.
Nội thất của một chiếc SUV, giá của một chiếc xe thể thao
Chevrolet SSR thực chất được phát triển dựa trên khung gầm của Trailblazer EXT, sử dụng động cơ V8 5.3L công suất 300 mã lực đi kèm hộp số tự động 4 cấp không mấy hấp dẫn. Điều này hoàn toàn không tương xứng với vẻ ngoài của một chiếc "hot rod", khiến nhiều người yêu xe thất vọng.
Lắng nghe phản hồi từ khách hàng, Chevrolet đã nâng cấp động cơ lên loại LS2 V8 6.0L, tương tự như trên Pontiac GTO và Chevrolet Corvette C6 thời đó, với công suất tăng thêm 90 mã lực.
Phiên bản này ra mắt từ năm 2005, đi kèm tùy chọn hộp số sàn 6 cấp Tremec, phù hợp hơn với hình ảnh thể thao của SSR. Dù những nâng cấp này cải thiện đáng kể trải nghiệm lái, nhưng không thể cứu vãn danh tiếng của mẫu xe này.
Một trong những yếu tố "kết liễu" Chevrolet SSR chính là mức giá. Với giá bán khoảng 40.000 USD thời điểm đó, nhiều khách hàng cảm thấy khó chấp nhận một chiếc bán tải có thiết kế lạ lùng nhưng lại không thực sự hữu dụng hay đủ mạnh mẽ để thỏa mãn đam mê tốc độ.
Kết cục của một mẫu xe "sinh nhầm thời"
Chevrolet quyết định khai tử SSR vào năm 2006 mà không nhiều người để ý. Trong suốt vòng đời, chỉ có khoảng 24.000 chiếc được bán ra - một con số quá thấp so với kỳ vọng.
Tuy nhiên, thất bại thương mại không đồng nghĩa với việc một mẫu xe sẽ mãi bị lãng quên. Lịch sử ngành ô tô từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự, như Plymouth Superbird hay Dodge Charger Daytona - những mẫu xe bán ế lúc mới ra mắt nhưng sau này trở thành biểu tượng sưu tầm.
Thế nhưng, Chevrolet SSR chưa đạt đến tầm vóc đó. Thị trường xe sưu tầm vẫn có những chiếc SSR chạy ít, được bảo quản tốt, nhưng giá trị của chúng không có nhiều biến động.
Phần lớn chủ xe may mắn thu hồi lại số tiền ban đầu, chỉ một số ít phiên bản đặc biệt được bán giá cao hơn một chút. Trong vài năm gần đây, giá trị của SSR vẫn lên xuống thất thường nhưng không có dấu hiệu tăng mạnh, cho thấy sự quan tâm từ giới sưu tầm vẫn khá dè dặt.
Liệu tương lai có thể mang lại bước ngoặt cho Chevrolet SSR? Trong thế giới xe sưu tầm, mọi thứ đều có thể xảy ra. Một yếu tố bất ngờ nào đó có thể khiến giá trị của mẫu xe này tăng vọt, giống như nhiều trường hợp trước đây.
Tuy nhiên, việc SSR nhắm đến đối tượng Baby Boomer có thể là một bất lợi, bởi thế hệ này đang dần rời xa thị trường. Trừ khi Gen Z hoặc những thế hệ tiếp theo tìm thấy sức hút đặc biệt từ mẫu xe này, Chevrolet SSR có lẽ sẽ vẫn chỉ là một chương lạ lùng trong lịch sử ngành ô tô.