Chuyện kỹ sư xây dựng nuôi ốc nhồi

Là giám sát thi công ngành Xây dựng, nhưng anh Phạm Văn Chung, thôn 2, xã Trung Môn (Yên Sơn) cũng là người nông dân tài ba. Ở tuổi 37, anh là chủ sở hữu của mô hình V-A-C với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Nhắc đến anh, nhiều người dân địa phương gọi bằng cái tên Chung 'ốc' bởi anh là người đầu tiên đưa 'ốc' về nơi đây.

Học nuôi ốc, bán ốc qua “nét”

Với suy nghĩ phải làm giàu từ chính đồng đất quê hương anh đã từng bước chuẩn bị cho mình mô hình kinh tế VAC để có “chỗ dựa” vững chắc phía sau. Cách đây 8 năm, anh bàn với gia đình tập trung phát triển cây bưởi, thanh long, ổi, nuôi cá, nuôi lợn. Qua từng năm, từ hiệu quả kinh tế tích lũy được, gia đình anh dần dần mở mang diện tích. Hiện nay, gia đình anh sở hữu 2 ha vườn cây ăn quả với 500 gốc bưởi các loại: Da xanh, Soi Hà, Cát Quế (trong đó 300 gốc đã cho thu hoạch); 500 gốc thanh long và 2 ao cá với diện tích mặt nước khoảng 1,2 mẫu.

Cũng bởi đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn, anh nhận thấy món ăn về ốc nhồi rất được nhiều người ưa chuộng. Qua tìm hiểu trên mạng Internet, anh đã lôi cuốn ngay về đặc điểm của loại vật nuôi này: Vốn đầu tư hạ tầng ít, nhân công ít, nguồn thức ăn là bèo, cỏ, rau củ quả thối hỏng; ốc sinh sản nhanh và đặc biệt là thu nhập cao. Anh đã đi tìm mua giống ốc ở nhiều nơi trong tỉnh nhưng chưa có nơi nào sản xuất ốc giống với quy mô lớn mà chỉ nuôi manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp, kỹ thuật nuôi chưa bài bản. Nảy lên ý định sản xuất ốc nhồi giống cũng là lúc anh quyết định bỏ nghề giám sát công trình. Đó là năm 2016, anh Chung đầu tư 5 triệu đồng mua ốc giống ở huyện Chiêm Hóa, cải tạo lại 2 ao cá để nuôi ốc. Để mở rộng khu nuôi ốc, hơn chục đầu ao liền kề nhau xưa là ruộng cấy lúa được anh thuê, mua, cải tạo thành ao nuôi ốc. Anh Chung chia sẻ: Nguồn nước sạch là tiêu chí đầu tiên trong nuôi ốc. Nước chảy ở đập Trung La về suối, tôi làm đường ống dẫn ngầm từ suối vào ao, bảo đảm tránh được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi chảy qua cánh đồng lúa.

Cải tạo lại dãy chuồng lợn bỏ không, anh Chung “ốc” mở rộng diện tíchsản xuất ốc giống trong thời gian tiếp theo.

Hai năm đầu, anh nuôi ốc nhồi để tự rút kinh nghiệm cho riêng mình. Anh chủ yếu học nuôi, nhân giống, chăm sóc qua mạng Internet, hội nhóm sản xuất ốc nhồi Online. Tuy nhiên, ở trên mạng khác thực tế nhiều lắm. Anh Chung lấy ví dụ: Ở trên mạng họ hướng dẫn cách ủ trứng bằng thùng xốp. Tuy nhiên, nếu để sản xuất với số lượng lớn thì cách này tốn rất nhiều công sức. Tôi nghiên cứu cách làm sàn ấp tại ao. Rổ đựng trứng đặt trên mặt sàn, bên dưới ao căng tráng (lưới). Mỗi ngày tưới ẩm từ 2 - 3 lần, lấy quần áo ẩm đặt lên trên chốc rổ. Trứng nở thành ốc con tự rơi xuống tráng.

Anh Chung còn chia sẻ với chúng tôi kho kiến thức về kỹ thuật nuôi, sản xuất ốc nhồi giống, ốc thương phẩm. Anh thử nghiệm sản xuất ốc giống ở ao, bể bê tông để so sánh so với ao đất, rút kinh nghiệm cho từng môi trường sống. Hay cách giữ ốc bố mẹ qua mùa đông, nuôi bèo tấm… Anh Chung chọn hướng đi sản xuất ốc giống chứ không nuôi thương phẩm. Bởi theo anh, nhu cầu ốc nhồi giống rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Anh nỗ lực, tập trung tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp kỹ thuật sản xuất ốc giống, nuôi ốc thương phẩm. Tự tin cung ứng giống ốc nhồi có chất lượng cao ra thị trường, anh làm video để đăng tải lên trên trang mạng xã hội Youtube để làm kênh quảng bá, bán sản phẩm.

“Năm 2018, tôi bắt đầu mở rộng quy mô nuôi ốc. Thời điểm đó, lợn rớt giá, rồi lợn bị dịch tả châu Phi, dịch bệnh trên cá, trạch… nên có rất nhiều người nông dân tìm hướng mới trong phát triển kinh tế. Những video về ốc của tôi thu hút được lượng rất đông người theo dõi, chia sẻ. Nguồn khách hàng cũng từ đây là chủ yếu” anh Chung chia sẻ.

Khách hàng của anh không chỉ ở trong huyện, tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh thành xa xôi ở khu vực phía Bắc. Cái tên Chung “ốc” bắt đầu từ đó. Với phương châm “Cùng hợp tác, cùng phát triển”, anh Chung chuyển giao lại toàn bộ kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho khách hàng mua ốc giống một cách tận tình.

Cùng hợp tác cùng phát triển

Một vụ ốc bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11. Trong đó, ốc giống được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9, còn lại giống không bán hết để làm thương phẩm. Ốc bố mẹ thay mới mỗi năm và để làm thương phẩm song chẳng lo ế bao giờ. Khách tranh nhau mua vì ốc bố mẹ rất chắc thịt. Anh Chung nhẩm tính, mỗi ngày trứng nở được 10 vạn con. Giá thị trường ốc giống giao động từ 4 triệu - 5 triệu đồng/1 vạn con (ước khoảng 0,8 - 1 kg). Chỉ riêng trong năm 2019, anh xuất ra thị trường 400 vạn con ốc nhồi giống, 3 tấn ốc nhồi thương phẩm, thu về trên 1,8 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 100 triệu đồng. Tháng 9-2019, anh tậu được xe ô tô con với trị giá 1,1 tỷ đồng. Đầu năm 2020, anh đã cải tạo lại dãy chuồng lợn đầu tư khoảng 140 triệu đang bỏ không để mở rộng sản xuất ốc nhồi giống. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng con giống là việc anh hướng đến trong thời gian tiếp theo.

Sàn ấp trứng ốc nhồi ngay tại ao của anh Phạm Văn Chung, thôn 2, xã Trung Môn (Yên Sơn).

Sàn ấp trứng ốc nhồi ngay tại ao của anh Phạm Văn Chung, thôn 2, xã Trung Môn (Yên Sơn).

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ con ốc nhồi, lại có anh Chung là điểm tựa vững chắc, nhiều người dân trong thôn 2, trong xã Trung Môn đã học hỏi, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi. Ông Nguyễn Văn Ngợn, Trưởng thôn 2 bày tỏ, thôn vốn có truyền thống phát triển thủy sản. Nay từ sức lan tỏa của anh Chung “ốc”, đã có khoảng 40 hộ dân trong xóm nuôi ốc. Có hộ đang thử nghiệm với diện tích nhỏ nhưng có những hộ mạnh dạn đầu tư, phát triển với quy mô từ vài sào. Trong số đó, phải nói đến ông Nguyễn Kim Viện, hàng xóm sát vách nhà anh Chung. Năm 2018, ông chuyển đổi 5 sào ruộng không có hiệu quả kinh tế cao sang nuôi ốc nhồi giống. Năm 2019, ông đã được thu khoảng 500 triệu đồng.

Sức lan tỏa từ Chung “ốc” tạo động lực cho nhiều người dân ở xã lân cận. Anh Lý Tuấn Cảnh, sinh năm 1990, thôn Làng Chẩu 2, xã Thắng Quân (Yên Sơn) anh là thợ lái máy múc để cải tạo ao nuôi ốc cho anh Chung. Tận mắt thấy được thành quả của anh Chung từ ốc, anh Cảnh đã về xây dựng mô hình nuôi ốc từ năm 2017. Nay, anh Cảnh đã bỏ hẳn nghề lái máy múc để nuôi ốc nhồi. Vụ năm 2019, với 4 sào ốc giống, anh Cảnh đã thu được 300 triệu sau khi trừ chi phí. “Anh Chung truyền cảm hứng cho tôi. Tôi là người đầu tiên đưa ốc nhồi về địa phương, nay tôi đã hướng dẫn cho 7 hộ trong thôn và ngoài thôn xây dựng mô hình, thu nhập trung bình khoảng 50-100 triệu đồng/năm” - anh Cảnh chia sẻ.

Tiếng tăm vang xa, mới đây anh được lãnh đạo huyện Tân Uyên (Lai Châu) mời đến để tư vấn kỹ thuật nhằm phát triển ngành nghề nuôi ốc. Anh Chung bày tỏ, hiện nay, nền nông nghiệp chưa bền vững song tôi vẫn tin, kỳ vọng vào con ốc nhồi sẽ không nhanh bị đào thải hơn so với những vật nuôi khác trong thời gian tới. Việc tìm kiếm, lựa chọn những vật nuôi mới đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt của người nông dân song cũng cần có cơ chế, sự quan tâm của các cấp, ngành để có được sự phát triển bền vững.

Cuộc trò chuyện của tôi với anh Chung “ốc” liên tục bị ngắt quãng bởi nhiều khách hàng gọi cho anh đặt hàng ốc nhồi giống, ốc thương phẩm. Anh cười vang khi một khách hàng đòi mua ốc: “Giờ làm gì có ốc cô ơi! Miền Bắc mà có thời tiết như miền Nam thì cháu thành tỷ phú lâu rồi”. Nghe anh nói chuyện, tôi thầm nghĩ, sẽ có nhiều tỷ phú từ nuôi ốc nhồi trong tương lai.

Ghi chép: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-ky-su-xay-dung-nuoi-oc-nhoi-131619.html