Tiếp tục làm thông thoáng môi trường kinh doanh

Trong 10 tháng năm 2024, có hơn 173.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, không ít kiến nghị tháo gỡ khó khăn của DN vẫn đang chờ giải quyết. Điều này làm chậm hoặc mất cơ hội kinh doanh của nhiều DN.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Ảnh: Thái Nhung.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Ảnh: Thái Nhung.

Nhiều điểm nghẽn

Theo Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2024 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 17,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khách quan là do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống người dân, đặc biệt là tác động của cơn bão số 3 vừa qua. Bên cạnh đó, DN gặp khó khăn về thị trường; thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để; việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực còn chưa triệt để; Sức cầu trong nước phục hồi chậm…

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, vướng mắc về thủ tục hành chính đứng thứ 2 trong top 3 vướng mắc mà DN gặp phải. Mặc dù Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, những kiến nghị của DN cũng chậm được giải quyết có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của DN.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, khó khăn của DN vẫn còn, nhiều kiến nghị của DN về hoàn thuế, tiếp cận tín dụng, đất đai, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp vẫn rất chậm được giải quyết hoặc xử lý không dứt điểm.

Tìm cách tháo gỡ

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, cải cách hành chính là việc làm cấp thiết nhằm rút ngắn thời gian, quy trình, tối ưu hóa hiệu quả, tạo điều kiện cho DN phát triển. Giải pháp mô hình “thu hút đầu tư/cấp phép đầu tư ưu tiên” gắn với các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm quốc gia và tìm các mô hình để lan tỏa bài toán ưu tiên cho dự án cũng được bà Thủy đề cập.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp DN gia nhập thị trường… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc…

Tại Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp” được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của DN để có phương án hoàn thiện thể chế, hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Qua đó góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN… Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực. Đồng thời phân cấp, phân quyền một cách thực chất, đảm bảo đủ khả năng để các cơ quan được phân cấp, phân quyền tổ chức thực hiện công việc.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiep-tuc-lam-thong-thoang-moi-truong-kinh-doanh-10294700.html