Chuyện lạ ở Kon Tum: Doanh nghiệp 'biến' bến xe thành siêu thị
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư biến bến xe thành siêu thị bán đồ điện tử và cho ngân hàng thuê mở văn phòng.
Bến xe Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum có diện tích 3939m2, nằm tại trung tâm huyện Đắk Hà, dọc trên trục đường Quốc lộ 14 chạy qua. Ngày 21/4/2010 của UBND tỉnh Kon Tum có quyết định số 390/QĐ-UBND, về việc tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình nhà của Bến xe. Tại thời điểm, Công ty TNHH Vĩnh Thành An Phú (gọi tắt Công ty Vĩnh Thành An Phú, 296 Hùng Vương, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, Kon Tum) đơn vị trúng giá đấu 5,6 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng đất được nêu rõ tại giấy chứng nhận số BR 621068, quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đất chuyên dùng (giữ nguyên huyện trạng bến xe gắn với kinh doanh một số dịch vụ khác).
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền. Ngày 25-11-2014, Công ty TNHH Vĩnh Thành An Phú được Sở Xây dựng Kon Tum cấp Giấy phép xây dựng số 49/GPXD, ngày 31-12-2014 tiếp tục cấp phép xây dựng số 56 tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 3 (thuộc tổ 6, thị trấn Đắk Hà) để Công ty TNHH Vĩnh Thành An Phú xây dựng nhà dịch vụ phụ trợ Bến xe Đắk Hà.
Trong thời gian này, Sở Xây dựng, Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn của huyện Đắk Hà đã có nhiều cuộc làm việc với Công ty TNHH Vĩnh Thành An Phú nhằm xác định vị trí xây dựng nhà phụ trợ thuộc quy hoạch đất bến xe. Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động của bến xe là phù hợp nhưng không được che khuất tầm nhìn nhận diện cổng ra vào của bến xe. Tuy nhiên, khi các công trình hình thành thì người dân địa phương vô cùng ngỡ ngàng khi thấy khu đất mặt tiền của bến xe đã bị biến thành siêu thị bán thiết bị điện tử, điện thoại và xây nhà cho ngân hàng thuê.
Lý giải vấn đề, ông Phan Đức Phương, giám đốc Công ty Vĩnh Thành An Phú lấy lý do hàng năm phải bù lỗ là hơn 2,1 tỷ đồng để kinh doanh bến xe. Để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho kinh doanh công ty đã ký hợp đồng với hai đối tác để đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ bến xe có ngành nghề kinh doanh phù hợp với Thông tư 49/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Công ty cũng đã xin Sở Xây dựng cấp phép hai công trình phụ trợ ở vị trí mặt tiền của bến xe và đã được cấp phép. “Việc doanh nghiệp triển khai phương án xây dựng công trình phụ trợ tại bến xe Đắk Hà mà chưa báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo huyện trước khi triển khai là có khuyết điểm” – ông Phan Đức Phương nhận khuyết điểm và mong các đồng chí lãnh đạo huyện thứ lỗi cho doanh nghiệp.
Qua kiểm tra, UBND huyện Đắk Hà phát hiện trong giấy phép xây dựng ghi các công trình xây dựng nhà dịch vụ phụ trợ bến xe, nhưng cụ thể là hạng mục gì thì không rõ. Đối chiếu với Thông tư 49/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT phần khuyến khích xây dựng không có hạng mục công trình thuê kinh doanh điện thoại di động, máy tính và cho các ngân hàng thuê để hoạt động kinh doanh.
Ông Hoàng Nghĩa Trí, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng xin ý kiến việc Công ty Vĩnh Thành An Phú xây công trình trên có đúng với nội dung các công trình nhà dịch vụ phụ trợ bến xe hay không? Tuy nhiên, Sở Xây dựng trả lời rằng: “Việc sử dụng các công trình vào mục đích dịch vụ thương mại phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách được ban hành kèm theo Thông tư 49 49/2012/TT-BGTVT và phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Nhiều người dân (trú thị trấn Đắk Hà) phản ánh, nếu không phải người dân địa phương thì không ai có thể biết bến xe Đắk Hà nằm ở đâu vì phần mặt tiền đã bị mang đi cho thuê, sử dụng sai mục đích khác rồi. “Nhà nước bán đấu giá đất cho tư nhân thế nào chúng tôi không được biết. Chỉ thấy hiện nay bến xe không còn là bến xe mà đã biến thành siêu thị bán điện thoại di động, ngân hàng kinh doanh” – một người dân bức xúc nói và cho biết trước đây thu hồi đất của người dân để làm bến xe nhưng nay lại giao cho tư nhân thuê làm siêu thị, ngân hàng là không thể chấp nhận được.