Chuyện lạ ở làng đồng nát có trăm tỷ phú

Xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) rất giàu có với hàng trăm tỷ phú nổi tiếng bởi thú chơi đồ cổ.

Nhưng những tỷ phú này sẵn sàng rời nhà lầu xe hơi, sắm vai người mua đồng nát, chạy chiếc xe máy cà tàng, thậm chí xe đạp rong ruổi khắp các ngõ ngách tìm đồ cổ.

Sắm vai đồng nát đi săn đồ cổ

Từ TP Nam Định xuôi về phía Đông Nam theo quốc lộ 21 chừng hơn 30km là đến xã Hải Minh. Dọc đường vào xã là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự trông giống như lâu đài, mọc lên san sát.

Bình phong cổ có xuất xứ ở Huế bị thất lạc sang Pháp được anh Tuân mua cách đây gần chục năm.

Bình phong cổ có xuất xứ ở Huế bị thất lạc sang Pháp được anh Tuân mua cách đây gần chục năm.

Khu Tân Tiến là trung tâm xã Hải Minh có hàng chục cửa hàng buôn bán đồ cổ, trưng bày hàng trăm món từ đồng đến sành sứ, nhiều món giá trị vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.

Nơi đây không nhộn nhịp người mua kẻ bán như những khu buôn bán khác, nhưng đôi khi khách ghé thăm, sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng mua những món đồ thoạt nhìn cũ kỹ như cuốn thư thiếp vàng; tủ áo ba buồng gỗ trắc; đôi chóe gốm sứ; câu đối khảm ốc… Thậm chí, có những món đồ bày bán tại đây trị giá vài tỷ, bởi chúng đều là đồ cổ.

Hiện Hải Minh có khoảng 50 "trùm" buôn bán đồ cổ, chưa kể hàng trăm "cò" chuyên môi giới, săn lùng đồ cổ về bán "lướt" lại cho các "trùm". Ngoài ra, Hải Minh còn có khoảng 1.000 hộ làm đồ giả cổ cao cấp.

Anh Huy, chủ một cửa hàng đồ cổ chia sẻ, để có được những mặt hàng đồ cổ bày bán là cả một quá trình tìm kiếm, sưu tầm.

Có người mang đồ cổ đến tận cửa hàng bán, nhưng có rất nhiều người sở hữu đồ cổ trong nhà, mà không hề biết đó là đồ cổ.

Nên khi dân săn đồ cổ đi tìm tòi, phát hiện ra thì thường sẽ mua được món đồ đó với giá ít hơn khá nhiều so với giá trị thật. "Đó là lý do vì sao, nghề đồ cổ gắn liền với nghề đồng nát", ông Huy chia sẻ.

Dân buôn đồ cổ ở đây vẫn kể, "trùm" Huy thấy chiếc điếu cổ gốm sứ tích vẽ chim hoa, ngỏ ý hỏi mua thì gia chủ nói vui "giá 1 chỉ vàng".

Ông Huy lập tức mở ví trả đủ tiền, khiến gia chủ giật mình, mừng như trúng số. Nhưng họ không hề biết, chỉ vài ngày sau chiếc điếu đã được ông Huy bán giá 1 cây vàng.

Hay "trùm" Thiện trong một lần nhờ hành nghề đồng nát tại Thái Bình, đã từng mua được chiếc bát cổ chế tác từ thời vua Thiệu Trị với giá 1 chỉ vàng và giá bán tới 1,2 cây vàng.

"Từ nghề đồng nát rong, dân chơi đồ cổ Hải Minh mua được những món đồ cổ trong dân với giá như đồ cũ phế liệu, lãi có thể gấp 10-20 lần vốn bỏ ra, thậm chí hơn. Chính vì thế, nhiều dân buôn đồ cổ trở thành tỷ phú chỉ sau vài năm gia nhập nghề", ông Huy khoe.

Anh Phạm Văn Tuân (sinh năm 1980, xóm 31, xã Hải Minh) cho biết, cả xã có gần 100 tỷ phú chuyên nghề đồng nát. Hầu như tất cả những tỷ phú đó đều là những tay chơi đồ cổ nổi tiếng Nam Định, họ còn là những đầu mối thu mua hoặc rao bán những món đồ cổ mà bất kỳ dân chơi đồ cổ nào cũng phải ao ước.

Anh Tuân chia sẻ, anh có bộ đồ bình phong cổ có xuất xứ ở Huế bị thất lạc bên Pháp, được anh mua cách đây gần chục năm. Năm 2022 khách trả anh 1 tỷ đồng anh không bán.

Cũng như anh Tuân, có thể điểm mặt một số cổ vật nổi bật mà ai cũng biết ở xã Hải Minh như: bộ tam khẩu bình của anh Trần Văn Lưu, giá sơ sơ trên 1 tỷ đồng hay bộ ghế khánh của anh Trần Văn Sơn, giá 1 tỷ đồng, đĩa Huế tích "Khánh xuân thị tả" của anh Kim được giới chơi định giá gần 2 tỷ đồng; ông Vương Văn Thực có chiếc "long sàng đế vương" nạm tới 86 viên ngọc trai và vô vàn trai, ốc quý hiếm…

"Mỗi người chơi đồ cổ đều giữ cho mình vài ba món quý giá nhất. Chiếc long sàng này xuất xứ Trung Quốc, của một vị vua dưới triều nhà Thanh tặng cho vua nhà Nguyễn, những miếng đá trên giường và toàn bộ ngọc quý đều được xếp theo thuyết ngũ hành tương sinh, tương khắc giúp cho người nằm lên đó được an thần, ngon giấc, tràn trề sinh lực. Tôi mua long sàng tại Cần Thơ vào năm 1997 với giá 14 cây vàng. Nhiều người đã trả giá hàng tỷ đồng nhưng tôi không bán", ông Thực cho hay.

Kiên trì và… dám chi

Không phải lúc nào việc săn đồ cổ cũng dễ dàng. Ông Trần Lưu, một dân chơi đồ cổ Hải Minh chia sẻ, nhiều món đồ cổ, ông phải mất hàng chục năm săn tìm mới có duyên được sở hữu.

Như chuyện mua đồ cổ ở nhà cụ Lang Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định, ông dành cả chục năm kiên trì làm thân với gia đình vẫn chưa mua được.

Đến khi cụ bà ốm, ông Lưu sang chơi, ngồi chờ từ 8h - 11h30 mới khẽ khàng vào thưa chuyện, lúc đó mới được ông bà đồng ý chuyển nhượng cho 10 món đồ sứ cổ.

Ngoài nhiều tỷ phú, Hải Minh còn nổi tiếng với cây Cầu Ngói xây cách đây 5 thế kỷ.

Ngoài nhiều tỷ phú, Hải Minh còn nổi tiếng với cây Cầu Ngói xây cách đây 5 thế kỷ.

"Kinh nghiệm của dân buôn đồ cổ, đã rời nhà phải ôm theo tiền, gia chủ đồng ý bán là phải chồng tiền, không mặc cả, chần chừ hay rời đi là rất khó để mua được nữa.

Bởi người có đồ cổ thường lưu luyến món đồ của mình, rất dễ thay đổi quyết định; hoặc trong gia đình đó sẽ có người cản, không muốn bán", ông Lưu cho hay.

Ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch xã Hải Minh cho biết, nghề đồng nát của địa phương đã có từ mấy chục năm trước. Tuy nhiên, nghề ban đầu xuất phát từ cuộc sống nghèo khó, những người buôn đồng nát chỉ đi vào những ngày nông nhàn.

Nhưng bằng con mắt tinh tường, khả năng kinh doanh nhanh nhạy, cơ duyên với nghề, một số người trong quá trình đi buôn đồng nát đã mua được những món đồ cổ rồi phất lên nhanh chóng, kéo theo những người làng khác đi theo cánh "đồng nát quý tộc" này.

"Có những người đi đồng nát mua một đầu tượng Chăm cổ giá vài triệu đồng, không ngờ nó bằng vàng nên về bán được 180 triệu đồng; Hay có khi một bộ ấm chén sứ cổ mua chỉ vài trăm nghìn, bán được tận vài trăm triệu.

Vì vậy, nhiều con em Hải Minh quang gánh lên đường, nhưng không phải là buôn bán đồng nát lông gà, lông vịt, mà chỉ trong vai đồng nát để dùng con mắt tinh tường chuyên tăm tia đồ cổ", ông Phong chia sẻ.

Khoảng hai chục năm trở lại đây, Hải Minh trở thành làng đồng nát xuyên quốc gia, dọc ngang khắp Bắc - Trung - Nam với những hội nhóm đông đảo, mạnh nhất là hội của dân xóm 9 với hàng trăm người.

Có gia đình 3 thế hệ cũng rong ruổi với nghề, bố dạy cho con, con dạy cho cháu. Người Hải Minh mua hết các vật dụng cũ như gốm sứ, đồ gỗ, kim khí… cũ về, rồi có cái được phân loại thành đồ cổ, có cái cũng chỉ là đồ cũ sửa chữa lại để bán. Vì thế, ở Hải Minh cũng có một đội ngũ chuyên phục vụ, sửa chữa đồ cũ, đồ cổ.

"Nghề "đồng nát quý tộc" tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở Hải Minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Hải Minh hình thành nhiều nghề chỉ để phục vụ đồ cổ. Người chuyên sửa chữa, người chuyên buôn bán, người chuyên thu gom và thậm chí có cả những người chuyên nghề thẩm định chất lượng và thẩm định giá", ông Phong cho hay.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-la-o-lang-dong-nat-co-tram-ty-phu-192231208193416479.htm