Chuyện lạ ở ngôi làng hơn 20 năm coi cò như 'vật báu'

Cứ chiều về, hàng nghìn con cò chao lượn trên bầu trời rồi tìm những ngọn cây làm nơi trú ngụ, tạo nên một khung cảnh vùng quê bình yên, an lành. Để giữ được đàn cò như ngày hôm nay, cả làng phải cùng nhau bảo vệ. Họ coi những con cò như là người thân của mình…

Anh Tạo tự hào vì đàn cò trú ngụ nơi làng quê mình. Ảnh: Sơn Nguyễn

Anh Tạo tự hào vì đàn cò trú ngụ nơi làng quê mình. Ảnh: Sơn Nguyễn

Cả làng bảo vệ đàn cò

Hàng chục năm nay, tại thôn Trại Lê (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), người dân đã quen thuộc với hình ảnh mỗi buổi chiều có tới hàng nghìn con cò bay về rặng cây trong thôn để ngủ sau một ngày kiếm ăn. Ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng thôn Trại Lê kể, cò bắt đầu bay về đầm Bù khoảng trước năm 2000, theo thời gian số lượng tăng dần, đến nay là 5.000 con. Mùa trú ngụ của cò từ tháng 5 năm trước đến tháng 8 năm sau. Mùa sinh sản, cò bay đi khoảng 2 tháng thì quay lại trú ngụ trên những rặng cây trong thôn. Cũng theo ông Lâm, đầm Bù rộng khoảng 2ha, mực nước sâu hơn 1m, xung quanh mọc nhiều cây đước bần và lộc vừng. Đây là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò.

Trước đây khi thấy cò về đầm Bù, nhiều thợ săn đã đặt bẫy bắt, đem về chế biến món ăn hoặc bán kiếm lời. Việc này khiến chim chỉ về rải rác, chưa đến mùa sinh sản thì chúng đã bay đi chỗ khác. Thôn sau đó họp bàn, đưa việc bảo vệ đàn cò vào hương ước, nhắc nhở người dân chấm dứt nạn săn bắn.

"Trong các buổi họp, thôn tổ chức tuyên truyền vận động người dân không săn bắt và làm động đến đàn cò. Ý thức người dân rất tốt. Nếu có người lạ vào săn bắn, chúng tôi đuổi đi ngay. Dần rồi quen, người dân trong thôn chúng tôi coi đàn cò như là báu vật cần phải gìn giữ", ông Lâm chia sẻ.

Ông Thân Văn Hùng (ở thôn Trại Lê) cho hay: "Đàn cò có ở đây hơn 20 năm rồi. Có những thời điểm chúng sà xuống cánh đồng của thôn tìm mồi trắng xóa. Người dân chúng tôi coi đàn cò như là những người bạn. Ai cũng tâm niệm "đất lành chim đậu" nên mọi người đều cùng nhau bảo vệ".

Thôn Trại Lê có 220 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Đây là vùng trung du của xã Quang Lộc, người dân chủ yếu làm ruộng, thanh niên lớn lên thường đi xuất khẩu lao động. Miền đất này có khí hậu ôn hòa, trước đây có nhiều cây xanh như tre, nứa… song hiện cũng đã được chặt bỏ nhiều để làm hạ tầng nông thôn mới.

Đưa việc bảo vệ cò vào hương ước

Đàn cò bay về trú ngụ tạo nên khung cảnh yên bình.

Đàn cò bay về trú ngụ tạo nên khung cảnh yên bình.

Đầm Bù nằm sát đường liên xã, lượng người qua lại đông. Cách đây khoảng 5 năm, người dân đã góp tiền xây một bờ rào dài hơn 50m sát đường để hạn chế người lạ xâm nhập, tạo sự yên tĩnh cho đàn cò trú ngụ. Thỉnh thoảng có nhiều con cò bị thương vì nạn săn bắn, người dân nơi đây lại mang chúng về chăm sóc, chữa lành vết thương rồi thả về tự nhiên. Người dân đang hướng đến xây dựng vùng này giống như một khu sinh thái.

Anh Nguyễn Văn Tạo (trú tại thôn Trại Lê) cho biết, năm ngoái, bèo tây phủ kín đầm, đàn cò hơn một tuần không quay về. Thôn đã huy động mỗi gia đình cử một thành viên ra dọn bèo, làm sạch bờ hết bốn ngày, vài hôm sau chim trời trở lại. "Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu có đàn cò đông như vậy. Lúc đầu tôi cũng thấy lạ nhưng mãi rồi cũng thành quen. Cứ sáng dậy nhìn đàn cò kéo nhau đi kiếm ăn rồi chiều chiều nhìn chúng lại kéo nhau về trú ngụ trong làng cảm giác rất yên bình. Việc bảo vệ đàn cò đã được đưa vào trong hương ước của thôn nên chuyện săn bắn gần như không xảy ra trong nhiều năm qua", anh Tạo nói.

Đối với người dân thôn Trại Lê, đầm Bù như một địa danh thiêng liêng được ông trời ban cho. Vì thế, mỗi người dân đều mang sứ mệnh bảo vệ đàn cò như chính người thân của mình.

Trao đổi với PV, ông Đặng Đình Vinh - Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: "Từ rất lâu rồi người dân thôn Trại Lê đã cùng nhau bảo vệ đàn cò hàng nghìn con. Vì được bảo vệ không có người đến quấy phá nên cò phát triển ngày càng đông. Ý thức bảo vệ của người dân rất tốt nên người lạ cũng không ai dám vào đây săn bắt. Thời gian qua cũng đã có rất nhiều người từ nơi khác đến ngắm đàn cò này. Đây là một nét đẹp mà không phải địa phương nào cũng có được".

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-la-o-ngoi-lang-hon-20-nam-coi-co-nhu-vat-bau-20200316193819945.htm