Chuyện lạ về cây đa cổ thụ có 3 gốc 'độc' cạnh đền thờ vua
Có nhiều câu chuyện lạ liên quan tới cây đa cổ thụ có 3 gốc độc cạnh đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Cây đa mọc trên lá cọ?
Cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 50 km theo tuyến đường Quốc lộ 21B đi về huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội, có một ngôi đền nổi tiếng, mang đậm giá trị lịch sử khi lưu giữ được một lượng lớn sách cổ và cây đa tía 3 gốc được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đó là đền Bách Linh, tọa lạc tại làng Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa.
Đền Bách Linh là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 100 vị thần của 47 xã thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ trước đây, nay là các huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức (Hà Nội).
Tới đền Bách Linh, ngoài những bộ sách cổ, khách thập phương rất thích thú trước hình thù độc đáo của cây đa tía cổ thụ trăm năm tuổi với 3 gốc đâm thẳng xuống đất. Cây đa tía có tổng chiều cao từ gốc đến ngọn khoảng 20m, với thân cây chính khoảng 4 người ôm, 3 gốc cây tạo hình như chiếc kiềng 3 chân cân đối.
Ông Nguyễn Như Tơ (SN 1945, trú làng Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam), người thủ từ đền Bách Linh đã hơn 10 năm nay cho hay, cây đa tía này đã có tuổi đời khoảng hơn 120 năm.
“Theo lời các cụ cao niên truyền lại đến đời tôi thì cây đa này mọc lên sau khi đền Bách Linh đã kiến tạo. Cái cách cây mọc lên cũng là một câu chuyện kỳ lạ.
Trước đây, tại vị trí đối diện mái đền là một cây cọ đã trưởng thành. Một ngày, có một con chim ăn quả và nhả hạt rơi vào tán cọ. Ngày qua ngày, hạt đa đâm chồi nảy nở mọc lên ngay trên cây cọ với rễ chia làm 3 phủ xuống đất.
Các cụ ngày ấy thấy tự nhiên có cây đa non mọc trên cây cọ, rễ phủ xuống đất mới ra cố định 3 rễ của cây xuống đất, còn lại để cây phát triển tự nhiên. Mấy năm qua đi, cây đa ngày ngày hút chất dinh dưỡng từ đất mới lớn dần lên, đè chết và thay thế vị trí cây cọ”, ông Tơ nói.
Chuyện rắn “khủng” xuất hiện không sợ người
Ông Nguyễn Như Tơ chia sẻ, cây đa tía cổ thụ là di tích lịch sử sống, gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân làng Dư Xá Thượng. Cây đa che chở, là bóng mát cho biết bao khách thập phương mỗi khi đến đền Bách Linh.
Vị thủ từ ngôi đền kể, người dân trong làng truyền tai nhau nhiều chuyện lạ liên quan tới đền Bách Linh và cây đa tía 3 gốc nhưng ông chỉ chia sẻ câu chuyện ông khẳng định trực tiếp nhìn thấy.
“6 năm trước tôi từ nhà con trai tới đền thì hốt hoảng phát hiện dưới gốc đa có con rắn hổ mang to, dài khoảng hơn 2m nằm im lìm trên nền đất.
Lúc ấy tôi đã chạy đi gọi một số người dân ở gần đền cùng đến chứng kiến nhưng không ai dám lại gần. Dù biết để đó thì nguy hiểm nhưng chẳng ai dám bắt vì thấy rắn ở trong khuôn viên đền”, ông Tơ kể.
Theo ông Tơ, con rắn thấy người nhưng không bò đi ngay mà vài giờ sau mới bỏ đi. Do sợ con rắn có thể quay lại gốc đa nên ông Tơ cấm các cháu nhỏ tới đền một thời gian dài.
Trao đổi với PV về cây đa cùng câu chuyện rắn “khủng”, ông Nguyễn Như Tuyển, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết đền Bách Linh và cây đa cổ thụ, rễ chia làm 3 đã có từ rất lâu đời.
“Đền Bách Linh thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng các vị thần của các vùng lân cận ven sông Đáy. Cây đa tía 3 gốc trong khuôn viên đền cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2015. Tổ hợp đền và cây đa đã trở thành một nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trên địa bàn xã.
Về phần câu chuyện con rắn hổ mang to lớn nằm phủ phục dưới gốc cây đa cũng là câu chuyện truyền miệng ở địa phương.
Lúc người dân phát hiện con rắn cũng không báo tin đến chính quyền địa phương. Bản thân tôi cũng chỉ được nghe kể lại nhưng quả thật vì là vùng ven sông, đồng ruộng nhiều nên quanh khu vực xã cũng thường xuyên xuất hiện rắn. Tuy nhiên loại rắn hổ mang tại địa phương chưa phát hiện con nào to, dài khoảng 2m”, ông Tuyển cho hay.
Năm 2015, cây đa tía 3 gốc tại đền Bách Linh đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Ngoài quyết định và Bằng công nhận cây di sản, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng kiến tạo bia Cây di sản Việt Nam ngay cạnh 3 gốc cây của cây đa tía.