Chuyện làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh

Trước đây, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tuy phát hiện giống sâm quý Ngọc Linh, nhưng chỉ xem nó là loại thảo dược và giữ kín thông tin để dành cho dân bản dùng mỗi khi đau bệnh.

Nhưng gần 20 năm qua, với mô hình liên kết doanh nghiệp và người dân cùng bảo tồn và phát triển giống sâm quý này, hàng ngàn người dân đã có việc làm với thu nhập ổn định, trên 300 hộ gia đình thoát nghèo và đang quyết tâm làm giàu, nhiều hộ gia đình ngoài xây được nhà to, đẹp, còn sắm được cả ô tô để… đi rẫy…

1. Con đường Quốc lộ 40B chạy trên lưng chừng núi nối trung tâm huyện đến dãy Ngọc Linh mềm mại như dải lụa uốn lượn trên “nóc” những thửa ruộng bậc thang, ôm lấy những cánh rừng già xanh mướt. Vừa qua trung tâm hành chính xã Măng Ri được một đoạn, cửa rừng đã hiện ra phía trước, dưới chân con đường mòn dựng đứng như chạy thẳng lên cổng trời. Ngôi nhà của gia đình A Din nằm bên vách núi, nhưng vừa đến nơi thì người nhà bảo ông phải lên đỉnh núi từ sớm để dọn cỏ cho vườn sâm và hướng dẫn tôi tiếp tục ngược hết con đường mòn thì sẽ gặp.

 Ông A Sỹ - Bí thư xã Măng Ri giới thiệu về quy trình chăm sóc, bảo vệ cây sâm quý trên đỉnh Ngọc Linh.

Ông A Sỹ - Bí thư xã Măng Ri giới thiệu về quy trình chăm sóc, bảo vệ cây sâm quý trên đỉnh Ngọc Linh.

A Din sinh năm 1965 tại xã Măng Ri. A Din “bắt vợ” (cưới vợ) rồi quyết định ra riêng và phát vốn đã thiếu trước, hụt sau lại càng khó khăn hơn khi lần lượt 4 đứa con ra đời. Năm 2000, khi cán bộ huyện, xã cùng đại diện một doanh nghiệp đến vận động ông cùng bà con lên đỉnh dãy Ngọc Linh trông giữ cây sâm với chế độ ngoài lương còn được nuôi ăn, ở, nhưng ông cùng một số bà con nghĩ loài này cũng giống như những loại thảo dược khác, làm sao đổi lấy gạo nuôi cả nhà được, nên đã từ chối. Trận lở núi năm 2007 đã quét sạch mấy rẫy ngô, sắn, lại phủ lớp đá dày khắp mặt rẫy khiến A Din cùng một số hộ gia đình khác lâm vào ngõ cụt, trong khi mấy đứa con đang trong độ tuổi ăn, tuổi lớn mà không có cách nào xoay xở kiếm đủ cái ăn cho chúng được.

Trong lúc túng quẫn, A Din bàn với một số người cùng cảnh ngộ tìm đến nhà A Sỹ (lúc đó là Chủ tịch UBND xã Măng Ri) nhờ xin cho làm việc trong nông trường của doanh nghiệp. Tuần đầu tiên, A Din cùng những người mới được tiếp nhận được cho cái ăn, chỗ ngủ rồi cùng các kỹ sư vào rừng học cách chăm sóc cây sâm như: Bắt sâu, nhổ cỏ vét mùn vun vào gốc chứ không được phép bón bất cứ loại phân bón nào. Sau tuần đầu tiên ấy, A Din cùng bà con được phát quần áo, giày đi rừng, đèn pin… và còn được trả lương, tặng gạo mang về nuôi gia đình.

Năm 2010, A Din cùng những bà con cùng đợt được chủ vườn (doanh nghiệp đầu tư trồng cây sâm) tin tưởng, giao cho trọng trách ban ngày thì chăm sóc, ban đêm đi tuần tra bảo vệ chống trộm sâm nên cái nghèo đã dần bị bỏ lại phía sau, không cần phải lo chạy bữa sáng, mất bữa tối như trước nữa. Đời sống gia đình A Din cùng một số bà con thực sự đi lên khi ít năm sau chủ vườn giao cho vài sào rẫy, tặng trăm cây sâm giống để bà con tự trồng, chăm sóc và đến khi trưởng thành thì chủ rừng sẽ thu mua lại hoặc bán cho ai cũng được, miễn là đảm bảo giá trị.

Bắt sâu, nhổ cỏ cho vườn sâm.

Bắt sâu, nhổ cỏ cho vườn sâm.

Vừa làm cho chủ rừng, vừa trồng cho riêng mình, A Din cũng như hàng trăm hộ gia đình khác đã có hàng ngàn gốc sâm từ một đến hàng chục năm tuổi. “Chính quyền với chủ vườn cho mình việc làm, cho mình cơm ăn, áo mặc thì phải làm tốt thôi, nếu gian dối thì thần rừng sẽ phạt đấy. Lúc đầu chỉ tính đi làm để từ từ thoát nghèo như mấy gia đình hàng xóm thôi, nhưng làm tốt nên mình được nuôi cơm, cho quần áo, thuốc men, lại còn có lương mang về cho vợ. Bây giờ mình đã có nhà mới to, đẹp lắm, có ti vi to bằng cửa sổ, tủ lạnh, 4-5 chiếc xe honda; các con cũng được cho ăn học thành tài và tự biết kiếm tiền, riêng hai đứa lớn đã bắt vợ, đẻ được 4 cháu nội rồi. Chủ vườn mới tặng hơn trăm cây giống, giao thêm vài sào rẫy nên mình ở luôn trên này, khi nào cây bén rễ thì về thăm nhà… Tổng cộng bây giờ mình có gần ngàn gốc sâm, hôm rồi nhổ được 40 củ mang ra hội chợ bán được hơn 300 triệu, sang năm lại nhổ những củ đến lứa bán lấy tiền cho con út đi học ở thành phố…”- A Din chia sẻ.

2. Tạm biệt A Din, chúng tôi xuống núi, tìm gặp A Chung (một trong những nông dân điển hình của xã Măng Ri). Rẫy của A Chung nằm ở độ cao 1.900-2.000m so với mực nước biển; được che phủ bởi những tán rừng nguyên sinh nên nhiệt độ lúc nóng nhất cũng ít khi vượt quá 23 độ C, độ ẩm trung bình từ 85,5-87,5% nên ở đây luôn mát mẻ, dễ chịu. Cũng như nhiều đồng bào Xơ Đăng trong vùng, ngày ấy, khi chính quyền huyện, xã và doanh nghiệp vận động lên núi Ngọc Linh chăm sóc cây sâm, A Chung lắc đầu.

Bữa cơm tối của những người chăm sóc, bảo tồn, phát triển giống sâm quý.

Bữa cơm tối của những người chăm sóc, bảo tồn, phát triển giống sâm quý.

Năm 2006, khi thấy một số bà con dựng được nhà sàn mới, mua xe gắn máy, cho con đi học ngoài tỉnh, A Chung mới tìm hiểu lại và tìm đến nhà bí thư xã nhờ xin giúp cho vào làm việc. Nhờ thông thạo địa hình, địa vật do có thời gian dài đi rừng, lại am hiểu về một số loài thảo dược nên A Chung bắt nhịp rất nhanh với công việc chăm sóc, bảo tồn, phát triển giống sâm quý. Thời gian sau, chủ doanh nghiệp giao cho anh các công việc như: Chăm sóc cây sâm, tuần tra bảo vệ khu vườn rộng hàng trăm ha và hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân mới... Năm 2007, A Chung được doanh nghiệp giao riêng cho một khu rẫy lớn, tặng cho 200 cây sâm giống rồi bảo anh tự trồng, tự quản lý làm của riêng cho gia đình.

“Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, mình chỉ tìm nơi thích hợp để hạ cây giống xuống, đến khi bén rễ thì vun mùn ấp vào gốc, bắt sâu, nhổ cỏ, trị nấm chứ không được bón bất cứ loại phân nào. Ít năm sau, khi vườn sâm xanh tốt, mình bàn với vợ tằn tiện dành tiền lương của mình cho con xuống TP Kon Tum học cấp 2, cấp 3 rồi xuống TP Hồ Chí Minh học đại học. Đầu tháng 2 vừa rồi, huyện và doanh nghiệp tổ chức hội chợ giới thiệu các loại thảo dược và giống sâm quý trồng trên đỉnh Ngọc Linh, mình cũng hơi dè dặt. Được cán bộ huyện vận động, mình tỉa ít củ sâm hơn chục năm tuổi mang ra hội chợ và khách đã mua sạch, thu được hơn tỷ đồng, mình mua ngay 1 xe ô tô bán tải để đi rừng, dành 600 triệu cho hai con đóng học phí đại học ở TP Hồ Chí Minh, còn lại đưa cho vợ sắm sửa vật dụng gia đình. Cây sâm quý đã cho gia đình A Chung khá giả nên mình quyết tâm vừa làm tốt công việc doanh nghiệp giao, vừa nhận thêm rẫy trồng thêm sâm và cũng hướng cho các con sau khi học đại học xong về đây tiếp tục phát huy công việc của cha; vì nếu bảo tồn, phát triển tốt, chắc chắn cây sâm sẽ cho các con cuộc sống giàu có...”, A Chung tâm sự.

3. Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, có 1.650 ha là của các doanh nghiệp, số còn lại gần 70 ha là của gần 40 nhóm với trên 300 hộ dân cùng cán bộ, viên chức tham gia liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân khá hiệu quả, bền vững, ưu tiên cho từ 500-700 lao động là người địa phương có việc làm với thu nhập ổn định, có tiền xây dựng được nhà mới khang trang, mua sắm xe gắn máy, ti vi, tủ lạnh…, đặc biệt có nhiều hộ gia đình lao động giỏi còn sắm được cả xe ô tô bán tải đời mới để đi rẫy.

Những ngôi nhà của người dân trồng sâm ở xã Tê Xăng.

Những ngôi nhà của người dân trồng sâm ở xã Tê Xăng.

Ngày đầu, khi doanh nghiệp mới được giao bảo tồn và phát triển giống sâm quý, hiếm này rất khó khăn trong việc vận động người dân tham gia mặc dù được trả lương, cho gạo, quần áo và nhu yếu phẩm. Để gỡ khó, UBND huyện cùng doanh nghiệp tìm các giải pháp tháo gỡ và đi đến quyết định áp dụng “Mô hình liên kết”.

Theo đó, người dân tham gia ký kết lao động với doanh nghiệp, ngoài việc được trả lương, tặng nhu yếu phẩm, đối với những ai đã nắm được kỹ thuật và quy trình chăm sóc do doanh nghiệp hướng dẫn còn được giao rẫy để tự quản lý và cho cây giống sâm mang về trồng và đến khi thu hoạch có thể bán cho doanh nghiệp hoặc bán ra thị trường tùy ý, miễn phải đảm bảo giá trị.

Có được phương án, UBND huyện giao cho chính quyền các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây phối hợp cùng doanh nghiệp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân và đến khi họ đồng ý tham gia thì trực tiếp cầm tay chỉ việc để hướng dẫn cho bà con. Khi người dân đã hiểu và tự nguyện gắn bó với công việc này thì tiếp tục tuyên truyền để họ quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sâm giống và phải luôn nói không với những hành động tiếp tay cho các loại sâm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ trà trộn với sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

Việc bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh theo đúng vùng chỉ dẫn địa lý thì cần phải có nhiều giải pháp và trách nhiệm từ nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia. Riêng đối với huyện Tu Mơ Rông, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nguồn gốc giống trồng mới; quản lý vùng trồng, đối tượng trồng theo hướng chặt chẽ hơn đến từng hộ dân, tiểu khu để tránh sự xâm nhập của cây sâm khác vào huyện; phối hợp kiểm tra và cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sâm củ. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về giá trị cây sâm từ núi Ngọc Linh, duy trì thường xuyên phiên chợ trực tiếp và trực tuyến để người dân trong và ngoài nước được tiếp cận các sản phẩm sâm Ngọc Linh có nguồn gốc rõ ràng, đúng chỉ dẫn địa lý, trồng đúng núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông.

Đức Cương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-lam-giau-tren-dinh-ngoc-linh-i684291/