Chuyến lội rừng năm ấy
Hôm rồi, tôi lái xe chở 2 ông bạn là nhà văn Phạm Đức Long và kiến trúc sư Lê Vinh đi xuyên Việt. Khi dừng nghỉ ăn trưa ở Đak Glei, anh nào cũng tranh nhau kể kỷ niệm nơi này. Hóa ra ông Vinh đã lên đây ở cả năm trời từ hồi 1976. Ông Long muộn hơn, đâu như năm 1983. Còn tôi là cuối năm 1981, thuở Gia Lai-Kon Tum còn chung tỉnh.
Hồi ấy, tôi mới chỉ biết Đak Glei qua... thơ Tố Hữu và có 1 anh làm cùng cơ quan, người Giẻ Triêng, rất ít khi thấy anh về nhà vì từ Pleiku lên đến Đak Glei phải... 3 ngày ngồi thùng xe Zin 3 cầu chứ xe khách không thể lên được. Có lần lên đến Kon Tum, nhìn mây bay ngơ ngẩn trên một đỉnh núi vời vợi, mọi người bảo: Đỉnh Ngọc Linh đấy, trên ấy còn có người rừng và nhiều khu rừng nguyên sinh, có nhiều thứ bí ẩn mà chưa ai biết được. Vậy nên lại càng tò mò.
Chuyến đi được ấn định vào sáng sớm một ngày cuối năm 1981. Tôi lên nhận công tác tháng 11, bây giờ là cuối tháng 12, lạnh sun da. Là có một ông ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đi công tác, ông ấy rủ đi, tôi xin phép trưởng phòng, nói em đi cho biết Giẻ Triêng, rồi rủ 1 anh ở Phòng Văn hóa quần chúng, nguyên là bộ đội Biên phòng trên đồn Đak Glei để ông ấy làm thổ địa. Lúc đi nhờ xe U oát, khi về tự lo. Cái U oát chở 11 người ròng rã đến 9 giờ tối thì tới cơ quan Huyện ủy Đak Glei.
Đã điện báo trước nên xông thẳng xuống... nhà bếp, thấy 1 cái lồng bàn, bên trong có một chậu cơm gạo đỏ, một rổ rau cải luộc và nước mắm đã pha thêm nước gạo rang. Thế mà 11 con người ngồi vào ăn ngon lành. Cơm gạo đỏ ở đây được gọi là gạo bọc thép, bởi nó cứng như... thép. Nó là gạo rẫy, chả hiểu sao mà nó cứng thế, nhai trẹo cả hàm. Nhưng nhai kỹ thì bùi và không cần thức ăn. Bây giờ, không thấy lại loại gạo ấy nữa.
Hôm sau thì tùy nghi di tản. Tôi lên kế hoạch với anh cựu bộ đội Biên phòng: Đích là đồn, cứ thế đi. Anh ấy bảo từ đây vào đồn là 1 ngày đi bộ. Ngày thì ngày, sợ gì. Ăn một tô bún cá chuồn khô ở cái quán duy nhất thị trấn, 2 thằng cuốc bộ. Mỗi thằng 1 tay nải.
Đi được chừng 2 giờ đồng hồ thì bắt đầu thấy... nguy vì nó không còn đường, mà chỉ là những cheo leo bên dốc bên vực.
Xê xế trưa, đói lâm nhâm rồi thì... đột ngột hiện ra 1 thung lũng, có một ngôi nhà tranh. Anh bạn bụm tay hú. Dưới thung lũng 3 bóng áo trắng tí hin nhao ra vẫy rối rít. Chúng tôi đang ở trên đỉnh núi, rừng già nên cũng phải thêm đến 2 tiếng nữa mới tới cái ngôi nhà ấy.
Thì ra đấy là một ngôi trường, có 3 cô giáo và 1 thầy giáo. Thầy đi dạy ở điểm lẻ, còn 3 cô dạy tại đây. Chao ơi là mừng. 3 cô 2 cô người Nghệ, 1 cô Thanh Hóa, đều học xong cấp III được tuyển vào đào tạo cấp tốc mấy tháng rồi đưa xuống làng dạy. Mục đích có lẽ là có người Kinh nhiều hơn là dạy. Các cô bảo ở đây cả tuần mới gặp... người 1 lần, là các anh Biên phòng đi qua, còn học trò học xong thì về nhà. Tôi hỏi sao không làm trường trong làng, các cô giải thích, trường này của 3 làng, không làng nào chịu làng nào nên họ chia đều khoảng cách, làm trường ở điểm giữa 3 làng, học trò đi bộ từ 5 giờ sáng đến 7 giờ thì tới nơi, học đến chừng 9-10 giờ thì nghỉ. Mà dạy thì ít, thui thủi thì nhiều vì các lớp rất ít trò, chủ yếu là đi vận động chúng đến lớp ngồi.
Sau này, anh bạn Chử Anh Đào viết cái truyện ngắn “Một đêm mưa” tả cái cảnh cô giáo sống 1 mình ở cái lớp giữa rừng, có 1 anh địa chất ghé vào 1 đêm, đúng lúc nó mưa gió bão bùng, sấm sét uỳnh uỳnh, và 2 người cũng... sấm sét. Sau cô giáo có 1 đứa con. Anh viết về thiên hạ nhưng cứ thấy nhang nhác, quen quen...
Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy có một đêm dài thế, thú vị đến thế, ấm áp đến thế, nồng say đến thế.
5 người, 2 gã đàn ông, một măng tơ là tôi, sinh viên mới ra trường, một là sĩ quan Biên phòng chuyển ngành, đã có vợ. Một cái nhà có ngăn ra một phòng nhỏ làm chỗ ngủ cho các cô, 1 phòng rộng hơn là lớp học, bàn ghế tạm bợ, vách trống hoác, gió lùa hun hút.
Chúng tôi đã thức gần như trắng đêm ấy. Nói chuyện. Vâng, chỉ nói chuyện.
Các bạn đừng có mà giàu trí tưởng bở nhé. 3 cô giáo khát khao hừng hực nỗi gặp... người. Tôi thương và thông cảm với các cô. Bởi ngay việc tôi lên Pleiku, sống và làm việc tại thị xã hồi ấy, cũng đã là cú sốc với gia đình và bạn bè tôi rồi, dù nhà tôi, cả ba và mẹ đều xa gia đình từ nhỏ, tự lập từ nhỏ và chúng tôi cũng được giáo dục như thế, nhưng khi tôi đeo ba lô từ biệt ba mẹ và em trong một ngày mưa tầm tã lên Tây Nguyên cũng khiến cả nhà tôi sốc. Dù không ai nói ra, nhưng ai cũng cố nén cái cảm giác lo lắng khi ông con trai cả của gia đình đeo ba lô ra khỏi nhà trong một ngày mưa, đến một nơi chưa ai biết. Huống gì các cô giáo này, tuổi 19, 20 hơn hớn như thế, từ quê nhà đi một lèo vào đây. Các cô bảo, mỗi khi được ra thị trấn Đak Glei là như về... Thủ đô. Các cô vô cùng sung sướng, mà khi ấy, thị trấn Đak Glei vô cùng heo hút, cả thị trấn có một quán ăn sáng bún gạo đỏ với... cá chuồn.
Gần sáng thì cả 3 cô rút sang lớp học, nhường cho chúng tôi cái sạp tre, cách nhau bức liếp. Để tiết kiệm dầu, đèn Hoa Kỳ cũng được tắt. Những tiếng thở êm đềm, gió ràn rạt, đống lửa lúc tối lúc sáng, tàn lửa bay lao xao như tâm trí ngổn ngang từng người...
Tảng sáng, chúng tôi dậy thì đã thấy một nồi cơm và rổ rau cải luộc. Ăn sáng với các cô giáo xong chúng tôi từ biệt, tất nhiên là rưng rưng, là bịn rịn. Tôi hứa khi quay lại sẽ ở nhiều hơn với các cô và phải thú thực trong lòng cũng nhói lên chút cảm giác mơ hồ rạo rực của ngày gặp lại khi chúng tôi từ đồn quay ra.
Cứ rưng rưng mỗi lần chạy qua Đak Glei là thế, nhớ cái thời Gia Lai và Kon Tum còn là một tỉnh, khổ lắm nhưng vẫn nao nao.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202201/chuyen-loi-rung-nam-ay-5764165/