Chuyển mình từ những 'bước đi số'

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, khó khăn về trang thiết bị, đường truyền internet, khoảng cách địa lý, trình độ dân trí cũng như điều kiện sử dụng các thiết bị điện tử là những rào cản ban đầu khi Bù Đốp bắt tay thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Thế nhưng với quyết tâm từ nội lực, huyện Bù Đốp đã từng bước khắc phục khó khăn, tăng tốc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra để thúc đẩy CĐS trên hầu hết lĩnh vực, cùng với thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp để dần thích ứng với công cuộc số hóa.

VƯỢT TRỞ NGẠI, CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG

Nhà ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, gần Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện, thế nhưng khi đăng ký giấy khai sinh cho con, chị Trần Thị Lượt không mang hồ sơ đến tận nơi mà ở nhà thực hiện. “Từ khi biết dịch vụ công, tôi không phải mang hồ sơ đi nộp mà đều thực hiện ở nhà thông qua điện thoại thông minh. Lúc đầu, tôi cũng e dè nhưng sau khi được hướng dẫn và thực hiện một vài thủ tục thì nay các thủ tục trên dịch vụ công tôi đều đã tự tin thực hiện. Sau khi có kết quả, tôi sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận hồ sơ tại nhà. Như vậy, cả quy trình nộp và nhận kết quả, tôi không phải xếp hàng chờ đợi, tiết kiệm rất nhiều thời gian” - chị Lượt vui vẻ cho biết.

Lộ trình chuyển đổi số cùng với hiện đại hóa nền hành chính được huyện Bù Đốp thực hiện xuyên suốt với quá trình xây dựng và phát triển

Lộ trình chuyển đổi số cùng với hiện đại hóa nền hành chính được huyện Bù Đốp thực hiện xuyên suốt với quá trình xây dựng và phát triển

Hay như chị Đinh Thị Thu Thủy ở thị trấn Thanh Bình, khi nhà trường thông báo đóng học phí cho con, chị đã thao tác chuyển khoản ngay trong tích tắc, điều này giúp giáo viên không phải nhận tiền mặt mà phụ huynh cũng không phải đến trường ngồi chờ. Mua sắm mặt hàng thiết yếu tại các cửa hàng, siêu thị… chị Thủy cũng quét mã QR, thanh toán trực tuyến… Đây đều là những tiện ích mà chính quyền huyện Bù Đốp đang cung cấp đến người dân.

Điều đáng nói, trong xây dựng xã hội số, xác định là huyện vùng sâu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên bên cạnh quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet đồng bộ từ huyện đến xã, lãnh đạo huyện đã tìm nhiều giải pháp phù hợp tình hình địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thấy được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng chất lượng cuộc sống.

Một trong những điều kiện thuận lợi để huyện Bù Đốp tăng tốc CĐS đó là số hộ gia đình sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh đạt hơn 98%; số hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang đạt 67%; tỷ lệ các xã, thị trấn được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đạt 100%, nâng số lượng người dân biết kỹ năng về công nghệ số chiếm 74%. “Người dân nay không phải cầm một xấp hồ sơ đến cơ quan nhà nước chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) như trước nữa. Nhờ phủ sóng mạng wifi nên việc gửi - nhận hồ sơ cũng nhanh hơn” - anh Nguyễn Văn Minh, ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp nói về sự thay đổi quan trọng này.

CHÍNH QUYỀN KIẾN TẠO - ĐIỂM NHẤN VÙNG BIÊN

Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm về CĐS, lộ trình, lĩnh vực ưu tiên, nguồn lực đảm bảo CĐS hằng năm và cả giai đoạn, Bù Đốp đã chủ động nâng cấp đường truyền, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua phần mềm One - Win. Cùng với đó là đầu tư phòng họp với hệ thống phần cứng chuyên dụng; triển khai hộp thư điện tử công vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, thư điện tử, chữ ký số, phần mềm họp không giấy... Điều này đã giúp cán bộ, công chức hạn chế đi lại trong giải quyết công việc, thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền số.

Đầu tư bảng tương tác thông minh, màn hình tivi lớn tại các lớp học đã góp phần thay đổi chất lượng dạy và học ở Trường tiểu học Thiện Hưng A, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Đầu tư bảng tương tác thông minh, màn hình tivi lớn tại các lớp học đã góp phần thay đổi chất lượng dạy và học ở Trường tiểu học Thiện Hưng A, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện là đầu mối tập trung để các phòng, ban, cơ quan, đơn vị ở huyện Bù Đốp tiếp nhận và phối hợp giải quyết TTHC. Thế nhưng, không còn cảnh người dân ngồi xếp hàng chờ giải quyết TTHC như trước. Anh Bùi Quang Luyện, Phó chánh Văn phòng UBND huyện, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp cho biết: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều thực hiện nội quy, quy chế làm việc nghiêm túc, kiên quyết không để “nhân dân phải chờ” khi giải quyết TTHC. Trung tâm cũng thực hiện nhiều giải pháp cải thiện chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp như: Tổ chức các quầy hỗ trợ tra cứu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến. Triển khai tổng đài tự động thông báo kết quả giải quyết TTHC qua tin nhắn để tổ chức, cá nhân kịp thời đến nhận. Đây cũng là kênh giao tiếp, trao đổi thông tin trong quá trình giải quyết hồ sơ. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các phương thức thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt.

Huyện cũng đang đẩy mạnh khai thác tiện ích từ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết TTHC. Quyết liệt triển khai 100% cơ sở y tế, khám - chữa bệnh trên địa bàn thực hiện khám - chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế hoặc qua ứng dụng VNeID; 100% cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn huyện thực hiện khai báo qua ứng dụng VNeID. Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh đầu tư bảng tương tác thông minh đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt đối với tất cả trường học trên địa bàn.

THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ

Khai thác lợi thế về nông nghiệp, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến…, huyện Bù Đốp đã chọn các hợp tác xã (HTX) làm điểm CĐS để làm đầu tàu, kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Song song với khâu sản xuất, việc áp dụng các nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm được HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước tận dụng tối đa

Song song với khâu sản xuất, việc áp dụng các nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm được HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước tận dụng tối đa

Điển hình là HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện, xã Phước Thiện với diện tích trồng và liên kết khoảng 800 ha mít ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao. “Thời gian gần đây, HTX đang chuyển dần sang trồng và chăm sóc theo chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch như: xây dựng mã số vùng trồng; đầu tư xưởng chế biến mít sấy, nhất là hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây. Sản phẩm mít sau khi đóng gói đều được dán nhãn mác, quét mã QR truy xuất nguồn gốc. Hiện các sản phẩm mít không chỉ bán cho khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài nhờ các kênh xúc tiến thương mại, thương mại điện tử” - ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện chia sẻ.

Các sản phẩm nông nghiệp của huyện đều đang đẩy mạnh số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tập trung phát triển thương mại điện tử. Chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước, thị trấn Thanh Bình cho biết: Tuy mới hoạt động nhưng chúng tôi được tạo điều kiện rất lớn về cơ chế, chính sách để phát triển thương hiệu sản phẩm. HTX cũng đang phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khác nhau từ trung cấp đến cao cấp và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những nông dân có nhu cầu.

Hành trình CĐS không hề dễ dàng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Phong đã khẳng định: Khó thì tìm cách. Và cách của huyện Bù Đốp là “kết hợp triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương từ việc tranh thủ nguồn lực đầu tư của tỉnh kết hợp ngân sách của huyện, nguồn lực xã hội hóa để tập trung đầu tư các hạng mục về CĐS. Trong đó, phải kể đến việc lắp wifi sử dụng miễn phí ở một số điểm trên địa bàn thị trấn Thanh Bình; hệ thống đường truyền dữ liệu dân cư, xây dựng trang thông tin điện tử UBND các xã, thị trấn...” - ông Phong nhấn mạnh.

Trong quá trình thực hiện CĐS, Bù Đốp khuyến khích các loại hình kinh tế số phát triển. Các doanh nghiệp, HTX đều đã sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng số... Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm từ 7-10% trong tổng GRDP của huyện.

Lộ trình CĐS cùng với hiện đại hóa nền hành chính được huyện Bù Đốp thực hiện xuyên suốt với quá trình xây dựng và phát triển. Mặc dù thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực từ mỗi người dân, từng phòng, ban, cán bộ các cấp đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhân dân đồng tình, ủng hộ, chung tay đẩy lùi khó khăn, tạo động lực cho chính quyền huyện Bù Đốp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chính trị tỉnh giao.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143677/chuyen-minh-tu-nhung-buoc-di-so