Chuyện mới, tích cũ

Sau liên tiếp mấy niên vụ giảm giá thê thảm, nhiều diện tích mía ở Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long đã được người dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác khiến sản lượng mía toàn vùng giảm mạnh. Vì vậy, đến niên vụ 2021 - 2022 này, khi giá đường thế giới tăng trở lại và các biện pháp phòng vệ thương mại bắt đầu phát huy hiệu quả thì chuyện cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu cũng bắt đầu tái diễn, đến độ doanh nghiệp phải cầu cứu đến chính quyền địa phương.

Mấy năm nay, câu chuyện mía đường gần như ít nghe ai nhắc đến, ngay cả những nông dân gắn bó nhiều năm với cây mía ở vùng được mệnh danh là thủ phủ mía đường miền Tây trước đây là Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Nguyên nhân chính là do giá đường trong nước không thể cạnh tranh với giá đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. Đó là chưa kể đến một lượng lớn đường nhập lậu có giá bán thấp hơn cả giá thành sản xuất của các nhà máy đường trong nước. Hậu quả là nhiều diện tích mía bị xóa sổ, 11/40 nhà máy đường trên cả nước phải đóng cửa vì càng sản xuất, càng thua lỗ. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 6-2021, khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, giá đường trong nước tăng dần lên và giá mía nguyên liệu ở niên vụ 2020 - 2021 cũng tăng lên 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Nông dân trồng mía huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phấn khởi vì giá mía tăng cao. Ảnh: TÍCH CHU

Nông dân trồng mía huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phấn khởi vì giá mía tăng cao. Ảnh: TÍCH CHU

Tuy mặt bằng giá (cả mía và đường) đã có sự cải thiện đáng kể từ niên vụ trước nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ sức kéo nông dân quay trở lại với cây mía như thời vàng son của nó. Như tại vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh là huyện Cù Lao Dung, từng được coi là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích cao nhất có năm trên 10.000ha, đến nay chỉ còn vài ngàn héc ta. Hay như huyện Long Phú, từng giữ vị trí thứ hai, thứ ba về diện tích mía của tỉnh, nay diện tích mía chỉ còn như những thảm da beo giữa các loại cây trồng, vật nuôi khác. Công cuộc chuyển đổi diện tích mía trong những năm gần đây đã phát huy hiệu quả, thu nhập người dân được ổn định, nên để kéo họ trở lại với cây mía thật sự là vấn đề không đơn giản.

Không chỉ có Sóc Trăng, những tỉnh có diện tích trồng mía lớn trong khu vực như: Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau… cũng giảm mạnh diện tích trồng mía, mà nguyên nhân chính là giá mía không ổn định khiến nông dân không an tâm gắn bó với cây trồng truyền thống này. Việc diện tích mía giảm nhanh và mạnh đã phần nào gây khó khăn về nguyên liệu cho các nhà máy đường, dù rằng số nhà máy ngưng hoạt động là không nhỏ, đặc biệt là khi giá đường trong nước và thế giới phục hồi mạnh như từ cuối năm 2021 đến nay. Từ đây, chuyện cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy với nhau và với thương lái, mà phần thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về những nhà máy bỏ vốn đầu tư, ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía ngay từ đầu vụ, mà trường hợp của Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) là một ví dụ.

Với công suất ép bình quân 2.700 tấn mía cây/ngày, nên sau khi giá đường khởi sắc vào giữa niên vụ 2020 - 2021, cùng những dự báo về giá đường trong năm 2022 sẽ tốt hơn, SOSUCO đã quyết định ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu hàng ngàn héc ta mía với nông dân huyện Cù Lao Dung với hy vọng sẽ có một năm sản xuất, kinh doanh thành công để bù đắp cho những năm khó khăn trước. Tuy nhiên, khi nhà máy của SOSUCO chính thức vào vụ ép 2022 thì cũng là lúc lượng mía tại vùng được ký kết hợp đồng “bốc hơi” dần đến độ công ty phải gởi đơn cầu cứu đến lãnh đạo, ngành chức năng trong tỉnh và cả Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Theo ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng giám đốc SOSUCO, nếu tình trạng này không được sớm ngăn chặn, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty sẽ khó thực hiện được và ảnh hưởng lớn đến chuỗi liên kết giữa công ty với người trồng mía theo chủ trương chung.

Hiện tại giá mía nguyên liệu đạt 10 CCS (chữ đường - NV) được thương lái thu mua tại ruộng từ 1.000 đồng/kg trở lên, trong khi tâm lý nông dân luôn muốn bán cho thương lái vì biết được ngay chữ đường và giá bán. Hơn nữa, theo tìm hiểu của người viết, khi bán cho thương lái, nông dân không phải lo chuyện tìm nhân công thu hoạch, vận chuyển vốn dĩ rất khó khăn do thiếu hụt lao động mỗi khi vào vụ. Dường như kịch bản của câu chuyện mía đường xưa nay hầu như không có sự thay đổi, bởi mỗi khi giá mía xuống thấp thì nông dân đỏ mắt chờ nhà máy xuống thu mua, còn khi giá mía tăng cao thì nông dân bán chạy mía cho thương lái dù trước đó đã có hợp đồng với doanh nghiệp. Có lẽ, đó cũng là một phần nguyên nhân lý giải vì sao cả doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía cứ mãi bấp bênh.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/chuyen-moi-tich-cu-55337.html