Chuyện mua nhà khó tin giữa cơn sốt đất bùng nổ trên toàn cầu
Giá bất động sản tăng cao khiến người mua 'vật vã' đi xem, thương lượng tranh giành các hợp đồng giao dịch nhà.
Mua nhà thời sốt đất
New Zealand được biết đến là quốc gia chống dịch Covid-19 tốt, phong cảnh núi non tuyệt đẹp, song nước này đang là một trong những thị trường bất động sản có giá nhà đắt đỏ nhất trên thế giới.
Femke Burger (Giám đốc bảo hiểm, 32 tuổi) tìm mua một ngôi nhà ở thủ đô Wellington trong 10 tháng. Femke đã xem 60 căn nhà và 10 hợp đồng bị từ chối trước khi thành công. Giá bán tăng vọt, buộc Femke phải tăng số tiền mua nhà so với ban đầu để cạnh tranh với những người mua khác.
"Tôi đưa hết tất cả những gì tôi có. Tôi không còn bất cứ khoản tiền tiết kiệm nào, đó là viễn cảnh thực sự đáng sợ", Femke Burger chia sẻ.
New Zealand hiện được xếp hạng là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất so với thu nhập trong khối OECD. Auckland - nơi sinh sống của 1/3 dân số nước này là thành phố có giá nhà đắt đỏ thứ tư thế giới, theo số liệu của Demographia.
Trước tình hình đó, có những lo ngại rằng giá bất động sản có hiện tượng bong bóng. Mức giá thị trường bất động sản ở New Zealand tăng hơn 20% trong năm qua tính đến tháng 2/2021 khiến giá nhà trung bình của quốc gia này ở mức 780.000 đô la New Zealand (12,8 tỷ đồng), còn ở thành phố Auckland giá nhà trung bình lên đến 1,1 triệu đô la New Zealand (18 tỷ đồng).
Đằng sau việc giá nhà tăng ở New Zealand là chính sách tiền tệ đẩy lãi vay xuống mức thấp nhất trong lịch sử thúc đẩy đổ dòng tiền sang khoản đầu tư sinh lời cao như bất động sản.
Mỗi tuần, lại xuất hiện những câu chuyện mới về mức giá nhà không tưởng ở New Zealand. Hồi tháng 3, một căn nhà 3 phòng ngủ ở ngoại ô Greenlane của Auckland được bán đấu giá với giá 5,98 triệu đô la New Zealand (98 tỷ đồng), cao hơn mức định giá 2,6 triệu đô la New Zealand của hội đồng địa phương.
Theo trang web bất động sản OneRoof, ngay cả những ngôi nhà hư hỏng, tồi tàn cũng có nhiều người muốn mua. Tháng 1 vừa qua, một ngôi nhà có 3 phòng ngủ với sơn bong tróc được bán với giá 1,81 triệu đô la New Zealand (29 tỷ đồng). Tỷ lệ sở hữu nhà tại New Zealand xuống mức thấp kỷ lục chỉ là 65% kể từ thập niên 1950. Tổng tài sản của những người sở hữu nhà ở nước này gấp 14 lần những người đi thuê.
"Làm sao có thể tiết kiệm được 200.000 đô la New Zealand (3,2 tỷ đồng) tiền cọc mua nhà và sống đây?", anh Blair Duckett (người thuê nhà ở Auckland) đặt câu hỏi. Vợ của người đàn ông này cho rằng, không dám nói với người khác chuyện đi thuê nhà, vì đó là điều xấu hổ, mọi người sẽ cười.
Số liệu của Infometrics còn cho hay, giá nhà bình quân ở New Zealand cao gấp 6,7 lần thu nhập trung bình của hộ gia đình ở New Zealand.
Sốt đất bùng nổ trên toàn cầu, nhiều nước ghìm cương giá đất
Thời gian gần đây, sốt đất không chỉ ở Việt Nam, mà còn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. "Cơn sốt" bất động sản làm dấy lên nỗi lo về bong bóng bất động sản, nhiều quốc gia đã phải vào cuộc đưa ra "thuốc hạ sốt".
Tại Trung Quốc, trước lo ngại bong bóng bất động sản, mất ổn định tài chính và lượng vốn tín dụng cấp mới ở quốc gia này tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, hồi tháng 2/2021, Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc chỉ thị cho tất cả các tổ chức cho vay trong và ngoài nước đang hoạt động ở nước này giữ lượng cấp vốn mới trong quý I/2021 ở mức gần bằng hoặc thấp hơn so với quý I năm ngoái.
Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã chuyển trọng tâm sang kiểm soát rủi ro tài chính, cho vay quá mức, nguy cơ quá nóng. Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Macquarie Group ở Hong Kong cho biết: “Những lo lắng về một cuộc suy thoái do đại dịch gây ra đã không còn nữa. Ưu tiên hàng đầu là giảm gánh nặng nợ của nền kinh tế".
Tại New Zealand, Chính phủ cũng tính đưa ra các biện pháp mới nhằm giải quyết vấn đề giá nhà tăng vọt, ngăn chặn hình thành bong bóng bất động sản.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, chính phủ sẽ bỏ các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư bất động sản và tăng nguồn cung nhà ở. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh giá nhà tăng cao khiến những người mua nhà lần đầu và người có thu nhập thấp không thể mua nhà, làm dấy lên vấn đề bất bình đẳng xã hội gia tăng.
Nữ thủ tướng New Zealand cảnh báo, một số chỉ báo đã cho thấy nguy cơ về bong bóng bất động sản. Các nhà đầu tư bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người mua bất động sản.
Tại Hàn Quốc, trong tháng 2, Chính phủ cho biết sẽ thúc đẩy nguồn cung nhà ở. Động thái này diễn ra trong khi Tổng thống Moon Jae-in cố gắng kiểm soát vấn đề giá nhà tăng cao. Theo kế hoạch này, Chính phủ sẽ cung cấp thêm hơn 800.000 nhà, trong đó tại Seoul là 332.000 căn từ nay đến năm 2025.
Ở khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg, Singapore cũng chứng kiến giá nhà tăng nhanh trong quý I/2021 đang khiến nhiều chuyên gia dự báo Chính phủ nước này có thể đưa ra các biện pháp để "hạ nhiệt" thị trường bất động sản như các quốc gia khác đã làm.
Diệu Quỳnh (Theo Bloomberg, Financial Times, Al jazeera , The Star)